Thảo luận tại Quốc hội về luật đặc khu, nhiều đại biểu còn tỏ ra lo ngại một số vấn đề như hiệu quả của đặc khu đến đâu, có nên triển khai cùng lúc tại ba địa phương, nhà đầu tư chiến lược chi phối sự phát triển...
Xung quanh câu chuyện này, Zing.vn đã có cuộc phỏng vấn bà Đỗ Thị Lan, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, một trong 3 địa phương phát triển đặc khu, gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Bà Lan có nhiều năm theo dõi việc hoàn thiện dự án luật, cũng như hoàn thiện đề án thành lập đặc khu tại Vân Đồn (Quảng Ninh).
Không quá lo doanh nghiệp chi phối
- Nhiều ĐBQH còn băn khoăn về rủi ro có thể gặp phải khi thành lập các đặc khu. Theo bà cần có cơ chế như thế nào để tránh những rủi ro, đảm bảo thành công của các đặc khu?
- Với Quảng Ninh, việc tránh rủi ro được thực hiện bằng cách tìm nhà đầu tư chiến lược. Khi mà luật chưa được ban hành, chính sách chưa thực hiện, nhà đầu tư chiến lược đã đầu tư vào, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng, như sân bay, đường cao tốc… Có nhà đầu tư sẽ tránh được rủi ro, tránh được việc đầu tư nguồn lực mà không phát huy được.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan. Ảnh: Quân Minh. |
Tỉnh Quảng Ninh cũng bắt đầu xúc tiến đầu tư từ rất lâu (2016). Đã có hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Vân Đồn. Đến nay, tỉnh vẫn giữ các mối liên hệ với các nhà đầu tư đó.
Nhà đầu tư Nhật, Mỹ đến Vân Đồn và đều đánh giá rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên họ hỏi bao giờ thì có luật. Bởi chỉ có luật mới giúp khẳng định được cơ sở pháp lý, để thực hiện được dự án mà người ta rất quan tâm. Ngoài ra họ còn hỏi bao giờ được phê duyệt quy hoạch chính thức. Họ cũng muốn biết chính sách mà mình tuyên truyền có đảm bảo được không, chỉ có luật mới đảm bảo được.
Tôi nghĩ để tránh được rủi ro, phải bắt tay vào xúc tiến đầu tư. Cần có các nhà đầu tư, cả trong nước và ngoài nước. Có nhà đầu tư thì mới có thể sử dụng được những chính sách, phát huy được những chính sách khi luật ban hành. Nếu không đưa được nhà đầu tư vào thì thất bại.
- Có đại biểu Quốc hội nói rằng lo ngại nhà đầu tư chiến lược sẽ chi phối đặc khu. Thậm chí khi ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược quá, biến đặc khu thành “con tin” của doanh nghiệp lớn. Quan điểm của bà thì sao?
- Tôi cho rằng nhà đầu tư chiến lược là những người tạo được niềm tin ngay từ ban đầu. Khi mà chính sách còn chưa có, pháp luật chưa, chưa thuyết phục được nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư chiến lược đã mạnh dạn đầu tư. Họ như mồi lửa, tạo khí thế cho đặc khu.
Bà Lan cho rằng chưa có cơ sở để khẳng định nhà đầu tư chiến lược chi phối đặc khu. Ảnh: Hoàng Hà. |
Khi chúng ta mới bắt đầu bước vào xây dựng đặc khu, cũng chưa có hiệu quả gì thì chưa có cơ sở để khẳng định điều đó.
Tôi nhấn mạnh việc xây dựng đặc khu cũng là nơi để thử nghiệm thể chế. Chắc chắn Chính phủ cũng có cơ quan, có cơ chế giám sát, nắm bắt được từng bước, nếu có vấn đề gì sẽ phải điều chỉnh khi cần thiết.
Khi nhà đầu tư bắt tay vào thực hiện dự án, họ phải tìm hiểu đầu tư, xây dựng hạ tầng mới có thể phát triển ngành nghề và kinh doanh có kết quả. Họ cũng không vào là kinh doanh được ngay, được hưởng chính sách ưu đãi ngay lập tức.
Chúng ta còn có cả một hệ thống pháp luật, gồm nhiều luật có thể điều chỉnh hành vi. Nếu để doanh nghiệp chi phối, chúng ta cần đặt câu hỏi hệ thống giám sát, hệ thống luật pháp, cơ quan tư pháp đi đâu, làm gì.. mà để xảy ra như vậy. Tôi nghĩ chúng ta không đến mức phải lo lắng vấn đề này, đó mới chỉ là cảm tính.
Tôi cũng nhấn mạnh cần có cơ chế chính sách thông thoáng, minh bạch, đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp khi đầu tư, làm ăn kinh doanh. Chính quyền địa phương tạo sân chơi bình đẳng cho cả nhà đầu tư chiến lược và tất cả các doanh nghiệp đến với đặc khu, cả trong và ngoài nước.
