Đó là nhận định của TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện công nhân và công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tại hội thảo "Tương lai nào cho người lao động - nhìn từ góc độ an toàn tài chính và an sinh xã hội?" tổ chức ngày 10/6.
Chia sẻ về thực trạng tình hình thu nhập, việc làm của công nhân, ông Tiến cho biết thời gian qua có sự dịch chuyển lao động tích cực, lao động trong khu vực dịch vụ tăng 39%, công nghiệp và xây dựng tăng 34%.
"Mặt khác, tình trạng thiếu việc làm cũng đã giảm so với thời gian trước. Thu nhập người lao động tăng so với quý trước dù chưa đáng kể, bình quân khoảng 6,4 triệu đồng/tháng", ông nói.
Theo TS Vũ Minh Tiến, hiện tỷ lệ doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) chiếm tỷ trọng rất cao đến 95-97%. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại là đối tượng cần đảm bảo an sinh xã hội nhất, cần tham gia BHXH nhất (người thu nhập thấp, người nghèo) thì lại không tham gia.
"Có 11% công nhân lao động thường xuyên phải vay tiền để sinh hoạt hàng tháng, 36% số công nhân lao động thỉnh thoảng phải vay tiền để chi tiêu, khám chữa bệnh... Mặt khác, công nhân lao động làm việc với cường độ cao, kéo dài nhưng tiền lương không cao, nếu không làm thêm giờ họ sẽ không đủ sống, tương lai bấp bênh", ông nêu thực trạng.
Số lao động rút bảo hiểm xã hội một lần giảm mạnh. Ảnh: Minh Khánh. |
Nói về việc người lao động quyết định rút BHXH, ông Tiến cho rằng hàng triệu người lao động phải rút vì cuộc sống quá khó khăn trước mắt. Đồng thời cũng vì lo sợ chính sách BHXH thay đổi và thiệt thòi hơn về sau.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm đã giải quyết BHXH một lần cho 308.100 người, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021. Ước tính đến hết tháng 5, cả nước có 390.397 người giải quyết hưởng BHXH một lần, giảm 40.189 người so với cùng kỳ năm 2021 (giảm 9,4%).
Để giải quyết câu chuyện rút bảo hiểm một lần, ông Nguyễn Duy Cường, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội - Bộ Lao động thương binh và xã hội cho rằng cần phải phối hợp, giải quyết được nhiều góc độ và phải xử lý nhiều chính sách, cốt lõi vấn đề là phải giải quyết tạo việc làm ổn định cho người lao động.
“Tại sao khu vực các doanh nghiệp nhà nước thì số người hưởng BHXH một lần lại ít như vậy, trong khi đó doanh nghiệp khu vực ngoài lại có nhiều người hưởng BHXH một lần và tập trung ở nhóm người sau một năm nghỉ dịch, đó là cốt lõi của vấn đề", ông Cường nói.
Hiện nay, Bộ đang tập trung nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển thị trường lao động, kết nối cung cầu; phát triển các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực....
Đồng thời phát triển thị trường lao động ngoài nước, hướng dẫn các doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng đưa lao động sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) ngay trong đầu tháng 6 này.