Theo báo cáo của Greenpeace Đông Nam Á và Trung tâm Nghiên cứu về Năng lượng và Không khí sạch, ô nhiễm không khí do đốt nhiên liệu hóa thạch gây thiệt hại 3,3% GDP toàn cầu, tương đương 2.900 tỷ USD mỗi năm.
Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ là ba quốc gia chịu thiệt hại kinh tế nặng nề nhất vì ô nhiễm không khí tăng vọt. Con số ước tính lần lượt là 900 tỷ USD, 600 tỷ USD và 150 tỷ USD mỗi năm.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến hàng tỷ người mỗi ngày bất chấp những nỗ lực của các quốc gia và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo và nhiên liệu sạch.
Ô nhiễm không khí gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 8 tỷ USD mỗi ngày. Ảnh: Bloomberg. |
Đốt than, dầu và khí đốt gây ra các vấn đề về sức khỏe, có thể dẫn đến 4,5 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn cầu. Greenpeace cho biết có khoảng 40.000 trẻ em tử vong trước năm 5 tuổi do tiếp xúc với bụi mịn có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet (PM 2.5).
"Mỗi năm, ô nhiễm không khí do đốt nhiên liệu hóa thạch lấy đi hàng triệu sinh mạng, làm tăng nguy cơ đột quỵ, ung thư phổi, hen suyễn và tiêu tốn hàng tỷ USD. Nhưng đây là một vấn đề có thể giải quyết bằng cách chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo, loại bỏ động cơ diesel và xăng, phát triển giao thông công cộng", chuyên gia Minwoo Son thuộc Greenpeace Đông Nam Á nhận định.
Theo một báo cáo của Oxford Economics hồi tháng 11/2019, nếu không có những nỗ lực hạn chế khí thải nhà kính, Trái Đất có thể nóng lên 2 độ C vào năm 2050, GDP toàn cầu sẽ giảm 2,5% xuống còn 7,5%.
Theo Greenpeace, ô nhiễm không khí làm gia tăng chi phí chữa các bệnh về đường hô hấp và gây thiệt hại kinh tế vì tình trạng chết yểu.
"Cái chết của trẻ em và những người trẻ gây thiệt hại kinh tế thông qua những đóng góp cho xã hội và nền kinh tế bị mất đi", tổ chức này nhận định.
So với các chất gây ô nhiễm khác như ozone và nitơ dioxide, bụi mịn PM 2.5 gây ra tác động đối với kinh tế lớn nhất. Các quốc gia đông dân thường gánh chịu chi phí cao hơn. Năm 2019, khoảng 91% dân số toàn cầu phải sống ở những nơi có mức độ ô nhiễm không khí vượt quá tiêu chí do WHO đặt ra.