Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng trấn an đại biểu về luật đặc khu

Giải trình thêm trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói Việt Nam cần thận trọng nhưng cũng không nên quá cầu toàn. Ông mong Quốc hội cho phép thông qua để sớm triển khai.

Phát biểu tại Quốc hội sáng 23/5, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đại diện cơ quan soạn thảo của Chính phủ, đã làm rõ thêm một số điểm đại biểu còn băn khoăn.

Không quá cầu toàn

Ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng đây là một luật mới, khó và chưa có tiền lệ ở Việt Nam, nên tính phức tạp và phạm vi ảnh hưởng rất lớn, đòi hỏi phải có nghiên cứu hết sức thận trọng.

“Chúng tôi cũng đã tiếp cận theo hướng tổ chức đánh giá, tổng kết, nghiên cứu, tham khảo quốc tế, lấy ý kiến tư vấn các nhà khoa học, các nhà chuyên gia và làm việc rất kỹ với cả 3 địa phương. Quá trình đã hình thành mất rất nhiều công sức như vậy và đến ngày hôm nay đã có được chỉnh sửa theo tiếp thu ý kiến của ĐBQH tại kỳ họp lần thứ 4”, ông nói.

thao luan ve du an luat dac khu anh 1
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Hoàng Hà.

Bộ trưởng xin phép đề nghị với Quốc hội cho phép thông qua Luật đặc khu trong kỳ họp lần này để sớm ban hành sớm triển khai. Ông cho rằng trong quá trình triển khai thực hiện, có thể xem xét để điều chỉnh, sửa đổi chứ không chỉ dừng lại ở đây.

"Hàn Quốc trong 10 năm họ đã sửa 6 lần, Nhật Bản trong 3 năm cũng sửa 2 lần, cho nên Việt Nam cần thận trọng nhưng cũng không nên quá cầu toàn. Vấn đề hiện nay là việc tổ chức thực hiện", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Không lạm dụng ưu đãi

Ông cũng dành thời gian giải trình một cách cụ thể.

Thứ nhất, Bộ trưởng Dũng cho rằng phải lựa chọn các ngành nghề, lĩnh vực đang cạnh tranh và xu thế chuyển dịch trong làn sóng thứ 3 giữa các nước tên thế giới. Cụ thể là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp 4.0, nghiên cứu phát triển khởi nghiệp sáng tạo, các dịch vụ về tài chính thương mại quốc tế, vận tải biển, y tế, giáo dục đào tạo…

Các ngành nghề cũng phải phù hợp với tiềm năng, lợi thế của các đặc khu, phải tiếp cận theo phương pháp khoa học, các mô hình của các công ty tư vấn thế giới đang sử dụng.

Cơ quan soạn thảo đã bổ sung một số ngành nghề cho các khu như logistics, dịch vụ tài chính của Vân Đồn, hay bổ sung sản xuất sản phẩm chuyển giao công nghệ hải dương, hàng hải, sinh học đối với Bắc Vân Phong.

“Chúng tôi cho rằng phải tập trung lựa chọn ngành nghề không dàn trải để ưu tiên ưu đãi, không hạn chế và không cầm ngành nghề đó, chỉ là khác nhau mức độ ưu đãi. Nếu coi đó là ngành ưu đãi thì ưu tiên phát triển thành mũi nhọn, còn các ngành không ưu tiên thì vẫn được thực hiện ở đó”, ông nói.

Về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đã tăng thêm 23 ngành nghề so với dự thảo trình Quốc hội ở kỳ họp 4, giờ tập hợp là 131 ngành. Việc rà soát này dựa trên các nguyên tắc không liên quan trực tiếp và không ảnh hưởng trực tiếp quốc phòng, an ninh, môi trường, sức khỏe người dân.

Ngoài ra, có thể kiểm soát quản lý trong điều kiện đặc khu đó và có thể kiểm soát quản lý bằng các quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật theo phương thức hậu kiểm.

Về vấn đề cơ chế chính sách, Bộ trưởng giải thích rằng cơ quan soạn thảo tiếp cận theo hai hướng. Thứ nhất là tạo lập môi trường, thể chế một cách thuận lợi, điều kiện và thủ tục thật hấp dẫn và thông thoáng.

Còn về thuế và miễn thuế, giảm thuế mặt đất, mặt nước thì để cạnh tranh được với các nước và hiện nay các nước đã được hình thành trong thời gian rất dài và vẫn liên tục ra sức thành lập các khu mới và với những cơ chế chính sách mới để cạnh tranh thu hút dòng tiền đầu tư này.

Tiền thắng casino ở đặc khu được mang trực tiếp về nước Người Việt được vào chơi casino, tiền thắng casino được mang trực tiếp về nước là những quy định thoáng bên cạnh những ưu đãi vượt trội về đầu tư, thuế ở đặc khu kinh tế.

