Ngày 4/3, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến báo cáo kết quả công tác tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2019 dưới sự chủ trì của ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban.
Liên quan đến vấn đề chạy chức, chạy quyền, ông Phạm Minh Chính tiếp tục khẳng định trách nhiệm của Ban Tổ chức Trung ương trong việc bảo đảm hiện tượng này không xảy ra.
"Những ai chạy chức chạy quyền thì không dùng, ai tiếp tay cho chạy chức chạy quyền là phải kỷ luật", ông Chính khẳng định, đồng thời đề nghị các cán bộ không phải băn khoăn, lo lắng chạy lên tìm người tác động.
Ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Ảnh: Ngọc Tân. |
"Chúng tôi có trách nhiệm và sẽ quán xuyến, dứt khoát không tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền... để hướng tới mục tiêu tìm ra đội ngũ cán bộ thực sự trong sáng, tinh thông và gương mẫu", ông Phạm Minh Chính khẳng định.
Vướng mắc ở thực tiễn cái gì thì phải cùng nhau giải quết, phải có thái độ cầu thị, hợp tác
Ông Phạm Minh Chính
Tại hội nghị, một số địa phương chia sẻ về hiện tượng ý kiến thắc mắc của cấp dưới chưa được cấp trên giải đáp thỏa đáng.
Ông Phạm Minh Chính nêu ra 5 nguyên tắc khi tiếp nhận ý kiến thắc mắc của cán bộ đảng viên, gồm: Không được nói "không" hoặc nói "khó"; Phải lắng nghe; Phải cầu thị; Phải phối hợp giải quyết; Phải giải quyết dứt điểm, đến cùng.
"Chúng ta phải có tinh thần lắng nghe, cầu thị, hợp tác, cùng nhau giải quyết khó khăn. Nghiêm cấm nói 'không', nghiêm cấm nói 'việc này trả lời nhiều lần rồi'. Những gì thực tiễn xảy ra thì phải điều chỉnh cho phù hợp. Không có gì khó, khó là vì chúng ta không giải quyết", lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh.
Ông Phạm Minh Chính thừa nhận giữa thực tiễn với khi ban hành văn bản quy định còn những điểm chưa hợp lý, nhưng quan trong nhất là kịp thời phát hiện và sửa chữa.
Những ai chạy chức chạy quyền thì không dùng, ai tiếp tay cho chạy chức chạy quyền là phải kỷ luật
Ông Phạm Minh Chính
Nói về khâu giải quyết hồ sơ cán bộ, ông Phạm Minh Chính lưu ý trong công tác cán bộ thường xuyên phải có ý kiến đầy đủ các cơ quan.
Ví dụ, cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì phải lấy ý kiến Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Cán sự đảng Chính phủ, một số ban có liên quan (Ban Kinh tế, Ban Nội chính, Tuyên giáo...). Ngoài ra, còn phải lấy ý kiến Ban Bảo vệ chính trị nội bộ. Như vậy, việc lấy ý kiến gồm 4, 5 cơ quan, và phải đợi các cơ quan rà soát kỹ.
Lãnh đạo Ban tổ chức Trung ương cũng lưu ý tình trạng hoàn thiện hồ sơ của các cán bộ chưa ổn, hồ sơ gửi lên không hoàn thiện, phải trả đi trả về mất thời gian.