Không bán vàng miếng nhưng nhận cầm đồ lãi suất 2,5%
Tại các khu phố vàng ở TP. HCM, nhiều tiệm vàng lẻ không có giấy phép đã ngưng bán vàng miếng nhưng có nơi lại nhận cầm đồ với kim loại này.
Dạo qua nhiều tiệm vàng nhỏ trước vẫn bán vàng miếng, khi khách hàng hỏi mua bán vàng miếng, đều bị các cửa hàng từ chối. Chủ tiệm vàng ở số 224 Lê Thánh Tôn (Quận 1) nói: “Nếu muốn mua vàng miếng, chị phải băng qua đường sang bên kia, có treo biển lớn”. Chủ tiệm khác trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình, trước là điểm mua bán vàng miếng lớn nhất khu vực này, nay phần niêm yết giá vàng miếng SJC trên bảng hiệu được che lại bằng băng keo. Tuy nhiên, từ chối không mua bán vàng nhưng khách hàng muốn cầm đồ thì lại đồng ý với lãi suất 2,5%.
Điểm qua khoảng 10 tiệm khác tại khu vực Phạm Văn Hai, hầu hết bảng giá niêm yết điện tử đều để trống phần vàng miếng. Khách hàng vào mua, cửa hàng không bán, chỉ riêng có một doanh nghiệp tại đây đồng ý. Chủ tiệm cho biết, từ xưa đã là đại lý của SJC và hiện là một trong số các đơn vị được phép kinh doanh vàng miếng. “Chúng tôi không treo băng rôn vì cả khu vực ai cũng biết mình bán vàng miếng rồi!” - người này nói.
Hầu hết giá vàng miếng trên bảng niêm yết ở những nơi không được phép bán đều để trống. |
Vậy liệu có tình trạng một số tiệm không có giấy phép nhưng vẫn tiếp tục kinh doanh vàng miếng hay không? Một chủ tiệm trên đường Lê Thánh Tôn (Quận 1) không treo bảng bán vàng miếng nhưng khi có khách mua họ nói là vẫn bán. Khi hỏi tiệm có giấy phép không, nếu không có sẽ vi phạm pháp luật và bị xử phạt nặng thì chủ tiệm nói khách qua tiệm khác.
Triển khai chưa đều
Đối với những đơn vị có giấy phép, hoạt động mua bán vàng không có gì đột biến. Chi nhánh ngân hàng Eximbank tại 66 Phó Đức Chính (Quận 1) dành riêng lầu hai để giao dịch vàng miếng. Khách hàng muốn mua bao nhiêu, bán bao nhiêu ngân hàng đồng ý và in toàn bộ quyết định về việc được phép kinh doanh vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Đại diện ngân hàng Sacombank cho biết đã triển khai việc mua bán vàng miếng trên toàn bộ hệ thống với 400 điểm giao dịch. Ngoài ra, ngân hàng còn có dịch vụ giữ hộ vàng, chuyển vàng trong hệ thống cho khách hàng.
Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi thì không phải ngân hàng nào có giấy phép cũng triển khai toàn hệ thống. Một ngân hàng lớn có 350 điểm giao dịch toàn quốc cho biết chỉ mới triển khai 100 điểm giao dịch ở các khu vực trọng điểm. Không chỉ TP.HCM, một số chi nhánh tại Hà Nội của ngân hàng này hôm qua cũng không bán vàng miếng. Một nhân viên ở chi nhánh Quận 2 giải thích, vì chưa có chỉ đạo của cấp trên nên chi nhánh chưa dám triển khai.
Một giám đốc nhận định đối với doanh nghiệp mua bán vàng, do không bị khống chế trạng thái nên thuận mua vừa bán, ngay cả khi chưa mua được cũng có thể bán nếu được giá. Tuy nhiên, ngân hàng thì phải mua vào được mới bán ra được. Với giá vàng biến động khó lường, biên độ giữa mua và bán chỉ 250.000 đồng/lượng thì mua vàng vào, bán ra lỗ ngay. Thậm chí, nếu có nhiều khách bán, trạng thái cuối ngày cũng không được quá 2% so với vốn điều lệ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, khống chế trạng thái là để hạn chế tình trạng đầu cơ, tích trữ vàng của các ngân hàng. Về việc một số chi nhánh ngân hàng không bán vàng ra, ông cho biết cả TP.HCM có 2.100 điểm giao dịch thì chỉ có 900 chi nhánh kinh doanh vàng miếng. Một ngân hàng khi đăng ký kinh doanh vàng miếng sẽ gồm danh sách các chi nhánh. Chi nhánh nào được NHNN cấp phép mới được kinh doanh” - ông Minh nói.
Dân bán nhiều hơn mua
Theo Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN), trong ngày đầu chính thức triển khai hoạt động mua, bán vàng miếng tại các đơn vị được NHNN cấp phép, thị trường vàng tương đối ổn định, khách hàng bán nhiều hơn mua. Điều này khiến cho giá vàng trong nước có xu hướng giảm. Ngày hôm qua, NHNN cũng đã đăng tải toàn bộ danh sách tất cả điểm mua bán vàng miếng trên trang web của NHNN. |
Theo Pháp Luật TP.HCM