“Nếu chúng ta không đưa ra được những cơ chế chính sách đủ để hấp dẫn, để lôi kéo và thu hút nhà đầu tư thì mức độ thành công đối với các khu này sẽ giảm đi. Do vậy, tôi thấy các ưu đãi ở đây vẫn phải thiết kế để đủ vượt trội so với trong nước hiện nay và cạnh tranh được với quốc tế, nhưng cũng chỉ đủ để đảm bảo thu hút chứ không lạm dụng việc này”, ông nói.

Người đứng đầu ngành kế hoạch - đầu tư nhấn mạnh không phải ưu đãi mà quan trọng nhất vẫn chính là môi trường sống, môi trường làm việc, môi trường đầu tư ở các đặc khu.

Về việc thời hạn cho thuê đất lên đến 99 năm, Bộ trưởng đề nghị cho phép giữ nguyên như dự thảo vì đây cũng là một chính sách vượt trội của chúng ta.

Tuy nhiên, ông cũng đồng tình với các đại biểu là phải quy định rõ ràng đâu là điều kiện đặc biệt và đâu là điều kiện để được Thủ tướng phê duyệt.

"Quy định phải thật rõ và thật thận trọng trong quá trình xem xét đối với những dự án gọi là đặc biệt và có thể hưởng quy định 99 năm”, ông nói. "Như thế nào là đặc biệt và quy trình thủ tục như thế nào được xem xét sẽ thiết kế ở quy định sau cho rõ ràng và minh bạch, thận trọng".

Về thuế tiêu thụ đặc biệt của casino, Bộ trưởng Dũng cho biết đang có 2 luồng ý kiến khác nhau. Đại diện cơ quan soạn thảo, ông xin phép được giữ như dự thảo, nghĩa là miễn, giảm ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt của casino.

“Đây là chủ động của chúng ta, chứ không phải chúng ta khuyến khích họ. Hiện nay các nước đều mở dịch vụ casino này để cạnh tranh dòng tiền trong nhu cầu của con người khi chơi casino. Nếu chúng ta khuyến khích, cho phép thì phải đảm bảo được cạnh tranh, đảm bảo cạnh tranh thì phải có đầu tư lớn và làm thật bài bản”, ông nhấn mạnh.

thao luan ve du an luat dac khu anh 2
Nhiều đại biểu Quốc hội còn băn khoăn về nhà đầu tư chiến lược tại đặc khu. Ảnh: Hoàng Hà.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết muốn đầu tư lớn thì phải có chính sách miễn giảm hợp lý thì nhà đầu tư mới đầu tư, mới có được những khu cạnh tranh. Có khu cạnh tranh đó mới thu hút được dòng tiền trên thế giới, nước nào cũng làm như thế. Nếu Việt Nam không ưu đãi hợp lý thì sẽ khó thu hút được các dự án cạnh tranh được với các nước như hiện nay.

Sẽ rà lại quy định về nhà đầu tư chiến lược

Về nhà đầu tư chiến lược, Bộ trưởng thừa nhận có rất nhiều ý kiến về vấn đề này. Bộ trưởng cho biết đã trình tiêu chí thế nào là nhà đầu tư chiến lược và ông cũng báo cáo rõ thêm.

“Nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư không phải chỉ bỏ vốn các dự án lớn mà nhà đầu tư chiến lược phải có thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia từ quy hoạch, đề xuất thể chế, đầu tư hạ tầng, xúc tiến đầu tư, tổ chức thực hiện để phát triển toàn bộ đặc khu đó theo mục tiêu đã định.

Tuy nhiên chúng ta sẽ rà soát lại chặt chẽ hơn nữa đảm bảo nhà đầu tư chiến lược đích thực được hưởng các chính sách ưu đãi tương xứng”, ông chia sẻ.

Về khiếu kiện hành chính của người đứng đầu đặc khu, Bộ trưởng Dũng cho biết sẽ tiếp thu chỉnh sửa. Về Hội đồng nhân dân bầu Chủ tịch đặc khu thực hiện theo quy định của Hiến pháp, ông xin giữ nguyên.

Dự thảo luật đặc khu có gì khác kỳ họp trước?

So với dự thảo trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 4, luật đặc khu đã có nhiều chỉnh sửa về tên gọi, ngành nghề ưu tiên, mô hình tổ chức chính quyền địa phương.

Nhiều tranh luận chờ Quốc hội quyết về luật đặc khu

Dự kiến được trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 5, luật đặc khu vẫn còn những ý kiến tranh luận trái chiều về nhiều vấn đề, đặc biệt là mô hình tổ chức chính quyền.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm