Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết sẽ tổ chức lễ khởi công dự án thành phần 3 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1) vào ngày 5/1 tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành, Đồng Nai.
Các hạng mục xây dựng tại sân bay Long Thành được chia thành 4 dự án thành phần, trong, đó ACV làm chủ đầu tư dự án thành phần 3 gồm hạng mục rà phá bom mìn, san lấp mặt bằng, đường giao thông kết nối, đường băng, nhà ga hành khách và hạ tầng hàng không phụ trợ... Tổng mức đầu tư của dự án thành phần 3 là khoảng 99.000 tỷ đồng.
Phối cảnh nhà ga sân bay Long Thành. Ảnh: ACV. |
Theo tiến độ đề ra, ACV sẽ bắt đầu rà phá bom mìn ngay sau lễ khởi công. Cuối tháng 1, đơn vị bắt đầu xây tường rào ranh giới sân bay. Đến tháng 9/2021, đơn vị bắt đầu san nền.
Các hạng mục chính như nhà ga hành khách, đường băng, hạ tầng phụ trợ, giao thông kết nối... sẽ được khởi công trong quý III/2022. Mọi hạng mục đều phải đảm bảo tiến độ để khánh thành sân bay vào cuối năm 2025.
Tính đến nay, UBND tỉnh đã bàn giao 1.600 ha mặt bằng sạch cho chủ đầu tư ACV, còn lại 200 ha đất đang tiếp tục GPMB.
Ngoài phần việc của ACV, 3 dự án thành phần còn lại gồm dự án thành phần 1 - các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước được người đứng đầu Chính phủ giao các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan (Hải quan, Công an, Công an cửa khẩu, Cảng vụ, Kiểm dịch y tế) bố trí nguồn vốn thực hiện.
Dự án thành phần 2 - các công trình phục vụ quản lý bay, chủ đầu tư được Thủ tướng giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) làm chủ đầu tư.
Phối cảnh tháp không lưu sân bay Long Thành. Ảnh: VATM. |
Dự án thành phần 4 - các công trình khác… sẽ thực hiện bởi các nhà đầu tư, chủ đầu tư do Bộ GTVT chủ trì lựa chọn.
Trao đổi với Zing, lãnh đạo VATM cho biết dự án thành phần 2 vẫn chưa ấn định thời điểm khởi công do phụ thuộc vào tiến độ san lấp mặt bằng của dự án thành phần 3 do ACV thực hiện.
Sau khi có mặt bằng sạch, VATM sẽ khởi công các hạng mục tháp không lưu, khu nhà VIP, nhà kỹ thuật, nhà nguồn và nhà bảo vệ, an ninh. Đơn vị đã thống nhất lựa chọn mẫu thiết kế tháp không lưu sân bay Long Thành với biểu tượng hoa văn cổ xưa của Việt Nam, thân tháp được ốp bằng các tấm bê tông sợi thủy tinh chịu lực hoặc tấm bê tông xốp chất lượng cao.
Dự án sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có một đường cất hạ cánh dài 4.000 m, rộng 75m và hệ thống đường lăn, sân đỗ bảo đảm tiêu chuẩn sân bay cấp 4F; nhà ga hành khách sẽ có công suất 25 triệu hành khách/năm (tổng diện tích sàn 373 nghìn m2).
Theo lãnh đạo ACV, Cảng hàng không Long Thành sẽ được áp dụng các công nghệ hiện đại và có tính mở để có thể dễ dàng cập nhật các công nghệ tiên tiến sau này.
Cụ thể, khâu phục vụ hành khách sẽ được áp dụng các công nghệ nhận diện bằng sinh trắc học, tự động hóa các thủ tục hàng không. Việc vận hành sân bay sẽ được hỗ trợ bởi công nghệ Big Data, Internet kết nối vạn vật (IoT). Khâu vận chuyển, phân loại hành lý sẽ có các công nghệ BHS, EBS.
Trong lĩnh vực quản lý bay, những công nghệ định vị, dẫn đường máy bay bằng vệ tinh, tự động hóa quản lý không lưu sẽ được áp dụng. Với lĩnh vực an ninh, sân bay sẽ có hàng rào chống xâm nhập. Thiết bị kiểm thể tự động (Body Scanner) được trang bị 100% bên trong nhà ga thay cho việc kiểm tra an ninh bằng dụng cụ cầm tay.
Giữa tháng 11, Thủ tướng đã quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 109.111 tỷ đồng, hoàn thành vào cuối năm 2025 . Ở giai đoạn hoàn thiện, sân bay Long Thành sẽ có quy mô 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng.