Một sự cố mất điện gây ảnh hưởng lớn đến trung tâm kiểm soát không lưu tại sân bay lớn nhất Philippines ngay trong ngày đầu năm mới. Sự việc này làm gián đoạn gần 300 chuyến bay và khiến hàng chục nghìn hành khách mắc kẹt.
Sân bay quốc tế Ninoy Aquino ở thủ đô Manila là cửa ngõ chính cho du khách đến Philippines, CNN cho biết.
Trong một tuyên bố, Cơ quan Hàng không Dân dụng Philippines (CAAP) chia sẻ rằng các vấn đề kỹ thuật lần đầu được phát hiện vào sáng 1/1.
Giới chức Philippines đã tạm dừng các chuyến bay đến và đi khỏi Manila vào ngày đầu năm mới do sự cố này, Reuters đưa tin.
Các chuyến bay trên nhiều chặng quốc tế khác cũng bị cấm đi qua không phận của nước này. Trang web theo dõi hàng không Flightradar24 cho biết không có chuyến bay thương mại nào ở Philippines vào sáng 1/1, Bloomberg đưa tin.
Mệt mỏi và thất vọng
Tổng cộng có 282 chuyến bay bị hoãn, hủy hoặc chuyển hướng đến các sân bay khác trong khu vực, khi khoảng 56.000 hành khách bị ảnh hưởng tính đến 16h địa phương vào ngày đầu năm mới, CAAP nói thêm.
Trong cuộc họp báo vào tối 1/1, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Philippines Jaime Bautista đã xin lỗi vì sự bất tiện đối với hành khách. Ông cho biết hệ thống kiểm soát không lưu trung tâm đã gặp sự cố mất điện nghiêm trọng.
"Đây là một vấn đề đối với hệ thống kiểm soát không lưu. Nếu bạn so sánh (sân bay của chúng tôi) với của Singapore, thì có một sự khác biệt lớn - họ đi trước chúng tôi ít nhất 10 năm”, ông Bautista nói.
Bên cạnh đó, ông Bautista cho biết Bộ Giao thông Vận tải cũng đã phối hợp với một số hãng hàng không khác để cung cấp thực phẩm, đồ giải khát, phương tiện đi lại và chỗ ở "miễn phí cho tất cả hành khách bị ảnh hưởng”.
Hàng dài người chờ đợi ở sân bay quốc tế Ninoy Aquino hôm 2/1. Ảnh: Reuters. |
Một chiếc máy bay của Qantas khởi hành từ Sydney đến Manila chiều 1/1 nằm trong những đối tượng chịu ảnh hưởng bởi sự cố này. Chuyến bay này, mang số hiệu QF19, sau đó buộc phải quay đầu lại giữa chừng và trở lại Australia.
Các hoạt động đã được nối lại một phần vào lúc 17h50 theo giờ địa phương, CAAP cho biết trong một bản cập nhật và sân bay này đã một lần nữa bắt đầu chấp nhận các chuyến bay nội địa.
Tuy nhiên, nhiều chuyến bay tiếp tục bị hủy vào ngày 2/1. Mệt mỏi và thất vọng, nhiều hành khách chia sẻ họ không biết phải làm gì. Họ đã chờ đợi bên ngoài phòng vé của các hãng hàng không để được giải thích rõ ràng và sớm khởi hành chuyến bay.
Vụ việc này cũng làm dấy lên làn sóng phản ứng dữ dội - với nhiều người, bao gồm cả các chính trị gia, đặt câu hỏi về cách thức và lý do sự cố mất điện lại xảy ra.
“Thật là một cách để chào đón năm mới tại các sân bay của đất nước chúng ta. Chúng tôi sẽ điều tra để tìm ra ai chịu trách nhiệm và làm thế nào để điều này không tái diễn”, Thượng nghị sĩ Philippines Grace Poe cho biết hôm 2/1.
