Lệnh cấm nghiêm ngặt đối với việc tiêu thụ và chăn nuôi động vật hoang dã đã được triển khai và áp đặt trên khắp Trung Quốc sau khi dịch Covid-19 bùng phát khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Tới nay, virus gây bệnh được cho là bắt đầu lây lan từ một khu chợ động vật ở thành phố Vũ Hán.
Mặc dù vẫn chưa có kết luận chính thức về việc virus lây sang người từ loại vật nào - dơi, rắn hay tê tê - chính phủ Trung Quốc cuối cùng đã cảm thấy sự cần thiết của việc phải kiểm soát chặt chẽ hơn ngành buôn bán động vật hoang dã đầy lợi nhuận - nhằm ngăn chặn sự bùng phát của một bệnh dịch khác trong tương lai.
Khu chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán, được cho là nơi virus corona bắt đầu lây sang người và bùng phát. Ảnh: AFP. |
Cách khẳng định địa vị
Cuối tháng 2 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc - cơ quan lập pháp cao nhất đất nước, đã ban hành dự thảo lệnh cấm hoàn toàn các hành vi buôn bán, nhân giống và tiêu thụ "những loài động vật hoang dã trên cạn có giá trị sinh thái, khoa học và xã hội quan trọng", dự kiến sẽ được ký thành luật vào cuối năm nay.
Nhưng để chấm dứt hoàn toàn hoạt động này sẽ là việc rất khó khăn. Thói quen tiêu thụ động vật hoang dã của người Trung Quốc đã in sâu trong văn hoá, không chỉ với mục đích sử dụng làm thực phẩm, mà còn cho y học cổ truyền, làm trang phục, đồ trang trí hay thậm chí là làm vật nuôi.
Đây không phải là lần đầu tiên các quan chức Trung Quốc cố gắng kiềm tỏa ngành kinh doanh này. Năm 2003, cầy hương đã bị tiêu hủy với số lượng lớn và cấm buôn bán sau khi các nhà khoa học phát hiện chúng có khả năng truyền virus gây bệnh SARS sang người. Việc bán rắn cũng bị cấm trong một thời gian ngắn ở Quảng Châu sau khi dịch SARS bùng phát.
Nhưng, ít nhất là cho đến cách đây vài tháng, những loài vật này vẫn được tiêu thụ ở nhiều vùng tại Trung Quốc.
Các chuyên gia y tế công cộng ví lệnh cấm này như một "bước đi đầu tiên quan trọng", nhưng kêu gọi chính phủ cần phải tận dụng cơ hội này để lấp các lỗ hổng pháp lý - tiêu biểu như việc sử dụng động vật hoang dã làm nguyên liệu trong y học cổ truyền - và bắt đầu tác động để thay đổi thái độ văn hoá của người Trung Quốc với việc tiêu thụ động vật hoang dã.
Cô Huang, 24 tuổi, sinh viên đại học đến từ tỉnh Quảng Tây, cho biết mình và gia đình thường xuyên đến dùng bữa tại những nhà hàng phục vụ món ăn làm từ động vật hoang dã. Cô cho biết việc ăn những món như vậy - bao gồm lợn rừng và công - được tin là bổ dưỡng cho sức khoẻ, và người dùng sẽ hấp thụ những đặc tính của loài vật đó.
Việc tiêu thụ động vật hoang dã cũng thể hiện địa vị của bạn, vì chúng thường rất đắt. Một con công có thể có giá tới 800 nhân dân tệ (144 USD).
Huang hoài nghi về sự hiệu quả của lệnh cấm lần này trong tương lai. "Việc buôn bán có thể giảm đi trong vài tháng, nhưng sau một thời gian, có thể trong vài tháng nữa, mọi người sẽ quay lại ăn uống", Huang nói.
Việc ăn các món chế biến từ động vật hoang dã đã là một văn hoá của người Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Bắc Kinh chưa đưa ra một danh sách cụ thể những loài nào được xếp vào dạng "động vật hoang dã", nhưng luật bảo vệ động vật hiện tại của nước này liệt kê chó sói, cầy hương, gà gô là động vật hoang dã, và nên "có biện pháp" để bảo vệ chúng.
