Sáng ngày 9/5/2018, đã diễn ra buổi giao lưu với nhà văn đương đại nổi tiếng người Đức Eugen Ruge (tại Nhã Nam Books n’ Coffee số 115-D1 Trần Huy Liệu, Hà Nội).
Chủ đề buổi tọa đàm là vấn đề khoảng cách thế hệ được đề cập đến trong cuốn Thời nắng lịm - tiểu thuyết ra mắt năm 2011 của ông. Cùng nhà văn Eugen Ruge, dịch giả Hoàng Đăng Lãnh và Tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu chia sẻ sự khác biệt trong nhận thức, tình cảm giữa các thế hệ khác nhau ở cả hai nước, trong quá khứ gắn với bối cảnh Bức tường Berlin sụp đổ, cũng như ở thời đại mới.
Tiểu thuyết Thời nắng lịm qua thăng trầm một gia đình nói lên những đổi thay một đất nước. Ảnh: Khánh Huyền |
Lịch sử Đông Đức vụn vỡ trong câu chuyện thăng trầm của một gia đình bốn thế hệ
Thời nắng lịm là tác phẩm có nhiều yếu tố tự thuật được Eugen Ruge viết khi ông đã ở tuổi năm mươi. Với câu chuyện chân thực về cảnh ngộ đời sống của con người kể qua lời văn khắc khổ, quyết liệt nhưng vẫn đầy cảm xúc, cuốn tiểu thuyết được đánh giá là bản sử thi về Đông Đức nhìn từ căn bếp ngoại ô chứ không phải từ những hành lang quyền lực. Tác phẩm ngay lập tức giành Giải thưởng Sách Đức, được dịch sang hơn 20 thứ tiếng, chuyển thể thành phim.
Bản dịch tiếng Việt được thực hiện bởi dịch giả Hoàng Đăng Lãnh, một tiến sĩ hóa học từng công tác nhiều năm ở Viện nghiên cứu xúc tác ở Đức, và cũng là con trai của giáo sư Hoàng Tuệ - nguyên viện trưởng Viện ngôn ngữ Việt Nam.
Cuốn sách được ra mắt bạn đọc Việt Nam từ cuối năm 2016, thu hút sự quan tâm của độc giả ở nhiều thế hệ, đặc biệt là những bạn trẻ muốn tìm hiểu về lịch sử của một đất nước đã từng rất gắn bó với cha ông mình trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Câu chuyện xoay quanh bốn thế hệ trong một gia đình Đông Đức suốt chiều dài lịch sử nửa thể kỷ biến động cùng đất nước và sự thay đổi chế độ chính trị ở Châu Âu. Wilhelm và Charlotte là hai đảng viên kỳ cựu, xuất thân cần lao, từng chạy trốn qua Mexico khi phát xít Đức đàn áp cộng sản. Khi chế độ lập lại, họ được gọi về Đông Berlin làm Viện trưởng Viện Hàn lâm.
Nhà văn chia sẻ đây cũng là thế hệ có nhận thức đã trở nên khô cứng, không có khả năng tiếp nhận thêm góc nhìn nào mới nữa, trong khi con cái họ là những người trưởng thành trong thời kỳ chiến tranh, được chứng kiến cả mặt tốt lẫn mặt xấu của chế độ. Họ là thế hệ thứ hai: Kurt, con riêng của Charlotte với chồng trước, bị đày đi Siberia 15 năm vì một câu nói đùa, sau này lại trở thành nhà sử học tăm tiếng của đất nước; và Irina, con gái ngoài giá thú của bà Nadezhda Ivanovna, sinh ở làng miền núi Ural nghèo khó thuộc Liên bang Nga, sau khi cùng Kurt về Đông Berlin lại trở nên tôn thờ cuộc sống trưởng giả, ham vật chất xa hoa, nghiện rượu…
Thế hệ thứ ba là Alexander, con trai của Kurt và Irina, đã vỡ mộng về giấc mộng thiên đường xã hội chủ nghĩa của các thế hệ trước và sang Tây Đức ngay trước khi bức tường Berlin sụp đổ, rồi sau đó sống một cuộc đời hoang mang đổ vỡ. Thế hệ cuối cùng như Markus, đứa con sinh ra từ một trong các cuộc hôn nhân thất bại của Alexander đã hoàn toàn mất kết nối với quá khứ của cha ông, không còn quan tâm đến những gì đang xảy ra với đất nước và gia đình của mình mà chỉ mong ngóng học theo những thú vui vô nghĩa được du nhập vào nước Đức mới từ nền văn hóa đại chúng Mỹ - cần sa và nhạc disco…
Tiểu thuyết được viết thành các chương ngắn, luân chuyển qua các điểm nhìn khác nhau tại các mốc thời gian khác nhau, nhưng có hai mốc chính trở đi trở lại là năm 1989, lễ kỷ niệm sinh nhật 90 tuổi và cũng là lễ trao huân chương Tổ quốc ghi công hạng nhất cho Wilhelm, diễn ra ngay trước khi Bức tường Berlin sụp đổ; và năm 2001, khi Alexander vừa được chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối, lấy hết tiền của Kurt để rời bỏ cuộc đời cũ đã mục nát của mình, hướng tới Mexico nơi mà thế hệ ông bà anh từng rời bỏ với mong muốn tìm lại được chút thanh thản cho tâm hồn.
Tác giả Eugen Ruge (thứ 2 từ trái qua) cùng dịch giả Hoàng Đăng Lãnh, TS văn học Trần Ngọc Hiếu trao đổi với độc giả hôm 9/5 tại Hà Nội. |
Tất cả những gì xảy ra trong truyện cũng là những gì mà chính tác giả đã từng trải nghiệm. Ông kể lại những hy vọng của người dân Đông Đức khi hai nước hợp nhất, họ những tưởng rằng điều tốt đẹp nhất của cả hai chế độ sẽ được cộng hợp lại để tạo ra một xã hội mới hoàn hảo hơn, nhưng thực tế lại cho thấy dường như những gì xấu xa nhất lại cộng hưởng với nhau và làm cho cuộc sống ngày càng đổ vỡ, khủng hoảng. Mô hình chủ nghĩa xã hội sụp đổ ở Đông Âu, nhưng chủ nghĩa tư bản với những suy nghĩ thực dụng, tôn thờ vật chất, ô nhiễm môi trường, đầy mâu thuẫn nội tại cũng chẳng phải là không có mặt trái.
Eugen Ruge chia sẻ cuộc khủng hoảng của thế hệ thứ ba như Alexander rất giống với ông, mặc dù quan điểm chính trị của ông không đồng nhất với nhân vật này. Căn bệnh ung thư mà Alexander mắc phải cũng là ẩn dụ cho căn bệnh vô phương cứu chữa của xã hội, đó là sự khủng hoảng giá trị sống đặc trưng trong thời kỳ hậu sáp nhập.
Đối với bản thân tác giả, cảm xúc khi chứng kiến Bức tường Berlin sụp đổ là sự trộn lẫn giữa tâm trạng nhẹ nhõm vì được giải phóng khỏi những tư tưởng áp đặt cứng nhắc của chế độ cũ với cảm giác mất mát vì tất cả những gì gắn với 35 năm cuộc đời thanh xuân đẹp đẽ nhất của ông đã không còn.
Càng sống trong xã hội tư bản chủ nghĩa, Eugen Ruge lại càng hiểu lý tưởng của những thế hệ đi trước đã cố gắng xây dựng đất nước Đông Đức là gì, tuy nhiên ông khẳng định chắc chắn một điều là không một người dân Đức nào muốn quay lại quá khứ như trước nữa.
Những chấn thương tương tự đã và đang diễn ra ở Việt Nam
Eugen Ruge đã tìm hiểu nhiều về Việt Nam qua internet trước khi đến và rất ấn tượng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế, đời sống văn hóa xã hội của người dân. Việt Nam trong mắt ông hiện giờ là một đất nước hiện đại với đầy đủ mọi yếu tố vật chất đã xuất hiện trong xã hội không khác gì các nước phương Tây, và ông rất nóng lòng muốn nghe chia sẻ từ phía những độc giả đến tham dự sự kiện để được biết nhiều hơn về những gì đã diễn ra trong quá trình thay đổi ấy.
Khi được tác giả Eugen Ruge hỏi về việc liệu có hay không sự khác biệt về tư tưởng của các thế hệ ở Việt Nam, Tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu đã chia sẻ về câu chuyện tương tự diễn ra sau Đổi mới được phản ánh trong các tác phẩm văn học và điện ảnh từ cuối thập niên 80 đến nay.
Nổi bật nhất là bộ phim Hãy tha thứ cho em (1993) của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, kể về một nữ sinh viên xinh đẹp đại diện cho thế hệ trẻ lớn lên trong thời bình, bắt đầu bị cám dỗ bởi chủ nghĩa thực dụng và làn sóng vật chất tràn vào nền kinh tế tiêu điều của Việt Nam sau khi vừa mở cửa. Bộ phim thể hiện sự lo ngại của thế hệ đi trước về thế hệ sau, dù chỉ cách nhau hơn 20 năm nhưng người trẻ cũng không thể nào thấu hiểu được những gì cha anh mình đã làm, đã nghĩ và có xu hướng bàng quan, không quan tâm tìm hiểu lịch sử.
Chủ đề hiện tại đối diện với quá khứ, quan hệ đối chọi, không thông cảm giữa tuổi trẻ Việt Nam hôm nay và những thế hệ cha anh, trong bối cảnh một xã hội không ngừng chuyển biến, chông chênh trước những làn sóng tư tưởng ngoại lai cũng là một chủ đề xuất hiện nhiều trong văn học hiện đại. Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu gợi ý các bạn trẻ có thể tìm đọc các tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh (1987) của nhà văn Bảo Ninh, hay truyện ngắn Mưa rơi của nhà văn Phan Thị Vàng Anh để hiểu thêm về mối quan hệ đối chọi giữa quá khứ và hiện tại bắt nguồn từ sự thiếu khoan dung và cảm thông giữa các thế hệ với nhau.
