Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khoảng cách giữa con người và trí tuệ nhân tạo

Thế giới giống một vũ trụ lấy con người làm trung tâm, còn các hình thái trí tuệ nhân tạo hẹp là vệ tinh quay xung quanh.

Theo thời gian, năng lực của các trí tuệ nhân tạo hẹp ngày càng tăng tiến khiến các vệ tinh này lớn dần và khoảng cách giữa chúng với con người ngày càng được rút ngắn.

Tháng 3/2017, Elon Musk công bố ông đang rót tiền cho một công ty mới có tên là Neuralink với mục tiêu một ngày nào đó sẽ tạo ra giao diện vỏ não trực tiếp giữa máy vi tính và bộ não con người.

Theo lập luận của ông, loài người sẽ tránh được nguy cơ tuyệt chủng nếu có thể hợp nhất trí tuệ loài người và trí tuệ của máy móc.

Những công ty như Neuralink không hề hiếm khi các công ty khởi nghiệp tại Thung lũng Silicon đã bắt đầu tiến sâu vào lĩnh vực khoa học thần kinh với mục tiêu nghiên cứu tối thượng là cấy ghép các bộ thụ cảm điện tử vào bộ não con người, xây dựng nên cái mà nhà văn khoa học viễn tưởng Iain M. Banks từng mô tả như một “dải băng thần kinh” liên kết giữa trí tuệ con người với trí tuệ của máy móc.

Hầu hết giới khoa học thần kinh nhất trí rằng chúng ta vẫn còn cách rất xa bất cứ thứ gì giống như “dải băng thần kinh” ấy, nhưng sự phát triển của con người nhờ trí tuệ của máy móc hỗ trợ đang tăng lên rõ rệt.

Ngày nay, tại thời điểm tôi đang viết những dòng này, con người thực sự đang mở rộng khả năng tư duy và những kỹ năng vốn có của mình thông qua trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo tăng cường và công nghệ cảm biến.

Có thể kể đến nhiều hơn những ví dụ thực tế hàng ngày như công nghệ cấy ốc tai nhân tạo (dùng thiết bị y tế điện tử để thay cho đôi tai hỏng) và máy trợ tim (thiết bị giúp kiểm soát nhịp tim bất thường).

co may tri giac anh 1

Bộ phận chụp X-quang tự động được tích hợp trong các thiết bị sẽ giúp bạn nhìn xuyên thấu đồ vật. Ảnh: VNCE.

Những phát triển mới trong các công nghệ thấu kính thực tế ảo, tai nghe gắn micro thực tế ảo, cảm biến thực tế ảo cùng các thuật toán nhận thức và kiểm soát dựa trên trí tuệ nhân tạo dường như đã đem đến cho người trần mắt thịt chúng ta năng lực “siêu nhiên”, trong đó phải kể đến:

• Tầm nhìn bằng tia cực tím/hồng ngoại: Sử dụng trí tuệ nhân tạo để giúp con người cảm nhận được những ánh sáng mà mắt thường không thể nhìn thấy.

• Bộ nhớ âm thanh hoàn hảo: Mọi âm thanh bạn nghe được lưu lại vĩnh viễn theo phân loại và có thể tìm lại dễ dàng nhờ lệnh truy vấn.

• Phép đạc tam giác âm thanh: Mỗi khi bạn nghe thấy một tiếng “bùm” hoặc “bốp”, cặp kính che nắng của bạn sẽ sáng lên và chỉ cho bạn chính xác điểm phát ra âm thanh đó.

• Triệu hồi hình ảnh hoàn hảo: Chỉ cần bạn nhìn lướt qua một biển số xe, những con số và chữ cái trên đó sẽ được lưu lại vĩnh viễn trong bộ nhớ và bạn có thể tìm lại thông tin về chúng bất kỳ lúc nào.

• Nhắc nhở: Trí tuệ nhân tạo luôn đồng hành cùng bạn trong tư duy bằng cách đưa ra những ý tưởng và được tích hợp vào một thiết bị như Fitbit để hỗ trợ bạn hoàn thành những mục tiêu thể chất.

• Góc nhìn theo “nhãn quan của Chúa”: Hình ảnh vệ tinh và máy bay không người lái tích hợp camera hành trình tự động hoàn toàn giống như đôi mắt thứ hai sẽ liên tục chuyển động và truyền trực tiếp hình ảnh về bộ tai nghe gắn micro của bạn.

• Cảm biến LIDAR (phát hiện và đo khoảng cách bằng ánh sáng): Là các phương pháp viễn thám sử dụng ánh sáng dưới dạng xung laze để đo khoảng cách.

• Khả năng phán đoán chính xác chuyển động và tốc độ của bất kỳ vật thể nào ở gần.

• Khả năng nhận biết sóng vô tuyến: Khi phát hiện một sóng vô tuyến bất kỳ trong thinh không, thiết bị sẽ “chộp” lấy nó, giải mã và lưu lại vĩnh viễn trong bộ nhớ theo phân loại.

• Tầm nhìn bằng tia X-quang: Bộ phận chụp X-quang tự động được tích hợp trong các thiết bị sẽ giúp bạn nhìn xuyên thấu đồ vật, chẳng hạn nhìn xuyên qua bức tường của một tòa nhà để phát hiện điểm rò rỉ hoặc các lỗi kỹ thuật khác.

Tuy nhiên, tất cả thành quả trên của sự khai triển vẫn chỉ là những ví dụ tiêu biểu của trí tuệ nhân tạo hẹp. Chúng ta sẽ chỉ đạt được trí tuệ nhân tạo tổng hợp khi những đổi mới trong khoa học máy tính và khoa học kỹ thuật có thể làm chủ được hai điều: Ý định - hoặc khả năng đề ra mục tiêu lớn hơn; và tự nhận thức - hoặc có “tri giác”.

Amir Husain/ Thái Hà Books và NXB Công Thương

SÁCH HAY