Không khí lạnh sắp tràn về miền Bắc nước ta. Nguồn: NCHMF. |
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện nay (31/10), ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam.
Khoảng chiều tối và đêm mai (1/11), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó đến Bắc Trung Bộ, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Gió đông bắc trong đất liền mạnh lên cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4.
Cơ quan khí tượng nhận định, trong đợt không khí lạnh này ở khu vực Bắc Bộ thời tiết ít thay đổi. Từ đêm 1/11, đêm và sáng sớm trời lạnh, riêng vùng núi Bắc Bộ đêm và sáng sớm trời rét. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 18-21 độ, vùng núi 15-18 độ, vùng núi cao có nơi dưới 15 độ; ở Thanh Hoá - Nghệ An nhiệt độ thấp nhất từ 20-23 độ.
Cũng từ đêm 1/11, ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh lên cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 1,5-2,5 m. Ở vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, từ 2/11 gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2-3,5 m.
Thời tiết Hà Nội những ngày tới. Nguồn: NCHMF. |
Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.
Ngoài ra, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, từ 4-9/11, ở Bắc Bộ có mưa rào và giông rải rác; từ 5/11 trời chuyển rét.
Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cũng cho biết, ngày 1/11, không khí lạnh tăng cường trở lại phía bắc nước ta; những ngày sau đó, tiếp tục tăng cường yếu, tới 4-5/11 tăng cường mạnh, sau lấn dần xuống phía nam.
Trước đó, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, mùa đông năm nay, rét đậm, rét hại có khả năng hoạt động mạnh trong tháng 12/2024-1/2025, đặc biệt có thể xuất hiện trên diện rộng từ nửa cuối tháng 12 (tương đương so với trung bình nhiều năm).
Hơn 600 trang Việt Nam - Lãnh thổ và các vùng địa lý đã bao quát toàn bộ cảnh quan và đặc điểm cụ thể từng vùng ở Việt Nam trên nhiều góc nhìn như tự nhiên, khí hậu, đất đai, sông ngòi, dân cư, đặc trưng kinh tế. Đây được xem là tác phẩm kinh điển về địa lý Việt Nam của giáo sư Lê Bá Thảo.