Theo Bloomberg, Edgar Chan - kỹ sư phần mềm 28 tuổi đến từ Hong Kong - là một trong số hàng nghìn người bị cách ly trên du thuyền World Dream sau khi một số du khách trên hành trình trước đó của con tàu bị xác định nhiễm virus corona.
Chan khẳng định sắp tới anh sẽ không đi du lịch trên biển. Việc bị cách ly trên "du thuyền xác sống" khiến anh vừa khó chịu vừa sợ nguy cơ bị lây nhiễm virus. "Không ai muốn bị nhốt trong du thuyền có khách nhiễm virus corona", anh khẳng định.
"Bị cảm lạnh khi đi tàu là điều bình thường, nhưng nhiễm virus có khả năng lây truyền cao thì thật là kinh khủng", anh lo lắng. Và chắc chắn không chỉ một mình Chan nghĩ vậy.
Du thuyền World Dream neo đậu tại cảng Khải Đức, Hong Kong vào tháng 2. Ảnh: Bloomberg. |
Lợi nhuận sẽ lao dốc
Trước đó, châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng được xác định là thị trường lớn của ngành du lịch tàu biển. Tuy nhiên, hiện các công ty dịch vụ du lịch tàu biển đã phải hủy bỏ hàng loạt chuyến đi do nhiều quốc gia từ chối cho du thuyền cập bến vì sợ virus corona.
Tin tức về những du khách bị cách ly trên các con tàu như World Dream hay Diamond Princess lan truyền trên toàn thế giới, khiến công chúng vô cùng lo lắng. Du thuyền Westerdam bị nhiều nước không cho phép cập cảng trước khi được Campuchia chấp nhận.
Giáo sư Christopher Muller thuộc Đại học Boston nhận định: "Tình hình hiện tại thật tồi tệ đối với ngành du lịch tàu biển. Ở khu vực châu Á, sự phục hồi sẽ tốn nhiều thời gian hơn vì thị trường vẫn chưa hoàn thiện và phát triển"
Royal Caribbean Cruises - công ty du thuyền lớn thứ hai trong ngành - hủy 18 chuyến đi ở Đông Nam Á. Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của công ty có thể giảm tới 1,2 USD nếu buộc phải hủy các chuyến đi trong khu vực đến tháng 4. Tương tự, đối thủ Carnival thừa nhận lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của hãng sẽ giảm 65 cent.
Ngày 9/2, chính quyền Hong Kong cho phép 3.600 hành khách rời khỏi World Dream. Phía Nhật Bản cho biết có 218 trường hợp nhiễm virus trên tàu Diamond Princess bị cách ly ở cảng Yokohama.
Du thuyền Diamond Princess bị cách ly tại cảng Yokohama, Nhật Bản. Ảnh: New York Post. |
Trên du thuyền sang trọng này có khoảng 3.500 hành khách và thủy thủ đoàn. Cơ quan y tế Nhật Bản đang cho phép những hành khách đầu tiên không bị nhiễm virus corona rời tàu.
Harry Curtis, nhà phân tích của Instinet, nhận định chưa thể đánh giá hết tác động của dịch virus corona với ngành công nghiệp du lịch tàu biển quốc tế. Cần phải chờ đến khi dịch kết thúc và báo chí không còn đưa tin về những chiếc du thuyền sang trọng bị cách ly.
Vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn đối với ngành du lịch tàu biển khi cuộc khủng hoảng bùng nổ trong mùa "sóng", khi phần lớn khách hàng đã đặt hết chỗ trên các chuyến tàu du lịch cho năm tới.
Giáo sư Ross Klein - chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề của ngành du lịch tàu biển - khẳng định: "Còn quá sớm để đánh giá về tác động lâu dài của dịch. Chúng tôi chỉ có thể theo dõi ảnh hưởng của dịch bệnh với ngành công nghiệp trong thời gian trước mắt".
Chỉ có thể chờ đợi
Những năm gần đây, các công ty du lịch tàu biển hàng đầu Mỹ và châu Âu nỗ lực khai thác thị trường Châu Á. Theo Hiệp hội Tàu du lịch quốc tế, số lượng tàu trong khu vực năm 2019 tăng lên 79 tàu so với 43 tàu năm 2013.
Hiệp hội cũng cho biết số lượng hành khách tại châu Á tăng từ 1,51 triệu người vào năm 2013 lên 4 triệu người vào năm 2019.
Tuy nhiên, không dễ để xâm nhập thị trường Trung Quốc. Năm ngoái, Norwegian Cruise Line Holdings phải chuyển tàu Norwegian Joy từ Trung Quốc đến Alaska.
Con tàu này được thiết kế dành riêng cho thị trường Trung Quốc, với những phòng trà và các tiện nghi khác thu hút khách châu Á. Tuy nhiên, Norwegian Cruise Line Holdings không đạt được doanh thu như mong đợi.
Ngành du lịch tàu biển cũng từng hứng chịu điều tiếng, bao gồm vụ tai nạn tàu Costa Concordia của Carnival vào năm 2012 khiến 32 người thiệt mạng. Cũng phải kể đến vụ hỏa hoạn ở buồng máy tàu Carnival Triumph vào năm 2013, khiến các hành khách mắc kẹt trên biển.
Tuy nhiên, lượng hành khách sử dụng dịch vụ du thuyền vẫn tiếp tục tăng và đạt kỷ lục 30 triệu trên toàn thế giới vào năm 2019. Nhà phân tích Stewart Chironcho biết ngành công nghiệp sẽ chỉ chịu tác động tài chính từ các chuyến đi bị hủy ở Đông Nam Á.
Một du khách kéo hành lý đi qua du thuyền Westerdam. Ảnh: Bloomberg. |
"Các điểm đến khác vẫn đang vận hành như bình thường", ông nói thêm. Thị trường Trung Quốc có thể là nơi chịu hậu quả nghiêm tọng nhất.
Doan nhân Ingrid Leung, chủ hãng du lịch Incruising Travel Asia tại Hong Kong, cho biết thông thường rất ít khách hủy chuyến vì giá vé quá cao và mỗi chuyến du lịch biển cần sự chuẩn bị dài hơi. Tuy nhiên kể từ khi dịch virus corona bùng phát, đã có 10 khách hủy chuyến.
Bà Leung nói: "Điều đó thực sự hiếm khi xảy ra đối với chúng tôi. Số lượng khách đặt chỗ cho các chuyến đi vào mùa xuân và mùa hè cũng bị ảnh hưởng. Tôi đã hy vọng sẽ mở rộng kinh doanh vào năm 2020. Tuy nhiên giờ đây kế hoạch này trở nên bất khả thi".
Dù vậy, bà Leung vẫn lạc quan: "Mọi người có xu hướng nhanh quên sau khi các dịch bệnh kết thúc. Nếu chúng tôi có thể tồn tại trong 3 tháng tới và dịch virus corona được kiểm soát, khách hàng sẽ bắt đầu đặt chỗ lại".