Chiều 16/12, tại buổi công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các Luật đã được thông qua tại kỳ họp 8, Quốc hội khóa XIV, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đã giải thích rõ hơn về quy định tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Trong đó, quy định mới được quan tâm là việc xử lý kỷ luật cán bộ đã về hưu nhưng có sai phạm từ khi còn đương chức.
Ông Thăng dẫn khoản 5 Điều 84 trong luật nêu rõ, mọi hành vi vi phạm của những người đã nghỉ hưu, thôi việc trong thời gian giữ các chức vụ đều xử lý theo quy định, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể xử hình sự hoặc hành chính hoặc xử kỷ luật.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho rằng không thể cắt lương hưu của cán bộ về hưu có sai phạm. Ảnh: Hải Quân. |
Cũng theo ông Thăng, các hình thức kỷ luật gồm khiển trách, cảnh cáo và xóa tư cách chức vụ. Đi kèm với đó là một số hệ quả pháp lý, gồm cả vật chất và tinh thần, nhưng được giao Chính phủ quy định cụ thể.
Nhắc lại ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc này, trong đó có ý kiến đề xuất cắt lương hưu của cán bộ về hưu có sai phạm, ông Thăng cho biết lương hưu được xây dựng trên quan hệ đóng - hưởng nên không thể nào tính đến chuyện cắt.
Thay vào đó, ông cho rằng có thể xem xét đến một số quyền lợi gắn với chức vụ đó như khám chữa bệnh, khen thưởng, huân, huy chương.
“Đó là gồm cả vật chất và tinh thần và tinh thần, nhưng quan trọng nhất là danh dự, tư cách chức vụ”, ông Thăng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng Bộ cần phối hợp, thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương để xem các chế độ đối với cán bộ về hưu có sai phạm, ví dụ như chế độ khám chữa bệnh hay chế độ xe công. Một lần nữa, ông Thăng khẳng định Chính phủ sẽ quy định chi tiết vấn đề này.
Trao đổi thêm về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Na, ông Trần Văn Dự, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh giải đáp băn khoăn cho rằng trong tình hình nhiều tội phạm nước ngoài hoạt động ở Việt Nam, tại sao chúng ta lại có những quy định thông thoáng hơn.
Theo ông Dự, trong yêu cầu phát triển kinh tế thì lúc này chúng ta không thể không thông thoáng, để tạo điều kiện thu hút người nước ngoài.
Dẫn số liệu cho biết năm nay có khoảng 18 triệu lượt người nước ngoài vào Việt Nam, trung bình một năm tăng hơn 2 triệu, ông Dự nhận định đây là thông tin đáng mừng.
“Qua quá trình công tác quản lý, chúng tôi đã nhận diện ra nhóm đối tượng người nước ngoài nào thường có vi phạm khi vào Việt Nam. Chính vì vậy, luật quy định thị thực du lịch trên 30 ngày thì chỉ cấp tạm trú 30 ngày, thay vì cho phép tới 3 tháng như luật cũ”, ông Dự nói và khẳng định quy định này không ảnh hưởng đến thu hút người nước ngoài.