Cả đặc khu cho một ông làm ăn thì sao gọi là đặc khu được. Cần phải thu hút những tập đoàn lớn, ngang nó, hoặc hơn để vào. Khoảng 2 năm nữa, quay lại đặc khu mà chỉ có một mình doanh nghiệp đó thì cần phải xem lại, đó có thể là bất bình thường.
- Nhiều đặc khu trên thế giới đã gặp thất bại. Riêng với Vân Đồn, theo quan điểm của bà thì vì sao Quảng Ninh lại tự tin và quyết tâm làm thành công đặc khu này?
- Đúng là trên thế giới, có nhiều đặc khu thất bại đã được tổng kết. Có nơi chính sách trăm hoa đua nở rất nhiều cho một cái đặc khu, nhưng cuối cùng vẫn thất bại.
Theo tôi, nguyên nhân thứ nhất là nguồn lực Nhà nước không đủ cho bước đệm ban đầu, tạo động lực thu hút đầu tư phát triển đặc khu. Hiện nay tại Bắc Vân Phong, nếu không có nguồn lực thì làm thế nào để có hạ tầng, qua đó thu hút đầu tư? Tại Vân Đồn, Quảng Ninh đã dùng biện pháp đầu tư đối tác công tư, để phát triển hạ tầng.
Nguyên nhân thứ hai là việc chọn địa điểm không có tiềm năng, không có lợi thế địa lý, địa chính trị. Từ đó rất khó phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển theo đúng mục tiêu.
Quảng Ninh đã xây đựng đề án từ cách đây 10 năm, học tập cả nước thành công và nước không thành công trong việc xây dựng đặc khu. Khi đề xuất, Quảng Ninh đã đề nghị có luật là có thể thực hiện được ngay. Đó là bước đầu cho việc đầu tư mang lại hạ tầng.
Xúc tiền đầu tư cũng đóng vai trò rất quan trọng. Quảng Ninh dành cả nguồn lực về trí tuệ, nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia, nhà kinh tế để xúc tiến giúp địa phương. Nhiều hội nghị quốc tế để xúc tiến đầu tư đã được tổ chức và kêu gọi nhà đầu tư. Đó là niềm tin để tránh rủi ro, tự tin cho việc xây dựng đặc khu.
Chúng tôi cũng đã chuẩn bị cả nguồn lực và nhân lực để xây dựng đặc khu. Quảng Ninh huy động mọi nguồn lực có thể, từ ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, huy động từ các nhà đầu tư….
Chỉ làm trước 1 đặc khu sẽ gây lãng phí
- Đại biểu Trương Trọng Nghĩa có đề xuất là xây dựng thí điểm một đặc khu trước sau đó mới làm cả 3. Bà thấy đề xuất này như thế nào?
- Theo tôi, ý kiến đó cần phải cân nhắc. Ở đây có thể xác định lộ trình phát triển từng đặc khu không giống nhau. Phú Quốc cũng đã có nhà đầu tư, Vân Đồn cũng đã có nhà đầu tư chiến lược, Bắc Vân Phong mới bắt đầu. Ngoài việc chuẩn bị cả nguồn lực ngân sách Nhà nước, cũng cần xác định lộ trình cho đặc khu phát triển.
Đại biểu cho rằng nếu kéo dài thời gian thực hiện đặc khu sẽ gây lãng phí nguồn lực. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tôi nghĩ không nên vì quan điểm của một đại biểu mà lùi thời hạn ban hành luật. Việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiếp cận tìm hiểu, đầu tư của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.
Việc lùi ban hành luật cũng gây lãng phí rất lớn. Nhiều nhà đầu tư đã xác định rót vốn, nếu không bắt tay vào thực hiện, sẽ làm giãn cách thời gian tiếp cận, phát huy chính sách, từ đó không thực hiện theo đúng lộ trình, mục tiêu đề ra.
Mặt khác, Đảng ta cũng xác định mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế và việc thực hiện phát triển đặc khu là thực hiện các đột phá để phát triển kinh tế - xã hội bền vững giai đoạn 2016-2021. Giờ đã là 2018, nếu cứ kéo dài mãi thì mục tiêu đó khó có thể thực hiện được.
- Một số đại biểu còn băn khoăn về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Thậm chí có người nói việc tổ chức HĐND ở đặc khu mang tính hình thức, khó thực hiện nhiệm vụ giám sát. Quan điểm của bà như thế nào?
- Theo dự thảo, HĐND hiện tại gồm có 9 người, lại không có ai thường trực chuyên trách, không có các ban chuyên môn. Như vậy, đúng là cần phải đặt câu hỏi HĐND giám sát như thế nào, có đủ năng lực và chuyên môn để làm việc đó hay không.
Ngoài ra, HĐND chỉ có ngần ấy người mà bầu ra một chức vụ quan trọng là chủ tịch đặc khu. Chủ tịch đặc khu cũng được giao rất nhiều thẩm quyền. Tôi băn khoăn HĐND cấp đặc khu không có chuyên trách thì khó có thể giám sát được. Hay để lên HĐND cấp tỉnh giám sát, hay quy định ai nữa. Cái đó dự thảo cần làm rõ thêm.