Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Không để nợ sang Chính phủ khóa mới, rất mang tiếng’

"Không để nợ sang Chính phủ khóa mới vì rất mang tiếng. Cái nào không làm được thì mạnh dạn xin rút”, ông Mai Tiến Dũng chỉ đạo việc giải quyết các đề án nợ đọng.

Sáng 3/12, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với các bộ, cơ quan về tình hình xây dựng, trình các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và sắp có hiệu lực từ 1/1/2021.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Tổ trưởng Tổ công tác) quán triệt nguyên tắc “cắt giảm tối đa số lượng văn bản quy định theo hướng một luật chỉ ban hành tối đa 2 nghị định, một nghị định chỉ ban hành một thông tư hướng dẫn. Trường hợp đặc biệt thì báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định”.

Nhấn mạnh Chính phủ khóa này đề cao nhiệm vụ xây dựng thể chế, ông Dũng cho rằng nếu để tỷ lệ văn bản nợ đọng cao hơn các khóa trước sẽ “không ổn”, ảnh hưởng đến thành tích chung của Chính phủ. Vì vậy, vấn đề văn bản nợ đọng cần phải giải quyết nhanh.

Công an xã chính quy phải có chức năng điều tra

Đề nghị Bộ Công an báo cáo đầu tiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Bộ đang nợ 3 văn bản chi tiết và 6 đề án.

Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng (Phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, Tư pháp - Bộ Công an) giải thích với văn bản nợ đọng có tính chất nhạy cảm đã trình và đang chờ ý kiến từ Chính phủ. Còn nghị định liên quan đến công an xã chính quy thì chờ Bộ Nội vụ trả lời sẽ trình lên, khi đó Bộ sẽ không còn nợ văn bản nào nữa.

“Hiện 100% công an xã chính quy nhưng vướng về quy định chế độ chính sách cho lực lượng này và vướng cả về chức năng, nhiệm vụ, trong đó có chức năng điều tra. Công an xã trước đây là bán chuyên trách, còn bây giờ công an chính quy khác, cần sớm điều chỉnh theo hướng công an chính quy phải có chức năng điều tra”, ông Hùng nói và mong sớm có nghị định để thực hiện.

cong an xa chinh quy phai co chuc nang dieu tra anh 1

Bộ Công an kiến nghị công an chính quy về xã phải có chức năng điều tra. Ảnh: Báo Thái Bình.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị cái gì Bộ Công an hỏi Bộ Nội vụ phải trả lời, ví dụ liên quan gần 11.000 trưởng công an xã là công chức xã, ở các địa phương mà dôi dư thế thì tính thế nào, phải báo cáo Chính phủ hướng xử lý. Còn giờ cái gì làm được thì làm, ví dụ quy định chức năng nhiệm vụ của công an xã thì phải làm ngay.

“Đưa công an chính quy về xã là chủ trương lớn, đã có chủ trương rồi thì thực hiện thôi, đưa lực lượng xuống rồi mà để lâu như vậy không làm rõ chức năng nhiệm vụ sẽ rất khó cho người ta”, ông Dũng nói.

Giải thích thêm việc này, Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Đinh Dũng Sỹ cho rằng Bộ Công an khẳng định không tăng biên chế trong ngành, nhưng theo ông, lại tăng biên chế ở xã. "Công chức xã giờ chốt rồi, đưa công an chính quy về tăng lên thì giải quyết thế nào?”, ông Sỹ đặt câu hỏi.

Đại diện cho Bộ Nội vụ, ông Phan Trung Tuấn (Vụ trưởng Vụ Pháp chế) nêu vướng mắc nếu đưa công an chính quy về xã sẽ dôi dư đối với người đang đảm nhiệm chức danh Trưởng công an xã là công chức xã.

“Các địa phương đang rất vướng trong bố trí những người dôi dư này vì số lượng không phải ít, cả nước gần 11.000 công chức đảm nhiệm chức vụ trưởng công an xã”, ông Tuấn nói và cho biết Bộ Nội vụ đang phải tham khảo ý kiến của các bộ, ngành liên quan, đặc biệt lấy ý kiến của địa phương. Nếu cần thiết sẽ báo cáo Chính phủ về nội dung này.

Giải đáp băn khoăn về vấn đề biên chế, thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng cho biết khi xây dựng chủ trương công an xã chính quy, Bộ Công an đã đánh giá tác động trong 126.000 công an xã chính quy.

Sau khi triển khai, có 44.000 công an xã nghỉ và chuyển công tác khác, Bộ cũng tính toán hết trong đánh giá tác động. “Biên chế Bộ Công an không tăng, còn hơn 80.000 công an xã là hưởng phụ cấp chứ không phải công chức xã, như vậy là không tăng biên chế”, ông Hùng giải thích.

Không để nợ sang Chính phủ khóa mới

Nói thêm về việc giải quyết các vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng “đổi mới mà không vướng mắc thì không gọi là đổi mới”, nên chúng phải ta chấp nhận xử lý.

Liên quan đến nghị định quy định về công an xã, Tổ trưởng Công tác yêu cầu sau ngày 8/12 khi Bộ Nội vụ trả lời, Bộ Công an phải trình lên Chính phủ vào 10/12. Riêng vướng mắc về biên chế sẽ được báo cáo Chính phủ tìm hướng xử lý.

cong an xa chinh quy phai co chuc nang dieu tra anh 2

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng quán triệt không để văn bản nợ đọng, không để nợ sang Chính phủ khóa mới. Ảnh: Anh Thư.

Với 6 đề án nợ đọng của Bộ Công an, ông Dũng nhắc đây đều là những đề án rất quan trọng nên phải hoàn thành sớm, đề nghị đại diện Bộ Công an chốt thời hạn cuối cùng.

Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng giãi bày “các đề án này Bộ trưởng Công an đã bút phê, chỉ đạo từng đề án mà còn chưa thực hiện thì không biết chúng tôi hứa thế nào đây, vì chúng tôi chỉ là cấp vụ, cục”.

Nhắc đến việc các đề án nợ đọng, chương trình công tác chủ yếu chuyển từ năm 2019 sang, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị đại diện Bộ Công an về báo cáo Bộ trưởng, xem xét những việc thực hiện được thì phải làm bằng được trong năm 2020.

Cũng tại cuộc họp, nhiều bộ ngành còn nợ đọng văn bản và các chương trình, đề án đã có báo cáo để Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc. Trong đó, Bộ Tài chính nợ 15 văn bản, đề án; Bộ KH&ĐT nợ 30 văn bản và đề án; Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Xây dựng cùng nợ 14 văn bản, đề án; Bộ Nội vụ nợ 11 văn bản, đề án.

Dù còn một số vướng mắc khiến các cơ quan chưa thể trình và ban hành văn bản hướng dẫn luật, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan phải cùng ngồi với nhau để có tiếng nói thống nhất, giải quyết vướng mắc. Tinh thần làm quyết liệt, không để tình trạng nợ đọng.

“Không để nợ sang Chính phủ khóa mới vì rất mang tiếng. Cái nào tính toán, cân đối khả năng không làm được thì mạnh dạn báo cáo Bộ trưởng xin rút”, ông Dũng yêu cầu.

Theo ông, trước đây các đề án được xây dựng theo kiểu mỗi nơi đề xuất một kiểu mà không tính toán các điều kiện cần và đủ để làm, cứ xin để đó nhưng không làm được nên bây giờ hậu quả là nhiều đề án rất khó thực hiện vì thiếu nguồn lực, kinh phí.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng, đề nghị rà soát lại tất cả đề án để tính toán, nếu khả thi thì phải hoàn thành trong tháng 12, không khả thi thì xin rút ra.

Ông cũng đề nghị trong năm 2021, việc xây dựng chương trình, đề án phải có đánh giá tác động, nêu rõ các điều kiện cần và đủ, nhất là kinh phí và nhân sự.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: ‘Rất khổ vì văn bản chồng chất’

"Một đất nước mà văn bản chồng chất, ngay bản thân chúng ta cũng không nhớ hết, rất khổ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm