Những tuần đầu tiên của bà Liz Truss trên cương vị thủ tướng Anh gắn liền với hai chữ: Khủng hoảng.
Bà chỉ chính thức trở thành người đứng đầu văn phòng số 10 phố Downing được 48 tiếng trước khi có tin Nữ hoàng Elizabeth II qua đời. Việc khởi động kế hoạch mới của chính phủ đã bị trì hoãn.
Khi lễ quốc tang chính thức kết thúc vào hôm 19/9, chính phủ của bà Truss đã tung ra một loạt chính sách quyết liệt, nổi bật nhất là vào hôm 23/9 với việc thông báo gói cắt giảm thuế trị giá 45 tỷ bảng Anh, tương đương 48 tỷ USD.
Kế hoạch này bao gồm cả giảm thuế cho nhóm có thu nhập cao nhất, vì thế bị chỉ trích là giúp người giàu hưởng lợi thay vì hàng triệu người dân có thu nhập thấp hơn.
Dù vậy, theo suy luận của chính phủ Anh, việc cắt giảm thuế cá nhân và thuế doanh nghiệp sẽ kích hoạt sự bùng nổ đầu tư và khởi động lại nền kinh tế.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN vào tuần trước, bà Truss nói rằng chính phủ đang “khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và nó cũng có lợi cho người dân bình thường”.
Nhưng kế hoạch của tân thủ tướng Anh đã phản tác dụng gần như ngay lập tức. Đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 4 thập kỷ vào đầu tuần này, có thời điểm gần ngang giá với đồng USD.
Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ phải can thiệp và nâng lãi suất, khiến việc trả nợ khó khăn hơn đối với những người có tài sản thế chấp.
Thủ tướng Anh Liz Truss. Ảnh: Reuters. |
Hôm 28/9, Ngân hàng Trung ương Anh thông báo họ sẽ mua trái phiếu chính phủ Anh để "khôi phục trật tự thị trường", ngăn chặn sự rối loạn sau sự lao dốc của đồng bảng Anh.
Theo Reuters, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF tối 27/9 thậm chí còn chỉ trích rằng các đề xuất này chỉ khiến bất bình đẳng gia tăng và đặt ra câu hỏi về sự sáng suốt của các kế hoạch trên.
Sự hỗn loạn xảy ra ngay giữa thời điểm Công đảng Anh tổ chức hội nghị thường niên ở Liverpool trong tuần này. Theo CNN, đảng đối lập đã hưởng lợi và dẫn đầu trong cuộc thăm dò - điều chưa từng thấy kể từ khi cựu thủ tướng Tony Blair, lãnh đạo đảng giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử.
Cơ hội cho Công đảng Anh
Công đảng đã bị ảnh hưởng nặng nề kể từ khi mất quyền lực vào năm 2010. Hai nhà lãnh đạo trước đây của đảng đã phải vật lộn để giành được sự tín nhiệm trong một loạt vấn đề, từ kinh tế đến an ninh.
Người lãnh đạo gần nhất của đảng, Jeremy Corbyn, từng phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức. Trong quá khứ, ông đã kết giao với những nhân vật cực đoan nổi tiếng, chống lại NATO và có phát ngôn "lập lờ" về Brexit - được cho là một phần nguyên nhân dẫn tới việc đảng này mất điểm ở chính "sân sau" truyền thống của mình.
Khi người kế nhiệm Keir Starmer, lên nắm quyền vào năm 2020, công việc của ông là loại bỏ ảnh hưởng của ông Corbyn khỏi đảng và sau đó giao nó cho một nhà lãnh đạo mới, có thể là vào năm 2030.
Tuy nhiên, tham vọng ấy đã trở nên lớn hơn khi vào tuần này ở Liverpool, đảng của Starmer xuất hiện giống một nhóm chính trị có thể sẽ được bầu để cầm quyền trong tương lai gần.
Cách đây chưa đầy một năm, ông Boris Johnson vẫn là một “nhà vô địch” trên chính trường Anh.
Nhưng sau những vụ bê bối khiến ông mất ghế thủ tướng và ảnh hướng đến tỷ lệ ủng hộ của đảng Bảo thủ, nhà lãnh đạo Công đảng Starmer, từ hình ảnh một luật sư khiêm tốn, ăn nói nhẹ nhàng với trang phục không mấy nổi bật, nổi lên như thể ông có thể là thủ tướng tiếp theo của Vương quốc Anh.
Lãnh đạo Công đảng Keir Starmer tham dự hội nghị thường niên của đảng ở Liverpool, Anh, vào ngày 27/9. Ảnh: Reuters. |
Vương quốc Anh, đặc biệt là Anh nói riêng, có truyền thống bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ. Các chính phủ Công đảng trước đây giành được quyền lực phần lớn là nhờ sự ủng hộ của người Scotland.
Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2014, khi Scotland bỏ phiếu ở lại Vương quốc Anh với tỷ lệ 55% phiếu chống và 45% phiếu thuận. Điều đó khiến gần một nửa người Scotland bất bình và quay ra ủng hộ đảng Dân tộc Scotland.
Dù vậy, cuộc khủng hoảng của chính phủ Truss có thể mở ra cơ hội mới. Sau tuyên bố từ IMF, lãnh đạo Công đảng đối lập Keir Starmer chia sẻ những lời chỉ trích này cho thấy chính phủ hiện tại của bà Truss đã tạo ra một “mớ hỗn độn” đối với nền kinh tế.
Trong bài phỏng vấn với đài LBC, ông nhận định tuyên bố của IMF cho thấy sự hỗn loạn này là do chính phủ tự gây ra và nó hoàn toàn không cần thiết phải như vậy.
“Những con bạc liều lĩnh”
Dù vậy, Công đảng Anh cũng mắc phải những sai lầm không đáng có. Trong khi hội nghị năm nay diễn ra phần lớn mà không gặp trở ngại nào, nguy cơ về một cuộc khủng hoảng đã bất ngờ xảy ra.
Hôm 27/9, nghị sĩ Rupa Huq của đảng này được cho là có thái độ phân biệt chủng tộc khi đề cập màu da của bộ trưởng tài chính thuộc đảng Bảo thủ Kwasi Kwarteng.
Theo Independent, trong đoạn audio được công bố trực tuyến, nữ nghị sĩ đã thảo luận về bối cảnh học tập ưu tú của ông Kwasi Kwarteng, trước khi nói thêm rằng “bạn sẽ không biết ông ấy là người da đen” khi nghe tiếng ông ấy trên đài phát thanh.
Đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 4 thập kỷ vào đầu tuần này. Ảnh: Reuters. |
Thế nhưng, trong tình hình rối ren hiện nay, những vấn đề của đảng đối lập cũng không khiến các nghị sĩ đảng Bảo thủ cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
“Đây là một cuộc khủng hoảng kinh tế. Đó là một cuộc khủng hoảng… đáng nhẽ có thể được giải quyết bởi các nhà hoạch định chính sách nếu họ chọn giải quyết nó”, Charlie Bean, cựu phó thống đốc ngân hàng Anh, nói với BBC.
Báo chí Anh bắt đầu suy đoán rằng Thủ tướng Truss sẽ phải sa thải ông Kwarteng, người bạn thân và “tri kỷ” trong chính trị của bà, nếu bà muốn giành lại thế chủ động và ngăn tỷ lệ ủng hộ trong cuộc thăm dò giảm sâu hơn nữa.
“Mọi vấn đề mà chúng tôi gặp phải bây giờ là do chính bản thân gây ra. Chúng tôi trông giống như những con bạc liều lĩnh chỉ quan tâm đến những người có khả năng thua trong canh bạc”, một cựu bộ trưởng của đảng Bảo thủ cho biết.
Trong bối cảnh đó, một số thành viên Công đảng lo ngại rằng kết quả của cuộc thăm dò hiện tại chỉ phản ánh sự không tán thành với đảng Bảo thủ, thay vì thể hiện thái độ nhiệt tình với đảng đối lập.