Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không có chuyện thương nhân Trung Quốc thao túng hồ tiêu

Bộ Công Thương đã phủ định thông tin thương nhân nước ngoài thao túng thị trường hồ tiêu. Bộ này cho rằng chưa đủ cơ sở để kết luận có việc thao túng.

Theo Vụ Thị trường Châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công Thương, gần đây, một số cơ quan truyền thông trong nước đưa tin về hiện tượng thương nhân nước ngoài thao túng thị trường, giá cả hồ tiêu Việt Nam. Sau khi tổng hợp các báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) và Sở Công Thương một số tỉnh, Bộ Công Thương nhận thấy chưa đủ cơ sở để kết luận thương nhân nước ngoài đang thao túng thị trường hồ tiêu Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với các Sở Công Thương tiếp tục theo dõi sát thị trường để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, đúng pháp luật cho không chỉ với hồ tiêu mà còn các mặt hàng nông sản khác.

Trước đó, Bộ cho biết một số cơ quan truyền thông trong nước đưa tin về hiện tượng thương nhân nước ngoài thao túng thị trường, giá cả hồ tiêu Việt Nam. Tuy nhiên, thông tin lại xuất phát từ website của VPA.

thuong nhan trung quoc lung doan thi truong ho tieu anh 1
Bộ Công Thương bác thông tin thương nhân Trung Quốc lũng đoạn thị trường hồ tiêu. Ảnh: Báo Gia Lai.

Sau đó, Bộ đã đề nghị VPA cung cấp danh sách cụ thể các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi rủi ro trong giao dịch với thương nhân nước ngoài. Tuy nhiên sau đó, VPA cho biết không có nguồn lực và cũng không thống kê được cụ thể danh sách doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

thuong nhan trung quoc lung doan thi truong ho tieu anh 2

Bộ nhấn mạnh VPA cũng không định rõ khái niệm bị ảnh hưởng là thế nào để thống kê. Ngoài ra, trong quy luật mua bán, các doanh nghiệp không thể chia sẻ các thông tin về đối tác mà mình thường mua bán.

VPA nêu lý do thông tin trên website là “nội bộ”, mang tính "cảnh báo, chia sẻ giữa các hội viên với nhau". VPA cũng mong muốn sự việc này "nên dừng lại" và "khi nào sự việc nghiêm trọng hơn, khi các doanh nghiệp Việt Nam thấy cần thiết sẽ gửi công văn chính thức đề nghị Nhà nước can thiệp, hỗ trợ".

Bộ Công Thương khẳng định đã tập hợp báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh trọng điểm trồng hồ tiêu trong nước. Tuy nhiên, các báo cáo chưa phát hiện tình trạng thương nhân nước ngoài “đạo diễn”, “múa tay trong bị”, “thao túng” giá hồ tiêu.

Trước đó, VPA đưa ra thông tin cảnh báo việc một số doanh nhân Trung Quốc đang có những động thái ảnh hưởng đến thương mại hồ tiêu trong nước. VPA cho biết giá hồ tiêu trong nước đang có biểu hiện lên xuống bất thường từ cuối tháng 7 đến nay.

Cụ thể ngày 28/7 giá tiêu xô loại 500 g/l trong buổi sáng đang từ 80.000 đồng/kg vụt tăng lên 86.000 đồng/kg, sau đó đầu giờ chiều lại đột ngột hạ xuống 82.000 đồng/kg. VPA đánh giá hiện nay giá vẫn trong tình trạng trồi sụt bất thường.

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp hội viên VPA, có bằng chứng cho thấy có một nhóm doanh nghiệp Trung Quốc đang điều khiển thị trường hồ tiêu của Việt Nam. Cụ thể, tại một số công ty xuất khẩu hồ tiêu có hiện tượng nhóm doanh nghiệp Trung Quốc đến đặt mua.

Điều bất thường là doanh nghiệp Việt Nam đặt giá nào họ cũng đồng ý mua và yêu cầu làm luôn hợp đồng mua bán với họ. Sau đó, họ thuê khách sạn ở gần trụ sở của công ty xuất khẩu và ngày nào cũng tới công ty này để hối thúc thực hiện hợp đồng.

Theo thông lệ, sau 3 ngày kể từ khi ký hợp đồng, họ sẽ chuyển tiền đặt cọc nhưng quá hạn 3 ngày họ đều không chuyển và luôn khẳng định là nhất định sẽ mua và giải thích lý do chậm chuyển tiền là do ngân hàng đang kiểm tra hồ sơ…để trì hoãn thực hiện hợp đồng.

Việc làm của thương nhân Trung Quốc làm tăng mạnh nhu cầu mua của thị trường. Cùng thời gian này, vì biết các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước sẽ phải gấp rút mua gom từ các nhà cung ứng để thực hiện hợp đồng đã ký. Thương nhân Trung Quốc cũng tỏa đi chào hàng với các đại lý với giá thấp.

Các đại lý này thấy lời tốt nên sẽ đồng ý mua ngay để bán lại cho các nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp Trung Quốc chỉ thực hiện bán một phần rất nhỏ với giá thấp trong thời gian rất ngắn. Sau đó họ kêu không có hàng rồi đẩy giá thị trường tăng nóng và bán cho đại lý thương mại theo giá cao của họ.

Lúc đó vì áp lực hối thúc của các giao dịch đã ký giữa đại lý thu mua với nhà xuất khẩu. Thương nhân Trung Quốc sẽ bán hồ tiêu ra cho các đại lý với giá tăng nóng do họ đặt ra.


Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm