3. Một trường hợp kinh điển khác là một người trẻ xin tiếp nghiệp một người sắp về hưu trí
Tôi có một người bạn cùng tuổi và cùng xóm ở bên Pháp. Anh là người Pháp, tên anh là André, năm đó chúng tôi ở độ tuổi 26, 27. Ở dưới tầng trệt của chung cư có một cửa tiệm bán gỗ cưa do một ông chủ độc thân, không có nhân viên hay thợ phụ. Cụ tên là Pierre, cụ có cửa tiệm gỗ cưa từ hơn hai chục năm rồi. Anh bạn André cứ quen chia sẻ nỗi niềm thèm khát làm nghề gỗ với tôi.
Anh hay xuống tiệm ông Pierre để mua gỗ cưa rồi anh tự làm nội thất. Hai người rất quý nhau, ông Pierre thì thấy André có óc thiết kế tuyệt vời những bàn ghế bằng gỗ cây. Còn André thì thấy ông Pierre làm nghề gỗ vì yêu gỗ, vốn cụ thân sinh ra ông xưa kia cũng khai thác và bán gỗ.
Chưa bao giờ có ai nghe ông Pierre than vãn chuyện gì liên quan đến thu nhập, chẳng phải là khách hàng quá đông. Tiệm gỗ cũng chẳng sầm uất mấy, nhưng rõ ràng ông Pierre mê say nghề của mình, vui sống giữa các khung gỗ, cục gỗ mà chính tay ông sẽ biến thành những tác phẩm sơ sài. Một hôm ông Pierre mở lời với André, nói đại khái rằng ông sắp về hưu và sẽ bán cửa tiệm. Ông nói, tôi cũng chẳng biết có ai muốn mua không, vì thời nay có lẽ hiếm ai muốn làm nghề của ông, tạm gọi là bán gỗ vụn.
André phản ứng bất ngờ: Bác Pierre ơi, cháu cũng đang định thưa với bác rằng cháu muốn xin làm thợ phụ cho bác không công, không lương. Thế là hai bác cháu đập tay vào nhau một cách tâm đắc, cả hai chịu liền. Chỉ sáu tháng sau, bác Pierre truyền lại tiệm cho cháu André, điều kiện duy nhất là André cho phép bác Pierre trở thành người hưu trí phụ việc người trẻ năng động.
Chỉ mười năm sau, cơ sở nhỏ nhắn này đã trở thành siêu thị nhỏ theo trào lưu vừa xuất hiện trong xã hội, đó là trào lưu “do it yourself” (tự làm lấy các việc điện, gỗ, trang trí, chữa ống nước,... trong nhà). André đã có mười nhân viên, và doanh thu mỗi năm khá bộn.
Rõ ràng mô hình chuyển tay cơ sở từ người cao tuổi sang người trẻ là thuận tự nhiện, thuận ý niệm tổ chức mà xã hội cần có. Gọi là mô hình là đã quá lời, vì chẳng có mô hình lý thuyết gì hết. Chỉ có chuyện của người với người, mến trọng nhau, yêu nghề, theo đuổi giấc mơ và tinh thần làm tốt nhất có thể. Nhìn kiểu nào mô hình này cũng chỉ thấy hạnh phúc mang tới thành công.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: RDNE Stock project/Pexels. |
4. Một mô hình thành công khác là các nhân viên trong một doanh nghiệp xin chủ mở một chi nhánh để tạo thêm giá trị cho doanh nghiệp.
Ví dụ trong một công ty sản xuất cam hoặc táo (nông nghiệp), một bạn trẻ một hôm nghe khách hàng chê rằng cam táo được sản xuất ra quá hỗn hợp, trái to trái nhỏ, trái xanh trái đỏ, trái ngọt trái chua. Chỉ có khuyết điểm nhỏ đó thôi mà anh bạn trẻ nẩy ra ý kiến thành lập công ty soạn lựa các trái cây để phân loại. Trái đỏ, trái xanh, trái to, trái nhỏ được phân loại và xếp vào các thùng riêng biệt.
Chỉ có một dịch vụ quá đơn giản thế mà giá trị gia tăng khá cao, vì khách hàng tới đông hơn, mua bán nhanh hơn, sẵn sàng trả giá cao thùng trái cây vừa đẹp và vừa ngọt, điều bất ngờ là thùng xấu và chua cũng bán đắt vì có người tới hỏi cam chua để nấu mứt.
Tổng hợp lại thì tổng doanh thu cao hơn rất nhiều và việc bán nhanh hơn rất nhiều, khách hàng rất ấn tượng với sự ổn định của chất lượng qua sự lựa chọn và phân loại, nay họ mua không cần khảo xét quá tỉ mỉ.
Tôi rất thích khẩu hiệu bên Vingroup là “mãi mãi tinh thần khởi nghiệp”, không biết tôi nhớ có rõ đúng tên của khẩu hiệu này không. Bạn ạ, không có gì thuận tự nhiên hơn là nhân viên của một doanh nghiệp tìm ra những hướng đi mới cho những sản phẩm kinh điển của doanh nghiệp, và tôi nghĩ các chủ doanh nghiệp nên khuyến khích khuynh hướng tạo giá trị tích cực này.
Khởi nghiệp kiểu này dễ hơn vì môi trường kinh doanh đã thấu triệt từ lâu, khối khách hàng đã có sẵn, những rủi ro đã được mô phỏng cẩn trọng, nguồn vốn rất dễ kiếm vì các ngân hàng đang làm việc tích cực với mình. Hỗ trợ cho một doanh nghiệp đã lớn mạnh có thêm sản phẩm trên một thị phần chưa hoặc ít khai phá hoặc giúp họ tăng thêm hiệu năng, lấy thêm khách hàng là một điều nhất thiết phải nghĩ tới.
Để lấy một ví dụ hoàn vũ: tất cả các nhóm người viết các ứng dụng cho Apple iPhone đa số đã trở nên giàu có là những người đã vịn vào một thị trường sẵn có, một nhu cầu hiển nhiên. Những ứng dụng được Apple cho phép gắn vào iphone đã giúp cho đời sống của người sử dụng vui hơn, khỏe hơn, lý thú hơn, ngọt ngào hơn.
Nó đã giúp cho máy điện thoại thông minh tăng số những chức năng hữu ích. Các ứng dụng trên Iphone hoặc điện thoại Samsung (gọi là Apps) là cách khởi nghiệp thuận lợi nhất. Bạn mà chế ra một Apps mang giá trị thuận lợi, dù nhỏ đến đâu, bạn sẽ kiếm triệu đô khá nhanh.
Ngay chỉ một việc quá đơn giản là sản xuất các ốp điện thoại cũng là một business vĩ đại tầm vóc thế giới.
Theo tôi, việc dựa mình vào một cỗ xe đã có tốc độ, giá trị, khách hàng, sự hiểu biết rủi ro, sự dễ dàng tìm vốn, là một trong những trường hợp lý tưởng để khởi nghiệp. Cũng thuận tự nhiên phải không bạn?