Chiều 9/1, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư, chúc mừng và đánh giá cao kết quả hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương khi hoàn thành một khối lượng đề án lớn, nhiều đề án có tầm chiến lược đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tái lập là chủ trương đúng
Trong năm 2018, Ban Kinh tế Trung ương đã xây dựng và hoàn thành 7 đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong đó có 4 đề án đã được Bộ Chính trị họp thông qua và ban hành nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị; 3 đề án đã có báo cáo trình Bộ Chính trị để xem xét trong thời gian tới.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đánh giá cao kết quả hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương thời gian qua. |
Ngoài ra, Ban cũng chủ trì, phối hợp triển khai nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tham mưu trình Bộ Chính trị một số đề án về phát triển kinh tế địa phương như ở thành phố Hải Phòng và thành phố Đà Nẵng. Cùng với đó, Ban cũng tích cực tham gia thẩm định các đề án về phát triển thành phố Hà Nội và TP.HCM.
"Một số đề án thể hiện được bản lĩnh của Ban Kinh tế của Đảng", ông Trần Quốc Vượng nói.
Theo Thường trực Ban Bí thư, việc Ban Kinh tế Trung ương hoàn thành tốt một số đề án có tầm chiến lược về kinh tế - xã hội, trong điều kiện nguồn nhân lực không nhiều thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng tâm đồng lòng, sự đổi mới, vươn lên của tập thể Ban
"Kết quả này phản ánh sự tiến bộ và trưởng thành của Ban Kinh tế Trung ương trong những năm qua", Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu.
Ngoài ra, theo ông Trần Quốc Vượng, Ban đã hoàn thành tốt công tác thẩm định, tham gia ý kiến đối với 129 đề án, dự án, tờ trình về kinh tế - xã hội... Nhìn chung, các ý kiến thẩm định có chất lượng tốt, thể hiện rõ quan điểm thẳng thắn, có trách nhiệm, đặc biệt đối với các đề án lớn...
Toàn cảnh hội nghị. |
Thường trực Ban Bí thư đánh giá kết quả đạt được trong thời gian qua đã cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng về việc tái lập Ban Kinh tế Trung ương. Với kết quả đạt được trong 3 năm qua, Ban đã thực hiện đúng vai trò, chức năng là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; hoạch định đường lối, chủ trương, biện pháp lớn, quan trọng về kinh tế - xã hội.
Giám sát thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế
Về phương hướng, nhiệm vụ 2019, ông Trần Quốc Vượng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương tập trung nâng cao chất lượng, đảm bảo đúng tiến độ các nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu và đề xuất cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư những vấn đề lớn về kinh tế - xã hội...
Ban phải thực sự là một trong những trung tâm của Đảng, Nhà nước về tập hợp trí tuệ, sự cộng tác, hợp tác của chuyên gia trong nước và ngoài nước, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước. Ban cũng cần làm tốt hơn công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế.
Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị tập thể Ban Kinh tế Trung ương triển khai nghiêm túc Nghị quyết của Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thực hiện tốt Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương.
Tại hội nghị, đại diện một số tỉnh, thành phố và Ủy ban Kinh tế Quốc hội... phát biểu đánh giá cao những đề án, công việc Ban Kinh tế Trung ương đang phối hợp. Lãnh đạo các địa phương trên cũng đề xuất việc xem xét thành lập Ban kinh tế tại một số địa phương có chọn lọc, đảm bảo yêu cầu không làm phát sinh thêm biên chế.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình. |
Bày tỏ sự cảm kích trước đánh giá của Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng như các đại biểu dự hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định tầm quan trọng của năm 2019, năm bản lề trong nhiệm kỳ.
Theo đó, Ban Kinh tế Trung ương sẽ chú trọng vào xây dựng văn kiện về kinh tế - xã hội, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cùng với tham mưu, giúp Bộ Chính trị sơ kết, tổng kết một số chủ trương, chính sách của Đảng về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050.
Ban sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương chính sách của Đảng về kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII.
Trước những đề nghị của Thường trực Ban Bí thư, ông Nguyễn Văn Bình cho biết Ban sẽ có các hoạt động cụ thể liên quan tới đề xuất phương hướng khơi thông cho các dự án, lĩnh vực hợp tác công - tư (PPP); đánh giá việc phân bổ đầu tư công; tổ chức hội nghị kinh tế của Đảng...