Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không để người tham nhũng 'lọt' vào Trung ương

Muốn ngăn chặn và đẩy lùi được “một bộ phận không nhỏ” thì phải phát huy quyền làm chủ của người dân, xây dựng cơ chế bảo vệ người dân chống tham nhũng.

Là ý kiến của các thành viên trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam vào sáng 4/10, để góp ý vào Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng,

Cán bộ bỏ 70 tỷ đồng mua nhà, tiền ở đâu ra?

Theo ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề về văn hóa xã hội của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, việc chống tham nhũng, thoái hóa biến chất trong cán bộ đảng viên đã được đề cập ở rất nhiều kỳ Đại hội Đảng. 

Tại Đại hội IX, Đại hội X, thực trạng “một bộ phận không nhỏ” đã được Đảng đưa vào văn kiện để thảo luận tìm giải pháp ngăn chặn. Tuy nhiên đến Đại hội XI và tới đây là Đại hội XII, vấn đề “một bộ phận không nhỏ” vẫn còn.

Ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đề nghị, trong Đại hội Đảng tới làm sao phải lựa chọn cán bộ “sạch” vào T.Ư.
Ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đề nghị, trong Đại hội Đảng tới làm sao phải lựa chọn cán bộ “sạch” vào T.Ư.

“Theo tôi nguyên nhân chính là do chúng ta chưa phát huy quyền làm chủ của người dân. Nếu quyền làm chủ của dân được phát huy và tôn trọng, chắc chắn tham nhũng sẽ giảm, bởi lâu nay phát hiện ra tham nhũng chủ yếu là nhờ vào nhân dân, chứ đâu phải là các lực lượng chức năng”, ông Túc nói.

“Tôi thấy tình trạng phô trương, hình thức, lãng phí có khi còn lớn hơn cả tham nhũng. Chúng tôi làm ngoại giao thì thấy, các đoàn của chúng ta khi đi ra nước ngoài đông hơn rất nhiều so với các nước như Thái Lan, Malaysia, Philippines… 

Đi đông nhưng có để làm gì đâu, mà mỗi người đi đều rất tốn kém. Tôi nghĩ cái này hoàn toàn có thể tiết kiệm được”.

Ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Ông Tráng A Pao, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị Đại hội XII tới đây, phải làm rõ đã giải quyết, xử lý được bao nhiêu trong “một bộ phận không nhỏ”. Ông Pao cũng đề nghị, Đảng phải nhìn nhận nghiêm túc lại công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là việc kê khai tài sản, quản lý thu nhập của cán bộ, đảng viên và người thân trong thời gian qua. 

“Chúng ta phải có giải pháp để thẩm định, kiểm tra, giám sát xem việc kê khai tài sản đó có đúng không. Chứ thực tế tôi thấy, có người kê khai chỉ 1-  2 nhà, nhưng cuối cùng lại có rất nhiều nhà. Ngay tại Hà Nội, tôi biết có ông quan chức bỏ đến 70 tỷ đồng mua nhà ở Hà Nội. 

Lương thấp như vậy thì anh lấy ở đâu ra 70 tỷ để mà mua, có phải tham nhũng không… Tất cả những điều này, người dân đều biết, nhưng sợ bị trù dập, trả thù nên không dám tố cáo, phản ánh”, ông Tráng A Pao nói.

Không chỉ tham nhũng, theo ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, tình trạng nhũng nhiễu, hoang phí cũng đang diễn ra rất nghiêm trọng.

“Nói thật, tôi thấy tình trạng phô trương, hình thức, lãng phí có khi còn lớn hơn cả tham nhũng. Chúng tôi làm ngoại giao thì thấy, các đoàn của chúng ta khi đi ra nước ngoài đông hơn rất nhiều so với các nước như Thái Lan, Malaysia, Philippines… 

Đi đông nhưng có để làm gì đâu, mà mỗi người đi đều rất tốn kém. Tôi nghĩ chỉ cần bớt người đi, bớt ngày đi là đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền rồi. Cái này hoàn toàn có thể tiết kiệm được”, ông Bình nói.

Loại “bộ phận không nhỏ” ra khỏi bộ máy

Theo ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên là do công tác kiểm soát quyền lực chưa được làm tốt. Vì không kiểm soát được quyền lực nên mới dẫn đến việc chạy chức, chạy quyền “phát triển” thành “mua chức, bán quyền”, “buôn bán quyền lực”. 

“Vì không kiểm soát được quyền lực, nên khi người ta nắm được quyền, cấu kết với lực lượng có tiền thì sẽ dẫn đến việc chiếm quyền của tổ chức thôi”, ông Truyền cảnh báo.

Để đẩy được “bộ phận không nhỏ” ra khỏi bộ máy, ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng, cần phải tiếp tục và kiên quyết thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4. 

Theo đó, cần quy định cụ thể việc Đảng chịu sự giám sát của dân, dựa vào dân để dân tham gia xây dựng Đảng. Đồng thời phải kiểm soát được quyền lực dân giao, không ai được tha hóa quyền lực, phải chống tham vọng và tha hóa quyền lực.

Cũng theo ông Lù Văn Que, cái mà người dân hiện nay mong muốn nhất là Đại hội Đảng tới đây phải xây dựng được được đội ngũ lãnh đạo mạnh và sạch, không để “lọt” vào Ban Chấp hành T.Ư khóa mới những người vi phạm một trong 9 khuyết điểm như kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 11 của Đảng khóa XI. 

“Không cẩn thận để rồi không tìm thấy ai trong “một bộ phận không nhỏ”, rồi lại để những cá nhân này vào T.Ư thì rất nguy hại”, ông Que nói.

Ghi nhận những ý kiến tâm huyết của các đại biểu, Chủ tịch  Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đối với những vụ việc tham nhũng lớn phải có bộ máy chuyên trách mới làm được. 

Tuy nhiên vấn đề đặt ra vai trò của nhân dân tham gia vào công tác phòng chống tham nhũng như thế nào, ở đâu. 

“Rất mong chúng ta cùng suy nghĩ phải định hướng vạch ra con đường làm sao để nhân dân có vai trò, Mặt trận có vai trò hiệu quả hơn nữa trong phòng chống tham nhũng ở các mức độ khác nhau”, ông Nhân nói và cho biết, tới đây, MTTQ sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị để góp ý sâu về phòng chống tham nhũng, xây dựng văn hóa dân tộc và phát triển kinh tế ứng dụng khoa học kỹ thuật. 

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/khong-de-nguoi-tham-nhung-lot-vao-trung-uong-917150.tpo

Theo Văn Kiên/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm