Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không mặc áo phao, phạt 100.000 - 200.000 đồng

Đây là quy định mới có hiệu lực từ tháng 10 tới đối với những người đi đò nếu không sử dụng áo phao, hoặc dụng cụ nổi cứu sinh có nhân.

Nghị định 93/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải và đường thủy nội địa vừa được ban hành (có hiệu lực từ ngày 15/10) quy định việc xử phạt hành chính đối với hành khách đi đò nếu không sử dụng áo phao, hoặc dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân.

Trung tá Nguyễn Quang Nhật - Phó trưởng phòng hướng dẫn công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường thủy, Cục cảnh sát đường thủy, Bộ Công an, cho biết:

- Điều 55 nghị định 93/2013 quy định xử phạt vi phạm của hành khách nếu không chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thủy. Cụ thể, phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với hành khách không mặc áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân khi đi đò. Đối với chủ phương tiện hoặc người điều khiển thì có mức phạt cao hơn, tùy theo mức chở của phương tiện và mức phạt cao nhất đối với việc không trang bị áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân là 2 triệu đồng.

- Với thực tế vận tải hành khách đường thủy hiện nay, việc triển khai các quy định này liệu có gặp khó khăn không, thưa ông?

- Với phao tròn thì hành khách phải đeo hoặc áo phao thì phải mặc nên cũng có những bất tiện. Nhất là khi vận tải hành khách ngang sông thì thời gian đi lại giữa hai bờ rất ngắn, chỉ khoảng 5-10 phút.

Với thời gian đó và khí hậu như ở nước ta thì việc mặc áo phao cũng bất tiện với hành khách. Chưa kể áo phao cũ, bẩn nên nhiều người dân ngại mặc. Trước thực trạng này, ngành chức năng đã nghiên cứu dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân rất nhỏ nhưng giúp người nặng 80kg có thể nổi được, hoặc cặp phao cho các cháu học sinh...

Quy định này, cũng như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm, thời gian ban đầu có tâm lý người dân ngại mặc. Để khắc phục tình trạng này thì Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ngành GTVT, công an, chính quyền địa phương đều đã có tuyên truyền vận động chủ bến, phương tiện, thuyền viên nâng cao trách nhiệm để yêu cầu hành khách phải sử dụng áo phao; tuyên truyền cho người dân sinh sống ven sông thường xuyên phải sử dụng tàu thuyền có ý thức sử dụng áo phao hoặc dụng cụ nổi.

- Lực lượng cảnh sát đường thủy sẽ xử lý các vi phạm như thế nào?

- Ngay từ bây giờ chúng tôi đã có những bước chuẩn bị cho việc đảm bảo các quy định tại nghị định được thực hiện nghiêm túc. Trước hết là việc phối hợp với Bộ GTVT tham mưu cho Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ đạo chính quyền địa phương vào cuộc tuyên truyền đối với người dân. Trước đây, ngành giao thông đã có quy định để tuyên truyền nhưng chưa xử phạt, nay sẽ xử lý nghiêm.

Ngoài ra, cảnh sát đường thủy qua công tác nắm bắt tình hình đã chia được nhóm có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn là các phương tiện chở người, chở khách. Chúng tôi sẽ phối hợp liên ngành để tập trung vào nhóm này. Cụ thể, sẽ tổng kiểm tra tàu, phương tiện chở khách, tàu cao tốc, tàu cánh ngầm, hoạt động du lịch nghỉ đêm trên vịnh, nhà bè, nhà hàng, nhà nổi để xử lý theo quy định.

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm