Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khoét mác để biến đồ Trung Quốc thành hàng Việt Nam

Nhiều cửa hàng “Made in Vietnam” nhưng chỉ có nhãn mác là nội, còn "ruột" là đồ Trung Quốc.

Đánh vào tâm lý của người tiêu dùng là lựa chọn mua hàng Việt cho an toàn, nhiều cửa hàng thời trang “Made in Vietnam” mọc lên như nấm trên khắp các con phố Thủ đô. Đặc biệt, trên các diễn đàn mua bán, mạng xã hội,... thị trường này sôi động hơn cả. Chỉ cần gõ từ khóa “Việt Nam xuất khẩu” hàng hàng trăm các shop online hiện ra trong nháy mắt, với những lời quảng cáo rầm rộ, có cánh.

Thế nào là hàng “Made in Vietnam”, Việt Nam xuất khẩu?

Hàng “Made in Vietnam” phổ biến là hàng nhà máy sản xuất theo dây chuyền tại Việt Nam, 100% tất cả các nguyên liệu, phụ kiện để làm ra một sản phẩm đều là của “nội”. Sau đó, loại hàng này được tung ra phục vụ thị trường trong nước hoặc xuất khẩu ra nước ngoài. Còn hàng Việt Nam xuất khẩu (VNXK) là tên gọi chung của các loại quần áo, giày dép, túi xách được gia công tại Việt Nam nhưng toàn bộ nguyên vật liệu đều nhập khẩu về từ các hãng (thương hiệu). Quá trình sản xuất, kiểm định mặt hàng này rất nghiêm ngặt đến khi đạt yêu cầu mới được xuất đi.

Một cửa hàng bán quần áo “Made in Việt Nam”, VNXK.
Một cửa hàng bán quần áo “Made in Vietnam”, VNXK.

Hiện nay, hầu hết các cửa hàng “Made in Vietnam” hoặc VNXK đều quảng cáo hàng bán đều là xịn, xuất chuẩn. Khi được hỏi về nguồn gốc các mặt hàng này có từ đâu, chủ shop VNXK ở đường Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy nói: “Bán hàng này là phải có mối em ạ. Tìm được mối hàng tốt mới có nhiều hàng tuồn ra cho mình bán. Nhưng tùy thời điểm mới có hàng đẹp, chủ yếu là hàng nhà máy sản xuất ‘nhái’ theo mẫu của hãng đặt may. May mắn thì có hàng xuất dư (thừa nguyên vật liệu nên nhà máy sản xuất thêm – PV), hàng mẫu (loại chỉ có một chiếc - PV)”.

Chiêu trò cắt mác, thay tên đổi họ cho sản phẩm

Chị My Lan, 24 tuổi, hiện là một nhân viên văn phòng tại Hà Nội phản ánh: “Không tin tưởng quần áo Trung Quốc, từ lâu mình chuyển sang dùng hàng Việt Nam, thường là VNXK của các hãng như Mango, Zara, Forever 21...”. Tuy nhiên, gần đây chị phát hiện nhiều chiếc áo, váy mua về nhà có hiện tượng mác gắn ở cổ áo bị cắt một nửa. Lật tìm trong thân áo chị mới bất ngờ phát hiện có dòng chữ “Made in China” in chìm trên mác.

Chị xem lại tất cả quần áo đã mua ở cửa hàng này thì thấy vài chiếc có hiện tương tương tự như vậy, thậm chí có chiếc trên mác còn bị khoét một chỗ nhỏ rất khéo và khó phát hiện. Nhưng quần áo đã mặc rồi nên chị chỉ “ngậm bồ hòn làm ngọt”, biết để tránh cửa hàng đó ra, và rút ra được kinh nghiệm mua hàng cho bản thân.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chiêu trò cắt mác, khoét mác, hay mác gắn ở cổ là “Made in Vietnam” nhưng ở trong thân áo lại là “Made in China” là rất phổ biến. Thậm chí, nhiều cửa hàng còn đầu tư in mác mới, thay đồng bộ để đánh lừa người tiêu dùng. Tuy nhiên, mác “đểu” thường dòng chữ  “Made in Vietnam” rất mờ, dễ phai khi giặt chứ không được thêu, in rõ nét như hàng chuẩn. Nếu khách hàng không tinh ý sẽ khó phát hiện.

Không chỉ vậy, giá cả của loại hàng VNXK thường không ổn định. Cùng mẫu mã, một số cửa hàng bán khá rẻ nhiều shop lại thổi cao hơn hàng trăm ngàn đồng. Họ đưa ra nhiều lý do để giữ khách như: Kiểu lạ, độc đáo chỉ có một chiếc, hay giống hàng hiệu đến 99%.... Đặc biệt, có cửa hàng còn biến hàng VNXK, có xuất xứ Trung Quốc thành hàng hiệu nhập khẩu để bán cho khách với giá cao.

Thậm chí, nhiều chiếc áo bị khoét mác rất tinh vi.
Nhiều chiếc áo bị khoét mác rất tinh vi.

Bạn Nguyễn Liên, sinh viên năm cuối đại học Sư phạm Hà Nội bức xúc: “Mình mới mua một chiếc quần hiệu Zara tại cửa hàng ở phố Nghĩa Tân với giá 540.000 đồng. Là khách quen, nên khi chủ shop giới thiệu hàng mới, chuẩn hàng hiệu, chỉ có một chiếc duy nhất, thấy đẹp nên mình mua ngay. Ai ngờ khi về nhà, lên mạng xem thì shop online nào cũng bán, kiểu dáng, mác y hệt giá chỉ 230.000 đồng”. Liên mở mác chiếc quần mới mua ra xem nguồn gốc thì tá hỏa mác đã bị cắt, xén một nửa.

T.Anh

Bạn có thể quan tâm