Thất bại trong thương vụ Lee Nguyễn không phải thảm họa với TP.HCM bởi trước đó, họ đã có mùa chuyển nhượng tương đối thành công. Cộng thêm nhóm trụ cột từ mùa giải trước, đội á quân V.League nhiều khả năng vẫn là thế lực duy nhất đủ sức thách thức thế thống trị của CLB Hà Nội.
TP.HCM vẫn giữ được những trụ cột đã giúp họ cán ngôi á quân V.League mùa trước. Ảnh: Minh Chiến. |
Trong 14 đội dự V.League 2020, TP.HCM là đội bổ sung nội binh mạnh mẽ nhất. Trong khoảng chục cầu thủ nội chia tay sân Thống Nhất, chỉ một mình Hoàng Thiên có đóng góp đáng kể với 4 bàn mùa trước. Những người còn lại đều là cầu thủ trẻ hoặc không có vị trí ở CLB.
Chiều ngược lại, những sự bổ sung của họ đều đáng chú ý. Lê Văn Sơn, Lê Đức Lương đều là các tuyển thủ U23 Việt Nam, đá chính tại HAGL, có nhiều năm kinh nghiệm V.League. Võ Huy Toàn hứa hẹn mang tới sức sống cho cánh trái, trong khi Công Phượng vẫn là tiền đạo hàng đầu Việt Nam. Hai trường hợp Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Xuân Nam khó có suất đá chính, nhưng vẫn là 2 phương án dự bị chất lượng.
Ở vị trí ngoại binh, TP.HCM chia tay toàn bộ dàn cầu thủ cũ. Họ đã mang về 3 cái tên là Pape Diakite, Amido Balde và Seo Yong-Duk. Diakite từng là cầu thủ hay nhất giải hạng Nhì Mỹ mùa 2016, sở hữu chiều cao 1,94 m, hứa hẹn một hòn đá tảng ở hàng phòng ngự.
Amido Balde từng chơi cho đội bóng lớn của Scotland là Celtic. Ảnh: SNS Group. |
Balde còn hay hơn khi từng chơi cho nhiều CLB mạnh ở châu Âu như Metz (Ligue 1), Celtic (Scotland), Hapoel Tel Aviv (Israel). Mùa trước, anh ghi 11 bàn tại giải vô địch Indonesia và vừa sút tung lưới Yangon United ở trận ra quân AFC Cup. Seo Yong-Duk, ngoại binh còn lại, là cựu tuyển thủ U20 Hàn Quốc.
Cả 3 ngoại binh của TP.HCM năm nay đều chưa quá 30 tuổi, hứa hẹn khả năng sử dụng và gắn bó lâu dài. Đây là sự bổ sung quan trọng với HLV Chung Hae-seong so với mùa trước.
Năm ngoái, ngoại binh là vấn đề của đội bóng này. Danh sách 20 chân sút hàng đầu V.League 2019 không có một cái tên nào tới từ TP.HCM. Hai chân sút chủ lực của đội bóng là Mansaray Victor Nabay và Akinade Ismaheel chỉ có lần lượt 5 và 4 bàn suốt cả mùa. Nếu những vị trí này được cải thiện, TP.HCM sẽ rất khác ở V.League.
Mùa trước, đội bóng của ông Chung Hae-seong chơi rất tốt trong giai đoạn một và giành chức vô địch lượt đi. Càng tới cuối mùa, họ sa sút dần và tụt lại so với CLB Hà Nội. Điểm yếu của họ năm ngoái là lực lượng hạn chế, không có giải pháp thay thế, hụt hơi trên những chặng đường dài.
Đội hình dự kiến của TP.HCM ở V.League 2020 với nhiều bổ sung chất lượng như Võ Huy Toàn, Nguyễn Công Phượng. Đồ họa: Minh Phúc. |
Với hàng loạt sự bổ sung, thực lực của TP.HCM mùa này đáng gờm hơn hẳn. Đặc biệt, họ đang sở hữu hai cầu thủ tấn công hay bậc nhất Việt Nam là Nguyễn Công Phượng và Trần Phi Sơn. Công Phượng đã ghi 12 bàn trong mùa giải V.League gần nhất, còn Phi Sơn vốn là linh hồn của đội bóng trước khi dính chấn thương. Cả hai bước đầu cho thấy sự ăn ý khi liên tục nổ súng và kiến tạo tại AFC Cup.
Đặc biệt, Phi Sơn dường như đang bước vào đỉnh cao sự nghiệp với tấm băng đội trưởng, chiếc áo số 10 và những màn trình diễn đầy cảm hứng. Cứ chơi như thế, sẽ rất khó để ông Park có thể từ chối gọi Phi Sơn lên tuyển.
Đương nhiên, có thuận lợi thì cũng có khó khăn. So với năm ngoái, TP.HCM sẽ phải tham dự thêm 2 đấu trường là cúp các CLB Đông Nam Á và AFC Cup. Cộng cả V.League và cúp quốc gia, họ sẽ chơi bóng trên 4 mặt trận lớn. Mùa trước, họ giành á quân V.League với 9 điểm nhiều hơn Quảng Ninh. Mùa này, cách biệt ấy khó lòng lặp lại khi họ phải căng sức trên nhiều sân chơi.
Với TP.HCM, câu hỏi là họ sẽ đặt trong tâm vào đấu trường nào trong năm nay. Tập trung cho V.League, họ hoàn toàn đủ thực lực để tranh ngôi vô địch với Hà Nội. Nếu ôm tham vọng quốc tế, họ sẽ đối diện khó khăn lớn hơn gấp bội.