Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khối ngoại tháo chạy khỏi một cổ phiếu BĐS, xả ra gần 1.000 tỷ đồng

Khối ngoại bán ròng gần 4.000 tỷ đồng tính riêng trên sàn HoSE. Trong đó mã VHM của Vinhomes bị bán ròng 980 tỷ đồng.

Chứng khoán trong nước vừa trải qua tuần giao dịch sôi nổi khi thanh khoản trên các sàn đều tăng mạnh. Xét toàn thị trường, thanh khoản bình quân tuần đã đạt 24.200 tỷ đồng, tăng 61% so với tuần trước đó.

Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của tháng 12, chỉ số VN-Index dừng ở mốc 1.124,44 điểm, tăng hơn 22 điểm (khoảng 2%) so với mốc mở cửa phiên ngày 4/12. Hai chỉ số khác là HNX-Index và UPCoM-Index cũng có diễn biến cùng chiều khi lần lượt tăng 2,1% lên 231,2 điểm và 0,6% lên 85,71 điểm.

GIAO DỊCH MUA/BÁN RÒNG CỦA KHỐI NGOẠI
Nguồn: VNDirect; Tổng hợp
Nhãn Phiên 4/12 5/12 6/12 7/12 8/12
HoSE tỷ đồng -582 -1557 -548 -817 -449
HNX
-43 -51 -7 12 17
UPCoM
12 -16 -7 -5 -15

Giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài là một trong những tâm điểm đáng chú ý tuần qua.

Tính riêng trên HoSE, khối ngoại mua vào tổng cộng 204 triệu cổ phiếu và bán ra 337 triệu cổ phiếu, tức đã xả ròng ra thị trường 139 triệu cổ phiếu với giá trị khoảng 3.954 tỷ đồng. Diễn biến này kéo dài chuỗi bán ròng của khối ngoại sang tuần thứ 5 liên tiếp.

Nhìn sâu vào hoạt động của nhóm này, cổ phiếu VHM của Vinhomes đang dẫn đầu danh sách bị cắt giảm đầu tư. Tuần vừa rồi mã này bị bán ròng gần 980 tỷ đồng, cao gấp 3 lần những mã đứng sau như chứng chỉ FUEVFVND (314 tỷ đồng), VNM (303 tỷ đồng) hay STB (298 tỷ đồng).

Bản thân cổ phiếu VHM cũng ghi nhận 4 phiên giảm điểm liên tục, kết thúc tuần giao dịch ở mốc 39.650 đồng/cổ phiếu, tức giảm 3% so với đầu tuần. Vốn hóa thị trường chịu thiệt hại 7.000 tỷ đồng và thu hẹp xuống còn 172.650 tỷ đồng.

khoi ngoai ban rong anh 1

Cổ phiếu VHM lao dốc mạnh từ giữa năm đến nay. Ảnh: DNSE.

Ngoài những mã kể trên, khối ngoại cũng bán mạnh cổ phiếu HPG của Hòa Phát (248 tỷ đồng), chứng chỉ FUESSVFL (199 tỷ đồng), MSN của tập đoàn Masan (183 tỷ đồng), DXG của tập đoàn Đất Xanh (162 tỷ đồng).

Chiều ngược lại, cổ phiếu VHC của Vĩnh Hoàn được gom ròng tới 166 tỷ đồng, đồng thời là mã duy nhất có giá trị mua ròng trên 100 tỷ đồng.

Trên sàn, cổ phiếu của doanh nghiệp chế biến thủy sản đang được giao dịch tương đối tích cực. Khối lượng giao dịch mỗi phiên trong tuần qua đều trên 1 triệu đơn vị trong khi các tuần trước đó tương đối ảm đạm.

Riêng phiên 6/12 ghi nhận 2,7 triệu cổ phiếu được sang tay với giá trị giao dịch hơn 205 tỷ đồng. Đây cũng là phiên VHC tăng kịch biên độ. Chốt phiên 8/12, cổ phiếu này dừng ở mốc 74.900 đồng/đơn vị, tăng 11% so với đầu tuần. Vốn hóa tăng gần 1.200 tỷ đồng lên 14.000 tỷ đồng.

Diễn biến cổ phiếu của VHC diễn ra trong bối cảnh HĐQT công ty có nghị quyết triển khai phương án chi trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%, tức mỗi lô cổ phiếu 100 đơn vị sẽ nhận về 20 cổ phiếu mới. Hoạt động phát hành cổ phiếu mới để trả cổ tức cho cổ đông sẽ giúp nâng vốn điều lệ của doanh nghiệp lên 2.244 tỷ đồng.

Bên cạnh VHC, cổ phiếu DGC của Hóa chất Đức Giang cũng được nhà đầu tư nước ngoài mua vào mạnh với giá trị ròng đạt 99 tỷ đồng, BID của ngân hàng BIDV 51 tỷ đồng, OCB của ngân hàng Phương Đông 51 tỷ đồng, KBC của Đô thị Kinh Bắc 39 tỷ đồng.

Quỹ ngoại lại muốn thoái vốn khỏi Vinasun

Sau 2 lần bất thành, quỹ ngoại lại đăng ký thoái 2,5 triệu cổ phiếu Vinasun nhằm mục đích cơ cấu danh mục. Giao dịch dự kiến thu về 32,5 tỷ đồng tính theo thị giá hiện tại.

Nhóm quỹ Hàn Quốc trở thành cổ đông lớn của Thép Nam Kim

Nhóm quỹ Hàn Quốc Kim Vietnam Fund Management trở thành cổ đông lớn thứ 4 của doanh nghiệp thép sau khi một quỹ thành viên mua vào 1 triệu cổ phiếu NKG.

Doanh nghiệp Việt thành 'gà đẻ trứng vàng' cho ông chủ Thái

Mỗi năm, cổ đông Thái Lan nhận về hàng nghìn tỷ đồng cổ tức tiền mặt nhờ thâu tóm thành công các doanh nghiệp Việt như Sabeco, Nhựa Bình Minh, Bao bì Biên Hòa...

Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Minh Khánh

Bạn có thể quan tâm