Bình luận
Từng có ý kiến than phiền về vấn đề thay đổi ở đội tuyển Việt Nam, khi nhân sự vẫn là những con người cũ mà không có sự thay đổi nào, kể cả ở thời điểm nhân sự sứt mẻ. HLV Park Hang-seo vẫn cố gắng dùng "thương binh" thay vì những cái tên mới mẻ hơn.
Vấn đề khoảng cách trình độ đã được ông thầy người Hàn Quốc nhắc đến. Khi U23 Việt Nam thi đấu tại vòng loại giải châu Á, rồi những sự thử nghiệm mang lại thất bại, bức tranh càng được khắc họa rõ nét.
Những thay đổi thất bại
Phan Văn Đức ngồi dự bị ở trận tuyển Việt Nam thua Nhật Bản tối 11/11 và vào sân từ phút 46, thay thế Nguyễn Tuấn Anh. Tiền vệ người Nghệ An có 38 phút đáng quên trên sân Mỹ Đình, trước khi rời sân nhường chỗ cho Lương Xuân Trường.
Ở vị trí lệch trái trong hàng tiền vệ 3 người, Văn Đức không có cú dứt điểm nào, không một lần đi bóng thành công. Anh thực hiện 8 đường chuyền (5 thành công), nhưng chỉ một trong số đó hướng lên nửa sân của tuyển Nhật Bản. Văn Đức mất tích ở nhiều thời điểm, khi phải đối mặt với tuyển Nhật Bản đẳng cấp hơn.
Hai Long là điểm sáng hiếm hoi ở U23 Việt Nam. Ảnh: VFF. |
Đó cũng là lần đầu tiên, nhà cầm quân người Hàn Quốc phải rút một cầu thủ dự bị rời sân. Quyết định của ông không khác sự thừa nhận thất bại trong tính toán của mình.
Trong tay HLV Park, không có cầu thủ U23 nào phù hợp với vị trí đó. Nguyễn Hai Long, Nguyễn Hữu Thắng hay Nguyễn Trọng Long không có tên trong thành phần bổ sung lên tuyển Việt Nam, còn Lý Công Hoàng Anh bị gạch tên trong danh sách đăng ký cho trận đấu.
Ngay cả khi ông Park có những cầu thủ trong tay để phục vụ ý tưởng chiến thuật, sự thay đổi của ông cũng không tạo ra sự khác biệt mang tính tích cực. Thậm chí, việc trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ nhận về thất bại nặng nề.
Trước tuyển Trung Quốc, HLV Park rút Bùi Tiến Dũng ra nghỉ và trao cơ hội cho Nguyễn Thanh Bình. Kết quả là cầu thủ sinh năm 2000 trực tiếp mắc lỗi dẫn đến 2 bàn thua, đều cùng kịch bản không thể theo kèm Wu Lei. Chung cuộc tuyển Việt Nam thất bại 2-3.
Đến trận gặp Oman, Nguyễn Văn Toản lần đầu được ra sân trong màu áo tuyển Việt Nam. Bàn thua ở phút 49 từ chấm phạt góc của đối thủ cho thấy rõ vấn đề kinh nghiệm của thủ môn người Hải Phòng. Khi đó, tỷ số đang là 1-1, và tuyển Việt Nam chơi không quá lép vế so với đội chủ nhà.
Trước khi quyết định trao cơ hội cho lứa U23, HLV Park nhiều lần triệu tập các cầu thủ trẻ lên tuyển. Ông cũng hứng chịu nhiều áp lực về sự thay đổi khi lực lượng bị sứt mẻ và đã lên tiếng thanh minh vấn đề chất lượng đội hình không đảm bảo.
Cần thêm nhiều thời gian
Trong bối cảnh tuyển Việt Nam không đạt kết quả tốt sau trước những đối thủ được đánh giá cao hơn hẳn, U23 Việt Nam bước vào vòng loại U23 châu Á 2022 ở bảng đấu được coi là dễ thở, khi chỉ phải đối đầu Đài Loan (Trung Quốc) và Myanmar.
U23 Việt Nam có hơn 2 tháng tập trung, rèn giũa các mảng miếng chiến thuật. Trước ngày khởi tranh, đoàn quân của thầy Park còn có 2 trận giao hữu quốc tế với Tajikistan và Kyrgyzstan. Những sự lập bập, thiếu gắn kết ở 2 trận đấu bản lề có thể được giải thích bởi nhiều lý do. Điểm rơi phong độ, thử nghiệm chiến thuật cũng như con người hay kể cả giấu bài đều là lời lý giải hợp lý.
U23 Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn về trình độ so với đàn anh. Ảnh: Việt Hùng. |
Bước vào giải đấu chính thức, Hai Long và đồng đội toàn thắng, nhưng những gì họ thể hiện là tương đối thất vọng. U23 Việt Nam không có bài vở rõ ràng, bế tắc và thiếu chính xác đến ngạc nhiên. Cả 2 bàn thắng của U23 Việt Nam đều xuất phát từ những khoảnh khác lóe sáng của cá nhân hơn là dấu ấn chiến thuật.
Ngay sau vòng loại U23 châu Á 2022, bình luận viên Ngô Quang Tùng đã chỉ ra vấn đề: "Khoảng 3 tháng chuẩn bị cho giải đấu là tương đối dài. Nhưng chỉ vậy thôi là chưa đủ. Suốt thời gian đó, U23 Việt Nam chủ yếu tập chay. Các cầu thủ mất đi cảm giác chơi bóng, dẫn tới những sai số lớn".
"Hai Long và Lê Văn Xuân là những cá biệt ở U23 Việt Nam hiện tại. Họ chơi khá nổi bật. Hai cầu thủ này cũng được chơi nhiều trận ở V.League. Kinh nghiệm và bản lĩnh trận mạc là một phần. Quan trọng hơn, họ giữ được cảm giác bóng".
Đồng quan điểm, chuyên gia Phan Anh Tú cho rằng các cầu thủ trẻ cần được tạo điều kiện nhiều hơn, từ đó tích lũy kinh nghiệm cũng như phát triển năng lực bản thân. "Khi cầu thủ được chơi thường xuyên dưới áp lực lớn, trình độ sẽ được cải thiện. Nhìn sang Nhật Bản, chúng ta có thể thấy rõ việc đó. Những cầu thủ chơi bóng ở châu Âu, ở đẳng cấp cao, rõ ràng là có trình độ vượt trội so với tuyển Việt Nam dù ở tầm cao của khu vực", ông nói.
Cơ hội nào cho cầu thủ U23
Ông Tú cũng cho rằng lực lượng là vấn đề lớn ở tuyển Việt Nam, nhưng yêu cầu sự thay đổi trong một sớm một chiều là điều không thể. "Ở bất cứ nền bóng đá nào cũng vậy, sự thay đổi chỉ đến một cách dễ dàng khi họ chịu thất bại. Ngược lại, khi đội bóng ổn định và có thành tích, không HLV nào muốn làm điều đó. Chúng ta cũng không thể yêu cầu cầu thủ trẻ vụt sáng trở thành ngôi sao ngay lập tức, khi chưa có đủ thời gian chuẩn bị", cựu lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khẳng định.
Để giải bài toán lực lượng ở tuyển Việt Nam, ông Tú cho rằng cần nhiều thời gian, để các cầu thủ trẻ được rèn giũa. "HLV cần trao thêm nhiều cơ hội, cấy ghép vào đội hình những cầu thủ trẻ để họ làm quen dần. Trường hợp Nguyễn Hoàng Đức là ví dụ. Anh ta tiến bộ rõ nét trong khoảng một năm vừa qua, sau thời gian dài dự bị cho đàn anh", ông nói.
Những cá nhân như Hữu Thắng vẫn còn tiềm năng phát triển. Ảnh: Việt Hùng. |
Cả BLV Quang Tùng và chuyên gia Phan Anh Tú có cùng quan điểm U23 Việt Nam hiện tại không có cá nhân nào kiệt xuất như đàn anh Quang Hải, Công Phượng hay Xuân Trường. Song họ vẫn còn cơ hội phát triển hơn trong tương lai.
"Từ các lứa trẻ, Quang Hải luôn được lựa chọn. Mỗi năm, cậu ta đá vài chục trận, chắc chắn là yếu tố phát triển bản thân phải hơn những cầu thủ cả năm không được ra sân. Nên nhớ, tình cảnh hiện tại là bất khả kháng khi các giải đấu trẻ chưa thể diễn ra bình thường bởi đại dịch", Quang Tùng nói.
Còn ông Phan Anh Tú nêu quan điểm chưa thể khẳng định U23 Việt Nam có chất lượng kém khi họ vẫn là những cầu thủ trẻ và đang ở giai đoạn phát triển. "Nếu có môi trường tốt, được rèn luyện, biết đâu đấy họ sẽ có sự phát triển vượt bậc", ông nói.
Danh sách 23 cầu thủ ban đầu cho trận gặp Nhật Bản chỉ có Lê Văn Xuân thuộc lứa U23 Việt Nam. Sau đó, ông thầy người Hàn Quốc điền tên Nguyễn Thanh Bình thay thế Trần Đình Trọng. Cả 2 không được vào sân phút nào. Họ không phải là lựa chọn ưu tiên.
Sau trận đấu với tuyển Nhật Bản, HLV Park gạch tên Văn Toản và Nhâm Mạnh Dũng, rồi Hồ Thanh Minh là người tiếp theo rời đội tuyển. Cơ hội cho lứa U23 ở tuyển Việt Nam ngày càng hẹp.
Với tình hình lực lượng hiện tại, những cầu thủ U23, dù được đăng ký thi đấu, cũng chỉ mang tính dự phòng. Đình Trọng chưa thể thi đấu, Thanh Bình mới được điền tên là minh chứng. Lê Văn Xuân chơi hay ở cánh trái trong màu áo U23 Việt Nam. Song ở tuyển Việt Nam, vị trí này còn có Nguyễn Phong Hồng Duy và Phạm Xuân Mạnh. Đó là chưa kể khi Văn Hậu và Trọng Hoàng trở lại, cơ hội cho Văn Xuân sẽ còn thấp hơn nhiều.