Tàu ngầm KRI Nanggala-402 mất liên lạc với lực lượng hải quân Indonesia vào đầu ngày 21/4 (giờ địa phương) trong một cuộc diễn tập phóng ngư lôi.
Vụ mất tích này dẫn đến cuộc tìm kiếm kéo dài nhiều ngày với sự tham gia của các máy bay trực thăng, tàu dò và tàu thủy không người lái. Các láng giềng của Indonesia cũng như Mỹ đã cử tàu, máy bay đến hỗ trợ trong niềm hy vọng có thể mang 53 thủy thủ trở về nhà.
Mọi niềm hy vọng vụt tắt vào ngày 25/4.
Một tàu Indonesia được điều động để tìm kiếm KRI Nanggala-402. Ảnh: Reuters. |
Tàu ngầm vỡ làm ba phần
Các quan chức Hải quân Indonesia ngày 25/4 xác nhận đã tìm thấy chiếc tàu ngầm KRI Nanggala-402, toàn bộ thủy thủ đoàn đều tử vong, theo Reuters.
Con tàu được phát hiện ở độ sâu 838 m vào ngày 25/4. Độ sâu này vượt 500 m so với ngưỡng chịu đựng của con tàu.
Trước đó một ngày, Hải quân Indonesia cho biết đã phát hiện các mảnh vỡ của tàu KRI Nanggala-402, bao gồm các bộ phận của máy bắn ngư lôi, thảm cầu nguyện từ tàu ngầm và một chai dầu được cho là dùng để tra vào kính tiềm vọng. Với số mảnh vỡ nói trên, lực lượng tìm kiếm kết luận tàu KRI Nanggala-402 đã chìm.
Theo Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia Adm Yudo Margono, tàu KRI Nanggala-402 được lực lượng này sử dụng trong 40 năm và đã ở trong tình trạng tốt nhất trước khi được dùng trong cuộc diễn tập ngày 21/4.
Sau khi lặn để bắn một quả ngư lôi, tàu KRI Nanggala-402 ngưng hoạt động và không phản hồi với lực lượng hải quân. Các vết dầu loang được phát hiện vài giờ sau đó cho thấy thùng nhiên liệu của tàu ngầm có thể đã bị hư hại do áp lực nước.
Tàu KRI Nanggala-402 mất liên lạc với hải quân Indonesia từ đầu ngày 21/4 (giờ địa phương). Ảnh: Reuters. |
Nguyên nhân của vụ tai nạn vẫn chưa được xác định. Hải quân cho biết sẽ điều tra thêm sau khi trục vớt được con tàu.
Ông Margono cho biết vụ tai nạn xảy ra không phải do lỗi của thủy thủ đoàn. "Tàu KRI Nanggala bị tách thành ba phần. Thân tàu, đuôi tàu và các bộ phận chính đều bị tách rời, phần chính bị nứt vỡ", ông Margono nói.
Tổng thống Joko Widodo ngày 25/4 nói rằng ông được Hải quân Indonesia thông báo rằng tàu ngầm đã chìm ở biển Bali. Nhà lãnh đạo gửi lời chia buồn tới gia đình của 53 thủy thủ.
"Tất cả người dân Indonesia chúng tôi bày tỏ sự đau buồn sâu sắc về thảm kịch này, đặc biệt là đối với gia đình của thủy thủ đoàn tàu ngầm", nhà lãnh đạo Indonesia nói.
Vụ mất tích của con tàu ngầm đã kéo theo một cuộc tìm kiếm quy mô lớn. Singapore và Australia đã điều tàu đến hỗ trợ tìm kiếm. Ngày 23/4, Mỹ cho biết nước này đang gửi các phương tiện tìm kiếm trên không, trong đó có một máy bay tuần tra hàng hải P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ.
Hiểm họa biển sâu
Bên cạnh KRI Nanggala-402, lịch sử hàng hải và quân sự thế giới từng ghi nhận nhiều trường hợp chìm tàu ngầm kéo theo sự thiệt hại to lớn về người, theo Washington Post.
14 thủy thủ trên một tàu ngầm hạt nhân của Nga ở Biển Barents đã thiệt mạng vào năm 2019 do ngạt thở vì khói độc từ một đám cháy.
Điện Kremlin không tiết lộ tên của tàu ngầm nói trên, nhưng truyền thông Nga cho rằng đây là tàu nghiên cứu chạy bằng năng lượng hạt nhân có tên Losharik. Con tàu này được thiết kế cho các nhiệm vụ đặc biệt ở độ sâu tới 910 m.
Trước đó, vào năm 2008, thủy thủ đoàn 20 người trên tàu Nerpa của Nga cũng thiệt mạng sau khi một hệ thống chữa cháy vô tình được kích hoạt. Đó là vụ tai nạn tàu ngầm chết chóc nhất của Nga, tính từ sau vụ nổ làm chìm tàu ngầm hải quân Kursk vào ngày 12/8/2000, giết chết toàn bộ 118 thành viên thủy thủ đoàn.
Tàu Nepra của Nga mất tích vào năm 2008, kéo theo cái chết của 20 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu. Ảnh: Getty. |
Ngày 15/11/2017, khi đang quay lại căn cứ Mar del Plata sau một đợt tập trận, tàu ARA San Juan của Argentina đã mất tích. Gần một năm sau, trong đợt tìm kiếm của Ocean Infinity từ Mỹ, xác tàu được tìm thấy ở độ sâu khoảng 900 m.
Một cuộc điều tra sau đó cho thấy tàu ARA San Juan gặp nạn vì kỹ năng quản lý yếu kém của lãnh đạo hải quân Argentina. Bên cạnh đó, sự cắt giảm ngân sách cũng được cho là yếu tố gây ra thảm họa chìm tàu này.
Tàu Vạn Lý Trường Thành 361 của Trung Quốc được báo cáo mất tích vào năm 2003 trên vùng biển giữa Sơn Đông và Bắc Triều Tiên. 70 người trên tàu chết ngạt khi động cơ diesel của tàu phụ bị trục trặc và đốt cháy toàn bộ oxy.
Thảm họa tàu ngầm chết chóc nhất của Mỹ là vụ nổ tàu USS năng lượng hạt nhân Thresher vào ngày 10/4/1963, khiến toàn bộ thủy thủ đoàn 129 người trên tàu đều thiệt mạng.
Sự cố xảy ra trong một lần lặn thử nghiệm ở Đại Tây Dương. Các tài liệu được công bố vào năm 2020 cho thấy con tàu đã phát nổ khi hạ xuống độ sâu 240 m. Thảm họa này phần nào thúc đẩy các biện pháp cải tiến nhằm đảm bảo an toàn cho các tàu ngầm thế hệ sau.