Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Khoảng trống Quang Hải, Công Phượng để lại ở U22 Việt Nam

Sau khi Công Phượng, Quang Hải chia tay lứa U22 và U23, HLV Park Hang-seo luôn tìm kiếm những cầu thủ hộ công chất lượng cho đội tuyển.

Phân tích

Tuyen Viet Nam U22 Viet Nam anh 1

“Chúng tôi đá 3 trận và chỉ ghi được một bàn. Rõ ràng, còn rất nhiều việc cần làm để U23 Việt Nam có một đội hình tốt” là những điều HLV Park Hang-seo đã nói sau khi U23 Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng giải châu Á hồi đầu năm.

Ba trận trước UAE, Jordan và CHDCND Triều Tiên, U23 Việt Nam chỉ ghi một bàn, hiệu suất trung bình 0,33 bàn mỗi trận.

Hai năm trước đó, trên hành trình Thường Châu kỳ diệu, U23 Việt Nam ghi 8 bàn sau 6 trận, hiệu suất 1,33 bàn mỗi trận.

Không phải phòng ngự, tấn công mới là vấn đề của các lứa U22 và U23 Việt Nam.

Đâu rồi những cầu thủ “mũi kim”?

U23 châu Á là giải đấu đặc biệt của HLV Park Hang-seo. Đặc biệt không chỉ bởi đó là lần đầu một đội tuyển của ông dừng bước ở vòng bảng, đặc biệt còn bởi đó là lần đầu tiên từ khi tới Việt Nam, một đội tuyển của ông Park phải chơi với 2 tiền đạo cắm trên hàng công, Hà Đức Chinh và Nguyễn Tiến Linh, điều chưa từng diễn ra trước đó ở tuyển Việt Nam và lứa Thường Châu.

Ông Park buộc phải thay đổi hệ thống tấn công của đội tuyển sau khi Nguyễn Công Phượng, Phan Văn Đức và Nguyễn Văn Toàn đều đã quá tuổi. Còn một mình Nguyễn Quang Hải, U23 Việt Nam không còn đủ sức duy trì hệ thống 3-4-3 với 2 hộ công. Đội tuyển buộc phải thay đổi sang sơ đồ 2 tiền đạo cắm.

Tuyen Viet Nam U22 Viet Nam anh 2

U22 Việt Nam hiện không còn cầu thủ hộ công nào ở đẳng cấp tương đương Quang Hải (trái), Công Phượng. Ảnh: Minh Chiến.

Nghịch lý nằm ở chỗ càng chơi với nhiều tiền đạo, U23 Việt Nam càng gặp khó khăn trong khâu ghi bàn.

Đội U23 ở giải châu Á vừa qua thủng lưới 2 bàn sau 3 trận, tức 0,66 bàn mỗi trận.

Đội U23 ở Thường Châu thua 9 bàn sau 6 trận, tức 1,3 bàn mỗi trận.

Tuy nhiên, đội đầu tiên bị loại ngay vòng bảng. Đội thứ hai đi tới trận chung kết. Nghĩa là với đội tuyển của thầy Park, phòng ngự tốt chỉ là điều kiện cần, tấn công hay mới là điều kiện đủ để có chiến thắng.

Thất bại của U23 Việt Nam ở giải châu Á gắn liền với sự thiếu vắng những cầu thủ “mũi kim”, mẫu tiền vệ công - tiền đạo lùi khéo léo, tốc độ, có khả năng di chuyển, kết nối hàng tiền vệ và tiền đạo. Các đội tuyển Việt Nam thành công trong lịch sử đều sở hữu những cầu thủ như vậy. Đó là Nguyễn Hồng Sơn, Văn Sỹ Hùng của “Thế hệ vàng 1998”, Phạm Văn Quyến, Lê Công Vinh (trong giai đoạn đầu sự nghiệp) của thế hệ 2005-2008 hay chính Quang Hải, Nguyễn Công Phượng của lứa Thường Châu.

Vấn đề này đã xuất hiện ngay từ SEA Games 2019, giải đấu mà U22 Việt Nam lên ngôi vô địch, nhưng được xử lý tạm thời bằng sự xuất hiện của các tuyển thủ quốc gia quá tuổi. Tới U23 châu Á sau đó một tháng, khi không còn Đỗ Hùng Dũng và Nguyễn Trọng Hoàng, ông Park buộc phải kéo Quang Hải về giữa sân, đó là lúc vấn đề xuất hiện.

So với lúc đó, vấn đề hiện tại còn trầm trọng hơn khi Quang Hải đã chia tay các đội tuyển trẻ. Cuộc tìm kiếm những cầu thủ “mũi kim” càng trở thành vấn đề lớn hơn của ông Park.

Tuyen Viet Nam U22 Viet Nam anh 3

Hữu Thắng tiến bộ nhờ được thi đấu nhiều. Anh vừa giành giải Cầu thủ hay nhất U21 Quốc gia 2020. Ảnh: VFF.

Phòng ngự và tấn công của ông Park

Phòng ngự thực ra chưa từng là vấn đề của ông Park. Năng lực ấy càng được chứng minh ở U23 châu Á khi đội tuyển không còn Đỗ Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng, Đoàn Văn Hậu... Với rất nhiều cầu thủ mới, nhiều người chưa đá chính ở V.League, một số còn ngụp lặn tại hạng Nhất, U22 Việt Nam vẫn dễ dàng tạo nên một hàng thủ mạnh. Các chỉ số phòng ngự của U23 Việt Nam 2020 ấn tượng và vượt xa U23 năm 2018.

Triết lý bóng đá đề cao kỷ luật, tính tập thể giúp ông dễ dàng trong việc xây dựng và tổ chức các hệ thống phòng ngự. Khi đã tập trung quá nhiều cho hàng thủ, ông Park cần những cầu thủ kết nối, chuyển trạng thái, những người có khả năng tạo đột biến cho hàng công. Bởi không có những con người ấy, U23 Việt Nam đã thất bại ở giải châu Á.

Đó là lý do tiền vệ trẻ Nguyễn Hữu Thắng nhận được nhiều kỳ vọng đến vậy chỉ sau một trận đấu ấn tượng trước đàn anh tuyển Việt Nam.

90 phút ở sân Cẩm Phả, Hữu Thắng để lại hai dấu ấn lớn. Đầu tiên là đường kiến tạo một chạm bằng chân trái, đưa bóng vào khe giữa hai trung vệ để Trần Văn Đạt thoải mái dứt điểm mở tỷ số. Thứ hai là cú sút phạt đền lạnh lùng cùng màn ăn mừng rất điềm tĩnh.

Đối mặt với những đàn anh dày dạn ở đội tuyển, Hữu Thắng và các tuyển thủ U22 chơi không tệ. Họ dám cầm bóng, xử lý khó, tấn công và đã ghi 2 bàn. Đó là sự tự tin mà ông Park cần thấy ở những người có thể trở thành đồng đội với các tuyển thủ trong tương lai rất gần trước mặt.

Điều thú vị là chính phát hiện Hữu Thắng ấy cũng có mặt trong đội hình U23 Việt Nam ở giải châu Á hồi đầu năm. Trên đất Thái Lan, anh không được vào sân dù chỉ một lần. Trong các buổi tập, thể hiện của anh cũng không đủ ấn tượng. Vậy điều gì đã diễn ra trong một năm ấy?

Giải hạng Nhất đang trở thành cái nôi của giấc mơ SEA Games 2021 khi hàng loạt tài năng U22 đã được thi đấu bắt đầu từ mùa giải hạng Nhất 2020. Các CLB mạnh như Phố Hiến, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Khánh Hòa đều dành cho cho những tài năng trẻ. Làn sóng ấy sẽ còn mạnh mẽ hơn khi CLB Phú Thọ và có thể cả Công an Nhân dân thăng hạng 2021.

Hữu Thắng, Công Đến, hai ngôi sao U22 Việt Nam tỏa sáng ở Cẩm Phả, đều đã trưởng thành vượt bậc sau mùa hạng Nhất vừa qua.

Năm vừa qua, Hữu Thắng cùng 4 tài năng trẻ khác được CLB Viettel cho Bình Định mượn ở giải hạng Nhất. Tiền vệ sinh năm 2000 chơi 14 trận, ghi 6 bàn, giúp đội bóng của HLV Nguyễn Đức Thắng giành ngôi vô địch và lên V.League. Sau đó, anh tiếp tục cùng U21 Viettel vô địch giải quốc gia đồng thời giành danh hiệu Cầu thủ hay nhất. 2020 là năm đầu tiên trong sự nghiệp, Hữu Thắng được thi đấu nhiều đến thế.

Con đường trưởng thành của Hữu Thắng không khác nhiều đồng đội cùng trang lứa ở đội U22. Trước đó, Bùi Hoàng Việt Anh, Lê Văn Xuân, Nguyễn Văn Toản, Nguyễn Hai Long đều đã đạt được bước đột phá về chuyên môn nhờ việc được ra sân thường xuyên tại V.League và giải hạng Nhất.

Tin vui cho HLV Park Hang-seo là nhiều cầu thủ U22 khác sẽ tiếp tục được thi đấu đỉnh cao ở mùa giải 2021. Ngoài Hữu Thắng đã lên V.League, Lê Minh Bình cũng có nhiều tiến bộ khi được đá chính ở CLB Bà Rịa - Vũng Tàu, Huỳnh Công Đến vừa gia nhập Đà Nẵng, Võ Nguyên Hoàng, Nguyễn Trần Việt Cường bắt đầu được ra sân tại đội Sài Gòn và Bình Dương.

Trước đó, U23 Việt Nam ở Thường Châu đã trưởng thành vượt bậc khi liên tục được ra sân ở cấp độ U19, U23 và V.League. Lứa U22 này không có nhiều thời gian như vậy, nhưng vẫn còn một năm nữa để tiến bộ.

Sự trưởng thành của họ trong một năm tới sẽ quyết định cơ hội bảo vệ HCV SEA Games của U22 Việt Nam.

Trận đấu ở Cẩm Phả đã kết thúc với tỷ số 3-2 nghiêng về tuyển Việt Nam trước U22 Việt Nam. Trận “lượt về” sẽ diễn ra lúc 17h ngày 27/12 trên sân Việt Trì (Phú Thọ).

Hàng trăm người hâm mộ đến xem 2 đội tuyển Việt Nam

Việc ông Park Hang-seo tuyên bố tuyển Việt Nam sẽ sử dụng lực lượng mạnh nhất góp phần giúp cả hai đội nhận sự quan tâm lớn trong buổi tập tại Phú Thọ.

Đứt gãy thế hệ giữa tuyển Việt Nam và U22 Quốc gia

90 phút chiều nay có thể mang tới hình dung rõ ràng về khoảng cách giữa tuyển Việt Nam và đội U22 của HLV Park Hang-seo.

Vé xem tuyển Việt Nam ở Phú Thọ bị đẩy giá gấp 4 lần

Vé mệnh giá 50.000 đồng được bán lại với giá 200.000 đồng trong khi các mệnh giá vé khác cũng bị đẩy lên gấp hai tới ba lần.

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm