Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

CLB TP.HCM khó xử vì sai lầm của Bùi Tiến Dũng

Sai lầm của thủ môn Bùi Tiến Dũng không còn là bất ngờ, bởi điều đó xảy ra thường xuyên trong màu áo CLB và U23 Việt Nam.

Pha ra vào lỗi của Bùi Tiến Dũng trong trận đấu tối qua là sự kiện đáng chú ý, nhưng lại không có gì đáng bàn.

Sai lầm ấy tạo cảm giác hiếu kỳ xen lẫn tranh cãi, khi Tiến Dũng vẫn là thủ môn có lượng khán giả hâm mộ đông đảo. Nhưng quan trọng hơn, sai lầm ấy Tiến Dũng chẳng còn là chuyện bất ngờ. Nó xảy ra triền miên, liên tục trong màu áo CLB đến các cấp độ tuyển quốc gia.

Bui Tien Dung anh 1

Một lần nữa, Tiến Dũng lại mắc sai lầm khi được trao cơ hội. Ảnh: CLB TP.HCM.

Tiến Dũng kém tự tin

Tình huống mắc lỗi của Tiến Dũng là tổng hòa của 3 yếu tố: Cảm giác bóng kém, không quyết đoán và đưa ra lựa chọn tồi.

Pha bẫy việt vị lỗi của hàng phòng ngự CLB TP.HCM tạo điều kiện cho tiền đạo Shawal Anuar băng xuống đối mặt. Tiến Dũng chọn cách rời xa khung thành gây áp lực lên đối thủ. Khi bóng chạm đất nhịp đầu tiên, Anuar có lợi thế gần bóng hơn Tiến Dũng, nhưng bóng đang lao về phía thủ môn của CLB TP.HCM.

Thay vì lao ra theo đà và phá bóng bằng đầu hoặc chân, Tiến Dũng chọn cách dừng lại một nhịp, để đối thủ chạm bóng vượt qua và buộc phải phạm lỗi chịu phạt đền. Thủ môn sinh năm 1997 có đầy đủ thời gian quan sát, phân tích tình huống thoát xuống của Anuar để ra quyết định, và một lần nữa Tiến Dũng có lựa chọn không chuẩn xác.

Sai lầm cho thấy cảm giác bóng chưa tốt của Tiến Dũng, dù lý do này không thuyết phục. Khi các đồng đội ở CLB TP.HCM phải tập chay và chỉ đá giao hữu, Tiến Dũng được “đá thật" ở vòng chung kết U23 châu Á 2020, đối diện áp lực thường trực với những đối thủ đẳng cấp cao. Không thể nói là cảm giác, định hướng khung thành không tốt.

Tuy nhiên, dường như sự thiếu tự tin mới là lý do khiến Tiến Dũng luôn lóng ngóng, bất an ở những quyết định xử lý. Khi mắc quá nhiều sai lầm, thủ môn có xu hướng không tin tưởng vào lựa chọn của mình.

Tiến Dũng của 2 năm trước có tới 90% sẽ không mắc sai lầm kiểu như vậy. Ánh mắt cương nghị, đanh thép cùng sự quyết đoán ở mùa đông Thường Châu không hiện hữu nơi người gác đền này trong pha ra vào tối 25/2.

20 tháng ngồi dự bị mòn mỏi và mắc không dưới 5 sai lầm khi được trao cơ hội, chừng đó là đủ để bóp nghẹt niềm tin của bất cứ thủ môn nào.

Bui Tien Dung anh 2

Công Phượng cũng là bản hợp đồng mang nhiều dấu ấn thương mại. Tuy nhiên, điều quan trọng là anh đang chơi tốt. Ảnh: CLB TP.HCM.

CLB TP.HCM lựa chọn Tiến Dũng hay Thanh Thắng?

Mỗi sai lầm sẽ khắc vào tay thủ môn một vết sẹo. Thủ môn đẳng cấp phải chịu đau giỏi và biến nỗi sợ thành động lực. Nhưng với Tiến Dũng, hầu như không thấy bài học nào được rút ra. Sau mỗi sai lầm lại là sai lầm khác theo chiều hướng khó chấp nhận hơn, đến mức nhiều người coi nó như điều hiển nhiên mỗi khi Tiến Dũng đứng trong khung gỗ.

Màn trình diễn đáng thất vọng trong trận đấu không gặp nhiều áp lực của Dũng sẽ đặt HLV Chung Hae-seong vào bài toán phải gạt Tiến Dũng ra, trao cơ hội lại cho Thanh Thắng. Bất chấp giá trị hình ảnh Dũng mang lại, chuyên môn vẫn là ưu tiên hàng đầu với một HLV.

Chính sách chuyển nhượng với Công Phượng, Tiến Dũng hay pha “mua hụt” Lee Nguyễn cho thấy quan điểm rõ ràng của ban lãnh đạo CLB TP.HCM: Giá trị thương hiệu phải được đặt ngang phân, thậm chí nhỉnh hơn giá trị chuyên môn. Đó là lựa chọn dễ hiểu với đội bóng mới lên chuyên nghiệp vài năm, nay lập tức trở thành thế lực lớn.

CLB TP.HCM sẽ không mạo hiểm tăng giá vé mùa lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi ở đủ 4 khán đài nếu không chắc chắn CĐV sẽ đến sân đông hơn ở mùa giải này. Muốn vậy, đội bóng cần có những ngôi sao xuất hiện trên sân. Tiến Dũng là một trong số đó.

Bui Tien Dung anh 3

Cuộc cạnh tranh vị trí của Tiến Dũng ở TP.HCM khốc liệt không kém khi anh còn ở CLB Hà Nội, bởi Thanh Thắng vẫn đang chơi ổn định. Ảnh: Minh Chiến.

3 mùa gần nhất ở V.League, Tiến Dũng đều thi đấu cho những đội hoặc á quân, hoặc vô địch V.League như Thanh Hoá (2018), CLB Hà Nội (2019) và CLB TP.HCM (2020). Đó đều là những đội bóng lớn, giàu tham vọng, có nhu cầu cao cả về thành tích lẫn khía cạnh xây dựng hình ảnh.

Một màn trình diễn tốt của Tiến Dũng sẽ có hiệu ứng tốt hơn, cả về mặt truyền thông lẫn hình ảnh, so với màn trình diễn tốt của Thanh Thắng. Đó là thực tế khó chối bỏ, dù nó có phần bất công cho những cầu thủ giỏi nhưng không sở hữu thương hiệu lớn.

CLB Hà Nội hay CLB TP.HCM ký với Tiến Dũng vì thương hiệu hay chuyên môn nhiều hơn, đó là câu chuyện thượng tầng, song khác biệt là CLB Hà Nội có thừa những thương hiệu đình đám như Quang Hải, Văn Hậu, Duy Mạnh, Hùng Dũng... để không phải sử dụng Tiến Dũng, còn CLB TP.HCM có thể phải lựa chọn kiểu khác.

Tiến Dũng sẽ không thiếu cơ hội ra sân. Vấn đề là anh cần được ra sân vì anh chơi tốt, chứ không phải vì anh là người nổi tiếng. Đó là áp lực với thủ môn 23 tuổi, cũng là sức ép không nhỏ khiến đôi vai HLV Chung Hae-seong thêm trĩu nặng.

Bùi Tiến Dũng mắc sai lầm, CLB TP.HCM nhận bàn thua Trong trận gặp đội bóng Singapore Hougang United ở AFC Cup chiều 25/2, thủ môn của CLB TP.HCM phạm lỗi với tiền đạo đối phương trước khi bị đánh bại trên chấm 11 m.

Lee Nguyễn, Berbatov hay bánh vẽ ở CLB TP.HCM

Những thương vụ của Công Phượng, Tiến Dũng hay Lee Nguyễn mang tới hoài nghi cho tương lai của đội TP.HCM ở mùa bóng 2020, năm mà họ trở lại với “chính sách ngôi sao”.

Bùi Tiến Dũng mất điểm với HLV Park Hang-seo

Phong độ đáng báo động của thủ môn Bùi Tiến Dũng trước thềm Vòng loại World Cup 2022 khiến cơ hội để anh góp mặt ở đội tuyển quốc gia là không nhiều.

Hồng Nam

Bạn có thể quan tâm