Chiều 19/2, Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp về việc xây dựng dự thảo đề án “Đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu” theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 13/11/2019.
Cuộc họp do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì.
Phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ việc kiểm tra chuyên ngành
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết công tác kiểm tra hải quan, kiểm tra chuyên ngành có nhiều tiến bộ, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao. Điều này còn giúp tiết kiệm được thời gian, tiền bạc.
Bộ trưởng cho rằng cần phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ việc kiểm tra chuyên ngành. Thay vì có những mặt hàng 2-3 cơ quan, thậm chí 4 cơ quan kiểm tra thì giờ đây phải xóa bỏ được sự chồng chéo.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Văn Hưng. |
Theo Bộ trưởng Dũng, những quy định kiểm tra chuyên ngành nằm ở các luật thì báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội theo hướng một luật sửa nhiều luật. Những quy định ở Nghị định thì báo cáo Chính phủ sửa theo hướng một nghị định sửa nhiều nghị định.
“Chúng ta cần có bước đi trúng, đúng, nhưng phải nhanh, không phải dò dẫm”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Báo cáo tóm tắt đề án “Đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”, Tổng cục phó Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) Mai Xuân Thành cho biết những kết quả trong quá trình cải cách kiểm tra chuyên ngành thời gian qua được tổng kết và nhân rộng trong xây dựng đề án.
Theo ông Thành, thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm đã đơn giản, thuận lợi hơn trước rất nhiều.
Hầu hết việc kiểm tra chuyên ngành đã được tập trung vào một đầu mối. Thời gian kiểm tra chuyên ngành (từ khi lấy mẫu đến khi có kết quả) cũng giảm từ mức trung bình 7 ngày xuống phổ biến là 1-3 ngày.
Ông Mai Xuân Thành, Tổng cục phó Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính). Ảnh: Văn Hưng. |
“Nhìn chung, những cải thiện đã đem lại kết quả tổng hợp là tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan đã giảm, từ mức xấp xỉ 26% năm 2015 xuống mức 19,1%. Thời gian làm thủ tục ở nhiều lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành đã giảm đáng kể”, ông Thành nói.
Tuy nhiên, đánh giá về những vấn đề còn tồn tại trong hệ thống kiểm tra chuyên ngành hiện nay, ông Thành cho biết hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành còn nhiều mặt hàng chưa có tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật để kiểm tra, chưa được chỉ định cơ quan kiểm tra.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến tháng 12/2019 vẫn còn khoảng 70.000 mặt hàng còn thuộc diện điều chỉnh bởi các chính sách, quy định liên quan đến quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành.
Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục kiểm tra còn qua nhiều bước, quá mức cần thiết. Nguyên tắc quản lý rủi ro cũng chưa được đáp ứng đầy đủ, thực chất.
Đại diện Tổng cục Hải quan thông tin thêm còn tồn tại tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, hiện có 25 nhóm sản phẩm, hàng hóa còn chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành, cùng lúc phải thực hiện nhiều thủ tục, hình thức trong quản lý/kiểm tra chuyên ngành.
Đề xuất lộ trình thực hiện theo 2 giai đoạn, thành lập tổ công tác liên ngành
Về lộ trình, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đề xuất thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2020-2022), trình Thủ tướng ban hành quyết định về việc thí điểm đổi mới công tác kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Giai đoạn 2 (từ năm 2023), trình Quốc hội ban hành một luật sửa đổi, bổ sung các luật liên quan và sáp nhập một số bộ phận, cơ quan kiển tra chất lượng về cơ quan hải quan.
Đại diện các Bộ, ngành, cơ quan khẳng định ủng hộ việc cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Đại diện Bộ Công Thương cho rằng nên thành lập một tổ công tác có sự tham gia của nhiều Bộ, phối hợp với Bộ Tài chính. Ý kiến này nhận được nhiều sự ủng hộ.
Trong khi đó, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Tổng cục Hải quan chia sẻ thông tin về xuất nhập khẩu với các cơ quan có liên quan.
Phát biểu tổng kết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng nếu thực hiện được việc đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng chuyên ngành, môi trường kinh doanh đầu tư tại Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể.
“Trước hết, chúng ta phải tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh đề án theo hướng sâu sắc, tổng quan, thực tế và cụ thể. Thứ hai, mục tiêu phải nêu mạnh mẽ, quyết liệt vì điều này rất quan trọng. Nếu làm được sẽ kéo theo lợi ích của các quốc gia khác nữa”, ông Dũng nói.
Bộ trưởng đồng ý với đề xuất chia lộ trình thực hiện theo 2 giai đoạn của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, ông cho rằng chỉ chuyển nhiệm vụ, chứ không nên sáp nhập một số bộ phận, cơ quan kiển tra chất lượng về cơ quan hải quan.