Ngày 18/1, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 64 điểm cầu trên cả nước.
Phát biểu khai mạc, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho biết từ sau Đại đội Đảng XII, ngành tổ chức xây dựng Đảng đã quyết tâm đổi mới phương pháp, lề lối, phong cách làm việc, hoàn thành khối lượng lớn công việc với chất lượng ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước, củng cố niềm tin của người dân.
Kiên quyết đẩy lùi suy thoái
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư, ghi nhận trong 3 năm qua, nhất là 2018, ngành tổ chức xây dựng Ðảng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.
Ông Trần Quốc Vượng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhật Lâm. |
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Thường trực Ban Bí thư cũng lưu ý công tác tổ chức xây dựng Đảng còn không ít hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục.
“Đề nghị các đồng chí quán triệt và thực hiện tốt những bài học kinh nghiệm đã rút ra để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao trong những năm tới”.
Ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh năm 2019 có ý nghĩa rất quan trọng, khối lượng công việc sẽ nhiều hơn và phức tạp hơn. Ông bổ sung thêm một số nhiệm vụ cho toàn ngành, trong đó tập trung vào nhiệm vụ đấu tranh, đẩy lùi tình trạng suy thoái trong Đảng, đẩy mạnh phân cấp, thu gọn đầu mối, giảm khâu trung gian, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, tích cực tinh giản biên chế.
"Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái trong Đảng, bằng những giải pháp mạnh mẽ, kịp thời, phù hợp", Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Toàn cảnh hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác Tổ chức Xây dựng Đảng năm 2018. Ảnh: Nhật Lâm. |
Ngoài ra, ông Trần Quốc Vượng cho rằng người làm công tác tổ chức phải công tâm, khách quan, minh bạch trong đánh giá bổ nhiệm cán bộ và cán bộ phải có lòng tự trọng, thấy mình có đủ hay không đủ năng lực để bản thân sẵn sàng đảm nhận hoặc từ chối chức vụ được giao.
"Nếu làm được như vậy thì chúng ta sớm khắc phục chạy chức, chạy quyền", ông khẳng định.
Ông Vượng yêu cầu toàn ngành phải đẩy mạnh phân cấp, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, thu gọn đầu mối, giảm khâu trung gian, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý điều hành...
Toàn ngành cũng phải tích cực tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, làm cho bộ máy thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc sắp xếp phải thận trọng, chắc chắn, tránh cầu toàn nhưng đồng thời tránh nôn nóng vì công tác tổ chức mà sai thì khó khắc phục, sai một ly đi một dặm, nên phải thận trọng, rõ đến đâu làm đến đấy.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; ngăn chặn, đẩy lùi và chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền.
"Lâu nay trong công tác cải cách hành chính Nhà nước cũng làm mạnh nhưng bên Đảng chưa làm mạnh nên nhiều thủ tục trong công tác cán bộ còn rườm rà, không cần thiết, mất nhiều thời gian. Cần sớm rà soát để đảm bảo quy định thiết thực, ngắn gọn mà hiệu quả", ông Vượng nhấn mạnh.
"Chấm dứt chạy chức, chạy quyền"
Trước đó, báo cáo tóm tắt công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2018, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, cho biết năm 2018, ngành đã bám sát và chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp, tích cực triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm.
Cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy lên một giai đoạn mới mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn, tiếp tục củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Bên cạnh đó, toàn ngành tiếp tục triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Đây là một trong những nghị quyết được thực hiện đồng bộ, tích cực và sớm đi vào cuộc sống, bước đầu đạt được chuyển biến tích cực.
"Đến cuối tháng 10/2018, toàn hệ thống chính trị đã giảm 3 ban chỉ đạo, 9 tổng cục, giảm hơn 50 lãnh đạo cấp tổng cục, trên 300 lãnh đạo cấp cục, vụ; 172 lãnh đạo ban, sở, ngành cấp tỉnh và tương đương...", ông Bình nêu dẫn chứng.
Trong năm 2019, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, Ngành xây dựng Đảng sẽ kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả, từng bước thu hẹp “một bộ phận không nhỏ” trong cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
"Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII), Ngành xây dựng Đảng đặt mục tiêu tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền", ông Bình nhấn mạnh.