Theo TS Trần Ngọc Hiếu, những chông chênh trước làn sóng tư tưởng ngoại lai có trong Nỗi buồn chiến tranh. |
Sang thế kỷ 21, một lớp người mới ra đời và trưởng thành cùng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế và đời sống xã hội chưa từng có ở Việt Nam trước kia. Thay vì tôn thờ chủ nghĩa thực dụng, tiêu dùng và vật chất như đầu thập kỷ 90, càng ngày lại càng có nhiều bạn trẻ cảm thấy áp lực với lối sống này và tìm cách thoát ra.
Dòng văn học du ký nở rộ ở Việt Nam những năm qua đã thể hiện phần nào phản ứng của một bộ phận thanh niên có tư tưởng mới mẻ trước mặt trái của phát triển nóng về kinh tế. Mới đây nhất là cuốn sách Trở về hoang dã của tác giả Trang Nguyễn được phát hành, chia sẻ về hành trình theo đuổi đam mê bảo vệ động vật hoang dã và lối sống tôn trọng thiên nhiên, xa rời chủ nghĩa tiêu dùng và những giá trị vật chất xa hoa không cần thiết.
Dù ở giai đoạn nào thì lịch sử được nhắc đến cũng chỉ là những khái niệm chung, nhưng những giao cắt trực tiếp của lịch sử lên cuộc đời các cá nhân sống trong thời đại ấy cũng không tránh khỏi tạo ra những vết thương, chấn động. Sự chia cắt, phân rã, khủng hoảng diễn ra trong mỗi cá nhân, gia đình trên diện rộng sẽ tạo ra cuộc khủng hoảng chung của toàn xã hội, khiến chúng ta buộc phải dừng lại để suy ngẫm về những giá trị đích thực trong cuộc sống, soi chiếu lại cả quá khứ cũng như nhìn xa về tương lai.
Khác biệt giữa các thế hệ trong cuộc sống hiện đại sẽ ngày càng khó giải quyết
Theo nhà văn Eugen Ruge vấn đề về khoảng cách giữa các thế hệ không thể nào giải quyết triệt để được, nó sẽ luôn luôn tồn tại và thay đổi cùng với sự biến động trong xã hội. Đâu đó trong cuộc sống, mâu thuẫn và khác biệt cũng có thể được hóa giải, thông qua sự mở lòng, chia sẻ và cảm thông với người khác. Tuy nhiên việc này ngày càng khó xảy ra hơn do các thế hệ cách biệt ngày nay hầu như không còn có thể giao lưu với nhau được nữa.
Câu chuyện khoảng cách thế hệ trong Thời nắng lịm có nhiều yếu tố tự thuật của nhà văn Eugen Ruge. |
Ở nước Đức hiện đại có hiện tượng quá trình chuyển giao kinh nghiệm từ thế hệ đi trước cho thế hệ sau bị đứt quãng, do bước vào thời đại công nghệ thông tin, người trẻ chủ yếu làm việc trên máy tính và điện thoại thông minh khiến những kinh nghiệm, kỹ thuật, kỹ năng làm việc của lớp người đi trước trở nên hoàn toàn lỗi thời, không còn sử dụng được nữa.
Điều này khiến cho việc thu hẹp khoảng cách giữa các thế hệ ở Đức càng trở nên khó khăn hơn, nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục đi tìm những cách dung hòa khác biệt giữa các giá trị để có thể cùng chung sống.
Khi được hỏi về tác phẩm mới nhất của ông, cuốn tiểu thuyết Follower (2016) kể về cuộc phiêu lưu viễn tưởng ở một tương lai rất xa của thế giới tư bản với nhân vật chính là cháu nội của Alexander trong truyện Thời nắng lịm liệu có phải là một ý tưởng để tìm lời giải đáp của nhà văn hay không, Eugen Ruge cho rằng đó chỉ là sự tưởng tượng của ông.
Nhà văn không có nghĩa vụ phải đi tìm câu trả lời cho vấn đề của nhân loại, cũng như không có nghĩa vụ phải trả lời những câu hỏi tại sao về hành động hay diễn biến tâm lý trong nhân vật của mình. Khi tác phẩm được viết xong thì ông thấy mình cũng giống như độc giả, phải đọc lại tác phẩm và cũng tự hỏi mình tại sao nhân vật lại trở nên như thế.
Nhà văn Eugen Ruge còn có một cuộc giao lưu khác tại TP.HCM để chuẩn bị cho buổi giới thiệu cuốn sách Thời nắng lịm với bạn đọc vào ngày 14/05/2018.