Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Nhà sử học Dương Trung Quốc: 'Giới trẻ Việt hãy mang sách bên mình'

"Tôi mong người Việt, trong đó có các bạn trẻ hãy như các quốc gia phát triển đó là luôn mang sách bên mình, và dành thời gian để đọc", nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ.

ong Duong Trung Quoc anh 1ong Duong Trung Quoc anh 2

"Tôi mong người Việt, trong đó có các bạn trẻ hãy như các quốc gia phát triển đó là luôn mang sách bên mình, và dành thời gian để đọc", nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ.

Nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc hẹn phóng viên Zing.vn tại phòng làm việc của ông, trong khuôn viên Nhà xuất bản Thế giới. Phòng không rộng nhưng khá nhiều sách, nhà sử học cho biết ông coi việc đọc sách như một thú vui, vừa khiến bản thân thoải mái lại cập nhật được những thông tin mới.

ong Duong Trung Quoc anh 3

- Sách từng ở vị trí “độc tôn” trong việc trao truyền tri thức. Thế hệ của ông, thời mà Internet chưa bùng nổ, sách dường như đã giúp mỗi cá nhân lớn lên và trưởng thành. Nhưng thời nay, khi mạng Internet bùng nổ, con người có quá nhiều kênh để tiếp nhận thông tin và tri thức, theo ông, sách liệu có còn nguyên vẹn giá trị và khả năng truyền cảm hứng, đặc biệt là với người trẻ?

ong Duong Trung Quoc anh 4

- Tôi cho rằng, trải nghiệm thông qua sách luôn là trải nghiệm khác biệt ngay cả khi chúng ta có công cụ rất hiệu quả là mạng Internet. Tại sao sách tồn tại được trong thời kỳ mà chúng ta từng tưởng rằng văn hóc đọc sẽ tuyệt diệt? Đơn giản, vì sách có giá trị của sách.

Thực tế cho thấy, sách và văn hóa đọc không những mất đi mà còn tồn tại và sẽ phát triển hơn nữa với điều kiện sách phải chất lượng và có giá trị hơn nữa. Người trẻ sẽ không khước từ những cuốn sách có giá trị, tôi tin là như vậy.

Các bạn trẻ đọc sách vì sách là nơi trao truyền những nguồn cảm hứng, tạo ra diễn đàn mà với năng lực của tuổi trẻ, họ sẽ nắm bắt được. Khi người trẻ nắm bắt và chấp nhận thử thách, sách là chỗ dựa, là nguồn khích lệ để các bạn trẻ chấp nhận tất cả và bắt đầu hành trình, bắt đầu công việc của mình.

- Ông nhấn mạnh về vai trò truyền cảm hứng của sách với người trẻ. Vậy, nguồn cảm hứng từ sách có gì khác biệt so với những nguồn cảm hứng khác trong cuộc sống?

ong Duong Trung Quoc anh 5

- Có một hình tượng rất hay, rất đẹp khi nói về sách đó là “sách gối đầu giường”. Theo tôi, cái gì có tác động trực tiếp sẽ luôn mang lại hiệu quả.

Bây giờ có nhiều phương tiện, có công nghệ, có mạng để tiếp cận thông tin. Nhưng, mạng Internet, bên cạnh sự tích cực cũng có nhiều sự nhiễu loạn, người ta hay gọi “mạng ảo” là vì thế.

Chúng ta luôn cần những gì rất thực, và sách có thể mang lại. Khi viết sách, tư duy của mỗi người được chắt lọc thông qua ngòi bút, từ ngòi bút viết thành câu chữ, rồi in thành sách, chắc chắn sự chuẩn mực sẽ cao hơn, sẽ đáng tin cậy hơn.

Lướt trên mạng hoàn toàn khác, chúng ta đọc sách chúng ta trân trọng từng dòng chữ, đó là sự khác biệt của sách so với mạng.

Ưu thế của sách là làm tăng thêm hàm lượng tri thức, tăng hiệu quả của tiếp nhận thông tin và sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực. Vì thế cuốn sách mãi mãi đồng hành cùng con người.

ong Duong Trung Quoc anh 6

- Ông có thể tiết lộ về cuốn sách “gối đầu giường” của mình?

- Tôi có cuốn sách “gối đầu giường” liên quan đến nghề nghiệp. Nội dung của cuốn sách nằm giữa thực và giả, giữa nhu cầu của truyền bá giá trị - sự thật lịch sử và nhu cầu phải tuyên truyền.

Trên cơ sở đó, cuốn sách bóc tách được những vấn đề liên quan đến nghề nghiệp của tôi, để làm sao mang lại cho người dân thông tin chân xác, nhất là nhận thức về quá khứ.

Nhưng qua đó, tôi cũng thấy được trách nhiệm với hiện tại và tương lai khi người viết sách cũng phải là một người định hướng.

- Nhiều người trẻ than rằng đọc sách không khó nhưng nắm bắt, lưu trữ và làm chủ được thông tin trong sách không dễ. Từ kinh nghiệm của bản thân, ông có thể đưa ra những gợi ý gì để người trẻ đọc sách hiệu quả?

ong Duong Trung Quoc anh 7

- Nghề nghiệp của tôi buộc mình phải coi sách là công cụ, là phương thức của tồn tại.

Nhiều năm nay, cứ đến Ngày Sách Việt Nam, tôi lại tham gia hoạt động ở Thư viện Quốc gia, tôi sinh hoạt và có những buổi chia sẻ cảm hứng đọc sách cho bạn đọc. Tôi hy vọng có nhiều điều kiện hơn nữa để chia sẻ những kinh nghiệm của mình.

Khi nhận thức được sách có vị thế quan trọng, cầm cuốn sách trên tay sẽ ý nghĩa, và dễ tiếp cận hơn. Bàn phím máy tính thì ở đâu cũng như vậy, những dòng chữ hiện lên không ai đảm bảo được sự hiệu quả. Nhưng nếu đó là cuốn sách, từng dòng chữ, cỡ chữ đến sự minh họa sách cũng sẽ là những yếu tố hấp dẫn.

Sách sẽ còn có nhiều yếu tố tích hợp nữa để hấp dẫn người đọc. Cầm cuốn sách, là sự trân trọng người viết, nhìn tác giả là biết ngay họ muốn mang lại những điều gì.

Thêm nữa, mạng là miễn phí, còn sách là chúng ta phải bỏ tiền ra mua. Mua sách về và để trên giá sách, sự tin cậy chắc chắn nhiều hơn, vì có tin cậy chúng ta mới bỏ tiền ra mua.

- Ở tuổi 70, cách tiếp cận sách của ông khác gì so với thời trẻ?

- Ở tuổi của tôi phải có sự lựa chọn, chúng tôi ý thức được rằng thời gian là ngắn ngủi, và ngày càng rõ nét ở những người cao tuổi.

Thời điểm của chúng tôi, là phải nghĩ đến việc tập hợp những gì thuộc về hiểu biết của mình để trao truyền cho người trẻ, có thể bằng những cách khác nhau. Nhưng không có nghĩa là mình không chịu cập nhật. Cập nhật những thay đổi, những điều mới trong nhận thức xã hội là rất cần thiết.

ong Duong Trung Quoc anh 8

ong Duong Trung Quoc anh 9

- Có ý kiến cho rằng Việt Nam chưa thực sự của văn hóa đọc, người trẻ của Nhật, Mỹ có thể đọc sách trên tầu điện ngầm, trên xe buýt, ghế đá công viên -điều hiếm gặp ở giới trẻ Việt. Quan điểm của ông thế nào?

- Tôi cũng rất mong người Việt, trong đó có các bạn trẻ hãy như các quốc gia phát triển hơn với hành động luôn mang sách theo bên mình. Dành tất cả thời gian có thể để mở trang sách ra và đọc.

ong Duong Trung Quoc anh 10

Đọc sách sẽ tăng thêm hiệu quả cuộc sống và hàm lượng văn hóa, khoa học, và dần dần điều đó sẽ tạo thành thói quen và từ thói quen tạo nên giá trị.

Nhưng nói qua cũng phải nói lại, chúng ta cũng cần phải có một thị trường sách tốt, và sáng tạo trong từng cuốn sách, cần đa dạng các đầu sách.

Một thị trường tốt và đa dạng sẽ là động lực để người trẻ đến với sách, để đọc sách còn là một thú vui. Như tôi, ở tuổi này vẫn coi đọc sách là một thú vui không thể bỏ.

Thêm nữa, theo tôi, sách ở Việt Nam hiện nay còn đắt so với mặt bằng thu nhập của người dân. Sách đắt khiến nhiều người ngại bỏ tiền ra mua, thay vào đó lại tìm đến thông tin miễn phí trên mạng.

Nhưng tôi tin, văn hóa đọc đang được cải thiện. Nhiều sinh hoạt, hoạt động về sách đã góp phần thúc đẩy văn hóa đọc. Đường sách, phố sách, ngày hội sách, giải về sách,… tất cả hoạt động đó đang góp phần phát triển văn hóa đọc và tôn vinh sách.

ong Duong Trung Quoc anh 11

- Ông có nói đến việc muốn phát triển văn hóa đọc thì phải xây dựng thị trường sách tốt. Thị trường sách tốt, như ông phân tích có thể hiểu là thị trường đa dạng với những cuốn sách chất lượng. Vậy theo ông, như thế nào là một cuốn sách chất lượng?

- Một cuốn sách hay, theo tôi phải đáp ứng và trả lời cho người đọc một câu hỏi gì đó. Tất nhiên với người này có thể là hay, người kia lại không hay nhưng nó phải trả lời được câu hỏi, được thắc mắc của mỗi người.

Mỗi cuốn sách là những thẩm thấu khác nhau, có thể là về văn chương, thẩm mỹ, có thể là về khoa học. Ngay trong văn học cũng có người thích văn xuôi, có người thích thơ, nghĩa là mỗi người lại có nhu cầu khác nhau.

Có người đọc để nghiền ngãm, để nghiên cứu, có người lại tiếp cận ở giá trị tinh thần, giải trị. Một thị trường sách tốt là phải đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau như vậy.

ong Duong Trung Quoc anh 12

- Thực tế có những cuốn sách có hàm lượng tri thức cao, có giá trị nhưng lại không hấp dẫn được giới trẻ. Ví dụ như nhiều cuốn sách về lịch sử, được giới nghiên cứu, báo chí đánh giá cao, đoạt các giải thưởng nhưng vẫn bị người trẻ gắn mác “khô khan”. Từ kinh nghiệm viết sách của mình, ông có cách nào để những cuốn sách, trong đó có sách sử đến gần hơn với độc giả trẻ?

- Cần nói rằng, tôi không phải là người viết nhiều sách, so với các đồng nghiệp, kể cả đồng nghiệp trẻ. Trong nghề nghiệp của chúng tôi, viết sách đóng góp rất lớn cho sự phát triển nghề nghiệp, cũng là để phát huy sở trường của mình.

Cá nhân tôi, để tiếp cận công chúng trẻ, ngoài làm sử, tôi còn chọn cách làm báo. Theo tôi, ngòi bút viết báo sẽ truyền tải nội dung lịch sử nhanh, nhạy và dễ xâm nhập với giới trẻ hơn.

Tôi không có những bộ sách lớn, nếu có tôi cũng chỉ là người làm tư liệu sắp xếp lại, vai trò của tôi là giảm bớt yếu tố kinh viện, và tăng hàm lượng cuộc sống. Điều này, giúp sách dễ chia sẻ với cộng đồng, tri thức trong sách dễ đến với người dân.

Và tôi sẽ tiếp tục làm những công việc như vậy, để độc giả hiểu hơn về sử học, về quá khứ. Đó là mong muốn của tôi.

Quang Đức

Đồ hoạ: Hà My

Bạn có thể quan tâm