Đầu tiên, tôi muốn nói đến sự gian khổ hy sinh của các VĐV thể thao đỉnh cao. Ít ngày qua, rất nhiều cơ quan báo chí, truyền hình nói tới sự nỗ lực, cố gắng, hy sinh, ý chí vươn lên chịu đựng gian khổ của các VĐV rowing.
Các VĐV rowing giành HCV ASIAD 2018. Ảnh: Minh Chiến. |
Cần ủng hộ, động viên các VĐV vượt qua khó khăn
Trong quá trình nhiều năm làm thể thao, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu trường hợp tương tự. Có những VĐV, môn thể thao phải tập luyện dưới môi trường cực kỳ khắc nghiệt. Nhiều VĐV tập luyện với môi trường, điều kiện thiếu thốn về y tế, dinh dưỡng, mọi mặt, nhưng họ vẫn vươn lên.
Tôi thấy chúng ta nên động viên, ủng hộ họ thay vì mổ xẻ những nguyên nhân thất bại. Hiện nay, các thành viên đoàn ở Indonesia đang phải chịu áp lực lớn. Mỗi ngày thi đấu không có thêm HCV, thì áp lực đó càng tăng cao.
Vấn đề tiếp theo là khâu chuẩn bị, đánh giá lực lượng. Xem điền kinh thi đấu tôi cho rằng chúng ta đang gặp vấn đề trong nhận định, đánh giá lực lượng và đặt mục tiêu.
Tôi nói lại là chúng ta đang rơi vào tình trạng kỳ vọng cao hơn khả năng đáp ứng. Nhiều người cứ nói "hy vọng vàng". Thực tế không phải, chúng ta chỉ hy vọng các VĐV vào nhóm tranh chấp huy chương mà thôi.
Thay vì mổ xẻ nguyên nhân ngay khi VĐV thất bại, chúng ta cần an ủi động viên họ. Ảnh: Minh Chiến. |
Với điền kinh thi đấu ngày hôm qua, tôi cho rằng để đứng lên bục nhận huy chương đã rất khó, chưa nói tới là HCV. Tú Chinh với thành tích 11 giây 74, chút nữa đã bị loại. Nếu không có bước đột phá, thì cơ hội lọt tới chung kết gần như là không thể. Chúng ta cũng nói nhiều tới Bùi Thị Thu Thảo, nhưng tôi cho rằng đó chỉ là hy vọng thôi.
Những điều tôi vừa nói ở trên, là về chuyên môn, trình độ của VĐV chứ không phải vấn đề thái độ, tinh thần đi đấu. Tôi chưa thấy VĐV nào có thái độ đầu hàng trước nhiệm vụ khó khăn. Đó là điều tích cực và cần được phát huy.
Ngày thi đấu hôm nay, chúng ta có quyền hy vọng vào các thành viên đội pencak silat. Họ góp mặt ở 9 trận bán kết trong 10 nội dung đối kháng.
Pencak silat nhiều khả năng giành HCV thứ 2 cho đoàn Việt Nam. Ảnh: Quang Thịnh |
Nếu có 5-7 VĐV vào chung kết, không có lý lẽ gì để không giành HCV. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn chỉ dừng lại ở mức hy vọng chứ không đặt kỳ vọng quá cao.
Chúng ta phải chia sẻ với các VĐV. Nhưng bên cạnh đó cũng cần nhìn nhận đúng thực lực. Nhất định, sau ASIAD lần này, giới chuyên môn phải xem xét lại quá trình chuẩn bị, trong việc đánh giá tương quan lực lượng, trong viêc tổ chức thực hiện chiến lược đã được chính phủ phê duyệt từ 2010 đến nay. Đó là những điều cần làm để chuẩn bị cho ASIAD sắp tới.
Tú Chinh sau phần thi vòng loại 100 m nữ. Ảnh: Minh Chiến. |
Cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho thể thao thành tích cao
Hôm qua, ông Trần Đức Phấn có trả lời phỏng vấn rằng chúng ta cần định hình lại. Tôi chưa tranh luận về ý kiến đó, nhưng có lẽ giờ chưa phải là lúc thích hợp. Lúc này cần tập trung mọi ý chí, tinh thần cho từng VĐV có khả năng, dù chỉ là hy vọng nhỏ nhôi cũng phải nỗ lực đến cùng.
Chắc chắn tôi đồng ý với ông Phấn ở quan điểm rằng những người làm công tác chỉ đạo thể thao phải nghiên cứu, đánh giá và xây dựng chiến lược ở tầm ASIAD, phải báo cáo chính phủ về mức độ đầu tư.
Thể thao Việt Nam vẫn phụ thuộc nguồn bao cấp với kinh phí được rót từ trung ương tới địa phương. Trong bài trả lời ông Phấn có nói tới nguồn đầu tư rất hạn hẹp. Đó là ông ta phát biểu dè dặt.
Tôi đã nói nhiều lần rằng trong khi các nước khác đầu tư rất mạnh mẽ, thì chúng ta thiếu hụt rất nhiều kinh phí, cả một hệ thống từ trung ương tới địa phương, các trung tâm huấn luyện... luôn thiếu thốn về hệ thống dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, các điều kiện đảm bảo cho thể thao thành tích cao.
Những chuyện này chắc chắn được các nhà quản lý, chuyên gia sẽ phải bàn đến. Rất nhiều cuộc đấu ở 3 kỳ ASIAD gần đây, mức độ thăng tiến thành tích của các VĐV không được tốt.
Ông Trần Đức Phấn trả lời phóng viên tại ASIAD 2018. Ảnh: Minh Chiến |
Tôi cũng đồng ý rằng sau đây các đội tuyển, HLV cần xem xét tuyển chọn, nêu chỉ tiêu, chuẩn bị cho giải đấu lớn.
Về vấn đề đánh giá thực lực VĐV không khách quan, khiến họ một phần bị tâm lý hoặc chúng ta không biết được chính xác mình đang ở đâu thì có nhiều phương án giải quyết.
Có những giải pháp kinh điển, cơ bản mà bất cứ nền thảo nào cũng phải làm. Có những giải pháp mang tính tình thế phụ thuộc vào đặc điểm của từng nước, từng nền thể thao. Quan trọng là giới chuyên môn có làm đúng hay không. Vấn đề này, tôi sẽ bàn đến trong một dịp gần đây.