Lệnh cấm mới không bao gồm các loại được coi là "gia súc" - trong đó có cả thỏ và chim bồ câu - mới được phân loại thành vật nuôi để tiếp tục cho phép buôn bán và tiêu thụ.
"Không thể thay đổi trong một đêm"
Nỗ lực kiểm soát sự lây lan của bệnh tật cũng bị cản trở bởi thực tế là ngành công nghiệp buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã ở Trung Quốc có giá trị quá lớn. Một báo cáo khoa học do chính phủ tài trợ năm 2017 ước tính thị trường buôn bán động vật hoang dã của nước này có giá trị hơn 73 tỷ USD và sử dụng tới 1 triệu lao động.
Kể từ khi virus xuất hiện vào tháng 12/2019, gần 20.000 trang trại động vật hoang dã trên bảy tỉnh của Trung Quốc đã phải ngừng hoạt động, hoặc bị kiểm dịch, bao gồm những nơi nuôi công, cáo, hươu và rùa.
Thêm một rào cản đáng kể nữa với lệnh cấm là việc sử dụng động vật hoang dã như nguyên liệu trong y học cổ truyền của Trung Quốc.
Dưới thời Chủ tịch Tập, Bắc Kinh đã và đang quảng bá mạnh mẽ khả năng trị bệnh của y học cổ truyền Trung Quốc, và ngành này hiện có trị giá khoảng 130 tỷ USD. Tháng 10/2019, báo China Daily dẫn lời ông Tập nói rằng "y học cổ truyền là kho báu của nền văn minh Trung Quốc và nó chứa đựng tài trí của quốc gia và dân tộc".
Nhiều loài động vật hoang dã được sử dụng để chế biến món ăn cũng được sử dụng để làm nguyên liệu trong y học cổ truyền. Lệnh cấm mới của chính phủ có ngoại lệ dành cho động vật hoang dã được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc, nhưng cho biết sẽ có sự "giám sát chặt chẽ". Tuy nhiên không có chỉ thị hoặc hướng dẫn để thực thi sự giám sát chặt chẽ này, và cũng không có thông tin về hình phạt nếu vi phạm.
Cơ quan lập pháp cao nhất của Trung Quốc sẽ họp cuối năm nay để chính thức thay đổi một số điều của Luật Bảo vệ Động vật hoang dã. Người phát ngôn của Uỷ ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc cho biết lệnh cấm hiện tại chỉ là biện pháp tạm thời, cho đến khi từ ngữ mới trong luật có thể được soạn thảo và phê chuẩn.
Các chuyên gia cho rằng sẽ khó để người Trung Quốc, trong thời gian ngắn, từ bỏ thói quen tiêu thụ động vật hoang dã. Ảnh: Getty. |
Nhà virus học nổi tiếng Hong Kong, Leo Poon, cho rằng sẽ là một quyết định lớn của chính phủ Trung Quốc nếu như chấm dứt hoàn toàn buôn bán động vật hoang dã, và có thể họ sẽ chỉ tìm những lựa chọn an toàn hơn.
"Nếu đây là một phần của nền văn hoá Trung Quốc, và họ vẫn muốn tiêu thụ một loài động vật kỳ lạ cụ thể, thì đất nước có thể quyết định giữ văn hoá này, điều đó không sao cả", ông Poon nhận xét.
Nhưng theo ông Poon, điều đó sẽ đặt ra một loạt câu hỏi khác, như làm cách nào để đảm bảo thịt động vật hoang dã được cung cấp đảm bảo vệ sinh? Làm thế nào để kiểm tra và quản lý?
Ông Poon nhận định hiệu quả cuối cùng của lệnh cấm sẽ phụ thuộc vào quyết tâm của chính phủ trong việc thực thi luật.
"Văn hoá không thể thay đổi trong một đêm, nó cần có thời gian", ông nói.