Trao đổi nhân dịp đầu năm mới, trong bối cảnh các địa phương đang tập trung chuẩn bị đại hội các cấp tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân dành nhiều thời gian để nói về công tác chuẩn bị cán bộ. Ông chia sẻ về những bài học sau khi hàng loạt cán bộ cấp cao bị kỷ luật, chuyện gửi gắm nhân sự hay việc kiểm điểm của cá nhân.
Những bài học từ hàng loạt cán bộ bị kỷ luật
- Thưa Bộ trưởng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có nhiều cán bộ dính án kỷ luật, trong đó, hơn 90 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý. Là người đứng đầu cơ quan “gác gôn” cho Chính phủ trong công tác nhân sự, theo ông, tới đây cần rút ra bài học gì để tránh tình trạng này?
- Công tác cán bộ là một trong những nội dung rất quan trọng, như Bác Hồ từng nói, cán bộ là cái gốc quyết định mọi công việc. Nhưng thời gian qua có hàng loạt cán bộ bị kỷ luật như bạn đề cập. Điều đó cho thấy bài học rằng trong công tác cán bộ, chúng ta phải có quy định rất chặt chẽ từ việc tuyển dụng đến việc đào tạo, bồi dưỡng, rồi đề bạt, bổ nhiệm. Và đặc biệt, phải phát hiện ra được nhân sự để đề nghị đúng người.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Hồng Quang. |
Thực tế vừa qua vẫn có tình trạng chúng ta làm đúng quy trình, đúng thủ tục, nhưng chỉ vừa đề bạt, bổ nhiệm được một thời gian rất ngắn thì cán bộ đã có vi phạm. Như vậy, rõ ràng là làm đúng quy trình, đúng thủ tục nhưng ta đã chọn không đúng người.
Vì vậy, việc chọn đúng người, nắm bắt cán bộ về triển vọng, tương lai phát triển cũng như về đạo đức và năng lực là vấn đề hết sức quan trọng. Để thực hiện việc này có hiệu quả, chúng ta phải bám sát.
Làm tổ chức là phải tìm cán bộ chứ không phải là để cán bộ đi tìm tổ chức. Đây là vấn đề rút ra từ kinh nghiệm trong thời gian qua. Chúng ta đừng để người sắp được đề bạt, bổ nhiệm đi tìm tổ chức để gợi ý cho họ.
Làm tổ chức phải tìm cán bộ chứ không phải là để cán bộ đi tìm tổ chức
Thay vào đó, người làm tổ chức phải đi tìm nhân tố tốt, người tài để giới thiệu cho Đảng, Nhà nước bổ nhiệm vào những vị trí xứng đáng.
Bài học thứ hai là chúng ta phải làm công tác cán bộ trên tinh thần hết sức công tâm, khách quan, không chịu tác động từ bất cứ một thế lực hay một người nào.
Chúng ta lấy ý kiến một cách đồng bộ, thực hiện đúng theo các quy trình và đề bạt bổ nhiệm công tâm, không vì lợi ích cá nhân hay vì sự quen biết. Nếu có việc trao đổi quyền lợi giữa cá nhân với cá nhân với nhau thì rất dễ gây ra tình trạng chọn không đúng người.
- Đánh giá cán bộ là việc rất quan trọng nhưng lâu nay nhiều ý kiến cho là nể nang, hình thức. Theo ông, vì sao việc này lại khó làm thực chất như vậy?
- Đánh giá cán bộ được nhận định là công việc khó nhất trong quy trình cán bộ. Thông thường, việc này phải làm hàng năm, nhưng như tôi từng nói trên diễn đàn Quốc hội: Tỷ lệ cán bộ được xếp hoàn thành tốt và xuất sắc quá nhiều, chỉ có chưa đến 1% là không hoàn thành. Tôi cũng nói rằng không biết đánh giá kiểu gì mà không tìm được người để tinh giản biên chế.
Không biết đánh giá kiểu gì mà không tìm được người để tinh giản biên chế
Bởi vậy, lần này chúng ta đổi mới theo hướng đánh giá phải có sản phẩm, đa chiều, xuyên suốt chứ không thể lấy một thời điểm, một mốc nào đó nổi lên rồi cho như vậy là tốt. Phải xem xét cả quá trình cống hiến và sự tín nhiệm của các cấp, của cấp dưới đối với cấp trên cũng như cấp trên đối với cấp dưới. Nhất là việc đấu tranh, xây dựng nội bộ cũng như góp ý cho cán bộ, chúng ta đừng quá đặt nặng chuyện thân thích, quen biết, mà phải mạnh dạn đấu tranh và chia sẻ những vấn đề đúng - sai, giúp cho cán bộ, công chức thấy được khuyết điểm để sửa sai.
Những khuyết điểm nhỏ không được đóng góp và sửa sai kịp thời sẽ dẫn đến khuyết điểm lớn, rồi sai phạm và vi phạm pháp luật. Không ai vi phạm dẫn đến việc ở tù ngay mà chính từ cái nhỏ nhưng không ai khuyên, không ai đóng góp mới thành những vi phạm lớn như vậy. Vì thế, cần đóng góp, xây dựng trên tinh thần đồng chí đồng đội để giúp đỡ cùng nhau tiến bộ.
Tuy nhiên, một vấn đề cũng không kém phần quan trọng nữa là chúng ta phải tiếp tục theo dõi, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thì mới phát triển được. Khi đã chọn được người thì phải đưa đi đào tạo, tiếp tục theo dõi và phân công nhân sự giúp đỡ, tạo điều kiện cho cán bộ phát triển. Đây là một trong những bước rất quan trọng.
Không có chuyện gửi gắm
- Đại hội các cấp tiến tới đại hội Đảng XIII đang đến gần và công tác nhân sự luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Bộ Nội vụ có biện pháp nào lọc thông tin nhiễu, giúp chọn đúng, không “nhầm người xấu và loại người tốt”?
- Công tác nhân sự, quy hoạch cán bộ không phải đến giờ này chúng ta mới chuẩn bị mà đã làm nhiều năm rồi. Để thực hiện quyết liệt và có hiệu quả, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo cho Tổ công tác kiểm tra công vụ của Thủ tướng về các địa phương, kiểm tra công tác cán bộ dứt điểm trong năm 2019.
Như vậy là ta làm trước chứ không phải chờ tới năm có đại hội Đảng mới làm, nhằm lựa chọn những người xứng đáng, người đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đưa vào quy hoạch, cơ cấu chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp.
Công tác cán bộ không chỉ làm một ngày, một tháng hay một năm mà để có cán bộ tốt, ta phải làm trong cả quá trình, theo quy trình.
Việc càng khó càng phải đúng quy trình. Như vậy, sẽ không có chuyện gửi gắm hay vì quyền lợi.
Từ nay đến đại hội Đảng các cấp không còn nhiều thời gian, cả nước đang tập trung chuẩn bị. Tôi hy vọng với tinh thần xây dựng Đảng, tích cực chuẩn bị đại hội các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, với quyết tâm chính trị cao thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trong thời gian tới, công tác cán bộ sẽ được làm tốt.
- Bộ trưởng luôn nhấn mạnh quan điểm chọn cán bộ phải chọn người tài, người tốt, quyết không chọn người vì quen biết. Vậy trong thực tế thực hiện công việc, ông xử lý thế nào với những trường hợp gửi gắm, nhờ vả?
- Bộ Nội vụ là cơ quan “gác gôn” cho Chính phủ, Thủ tướng trong công tác phê duyệt nhân sự cấp cao thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng. Bởi vậy, chúng tôi ý thức tuyệt đối việc chấp hành các chủ trương, quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tham mưu đầy đủ, đúng quy trình theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật. Quy trình còn bất cập hay có thiết sót thì phải sửa đổi, bổ sung.
Đây là một việc khó, nhưng càng khó càng phải bảo đảm đúng quy trình. Như vậy, sẽ không có chuyện gửi gắm hay vì quyền lợi.
Tôi đã làm bản kiểm điểm gửi Thủ tướng
- Là một trong 4 tư lệnh ngành đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV vừa qua, ông phải đối mặt với rất hàng loạt vấn đề như đánh giá cán bộ, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương, làm công tác cán bộ… Ông có thể chia sẻ áp lực trước mỗi phiên chất vấn mà biết chắc sẽ có nhiều vấn đề nóng dành cho mình?
- Đúng là sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, thực hiện chính sách tiền lương đều là các vấn đề nóng, động chạm rất nhiều đến các cơ quan, đơn vị và thậm chí đối với từng cá nhân.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: "Những khuyết điểm nhỏ không được đóng góp và sửa sai kịp thời sẽ dẫn đến khuyết điểm lớn, rồi sai phạm và vi phạm pháp luật". Ảnh: Hồng Quang. |
Với những khuyết điểm của Bộ, tôi thẳng thắn nhận trách nhiệm và kiểm điểm trên tư cách của người đứng đầu.
Còn nhớ khi trả lời chất vấn, tôi có nhắc đến Quyết định 42 của Thủ tướng về đẩy mạnh xây dựng lực lượng cán bộ người dân tộc thiểu số và các chính sách đối với cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số. Bộ Nội vụ được giao 8 nhiệm vụ, trong đó chúng tôi chủ trì 5 nhiệm vụ, phối hợp 3 nhiệm vụ và đến nay còn 4 nhiệm vụ chưa làm.
Tôi có hứa làm bản kiểm điểm gửi cho Thủ tướng và tôi đã gửi. Trong bản kiểm điểm đó, tôi tự nhận khuyết điểm về vấn đề này khi tổ chức triển khai không đồng bộ, chậm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân tộc thiểu số, đặc biệt là công chức vùng sâu, vùng xa.
Tinh giản biên chế cũng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, chúng ta không thể không làm. Ta phải đối diện với sự thật như thế, còn về cách làm cũng rất quan trọng, phải tính sao cho có hiệu quả. Vì vậy, phải thuyết phục kể cả từng cá nhân cán bộ, công chức, viên chức cũng như đối với từng tổ chức, cùng quyết tâm thực hiện được.
Cuộc cách mạng này phải gắn giữa trách nhiệm và quyền lợi thì mới có thể thực hiện được.
Không quyết liệt sẽ không thể tăng lương được. Thu nhập thấp, chất xám sẽ chạy sang các khu vực tư.
Sắp xếp cán bộ, tinh giản biên chế có mục đích nhằm tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, hướng tới thực hiện chính sách cải cách tiền lương của năm 2021.
Nếu không làm quyết liệt ta sẽ không thể tăng lương được, vì nếu thu nhập thấp, người giỏi sẽ không làm ở khu vực công mà chất xám, sẽ chạy sang các khu vực tư. Việc này đã đạt được sự đồng thuận. Tôi ghi nhận sự cố gắng của địa phương và đó cũng là cơ sở để kỳ vọng chúng ta sẽ tinh giản biên chế thành công với tỷ lệ 10% vào 2021.