"Cơn ác mộng"
Hình ảnh và video được chia sẻ trực tuyến đã cho thấy đám đông khổng lồ tại sân bay quốc tế Ninoy Aquino.
Al Jazeera cho biết cảnh tượng hỗn loạn đã xuất hiện tại các quầy làm thủ tục trên khắp nước này, khi hàng nghìn người cố gắng đặt lại vé hoặc tìm hiểu thời điểm chuyến bay của họ có thể cất cánh.
Manny V. Pangilinan, một doanh nhân người Philippines, chia sẻ ông đang trên đường từ Tokyo trở về Manila, nhưng máy bay phải quay lại sân bay Haneda do radar và cơ sở điều hướng tại sân bay Ninoy Aquino gặp vấn đề.
"Sáu giờ bay vô ích. Sự bất tiện cho du khách, thiệt hại cho du lịch và kinh doanh là khủng khiếp”, ông nói. Máy bay của ông cuối cùng đã hạ cánh xuống Manila lúc 23h địa phương, ông Pangilinan cho biết thêm.
Thông tin về những chuyến bay bị hoãn tại sân bay quốc tế Ninoy Aquino (Philippines). Ảnh: Reuters. |
Xavier Fernandez, sinh viên, là một trong số hàng nghìn người bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn chuyến bay vào ngày năm mới. Anh đã dành hàng giờ để gọi điện cho United Airlines và các hãng bay khác nhằm đặt lại chuyến bay tới San Francisco vào một ngày sau đó.
"Đó thực sự là một cơn ác mộng”, anh nói, đồng thời cho biết thêm rằng anh đã ở sân bay hơn 10 tiếng đồng hồ.
Sân bay quốc tế Ninoy Aquino từng được đánh giá là một trong số những cửa ngõ quốc tế tồi tệ nhất thế giới, khi nhiều chuyến bay thường xuyên bị hoãn. Nhiều kế hoạch nâng cấp cũng bị trì hoãn hoặc hủy bỏ do tranh chấp giữa sân bay và các nhà thầu.
Theo chia sẻ của anh Fernandez, nhiều hành khách đã lên máy bay vào sáng 1/1 trước thông báo mất điện. Cuối cùng, họ phải đi xuống sau vài giờ chờ đợi trên máy bay.
Sự gián đoạn quy mô lớn đối với ngành hàng không xảy ra trong bối cảnh du lịch cuối năm ở Philippines đang trong thời kỳ cao điểm. Đất nước này đã chứng kiến một lượng lớn du khách nước ngoài, cũng như công dân từ nước ngoài bay về quê nhà để đón Giáng sinh và năm mới - một trong những ngày lễ quan trọng nhất của đất nước.
"Theo nghĩa đen, đây là cách tồi tệ nhất để bắt đầu một năm”, anh Fernandez nói về những gì đã trải qua.
Cuộc khủng hoảng tại sân bay dịp năm mới cũng khiến nhiều chuyến bay đến các địa điểm như Hong Kong và Singapore của những người Philippines đang làm việc ở nước ngoài bị gián đoạn.
Nora Dela Cruz, một người giúp việc, cho biết công việc của cô "đang trong tình trạng không chắc chắn" vì không thể quay lại Hong Kong vào ngày 1/1.
Cô Cruz, cùng với những phụ nữ khác làm việc trong lĩnh vực này, đã bị sa thải vì chậm trễ chuyến bay, cô nói.
Sách hay về hàng không
The Great Air Race - John Lancaster kể câu chuyện về những người đã đánh đổi mạng sống của mình để ngày nay chúng ta có thể xách vali lên, bay từ nước này sang nước khác.
Trong cuốn sách, tác giả giới thiệu với độc giả những cảnh tượng xa lạ với các chuyến bay ngày nay. Máy bay tham gia cuộc đua không có phanh hoặc dù. Các cụm từ mô tả kịch tính như “một màng lửa cuộn phía sau động cơ” xuất hiện trong hàng chục đoạn, xuyên suốt cuốn sách.