Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Khoảng 100.000 người Mỹ ở nước ngoài gặp khó về hộ chiếu

Các dịch vụ lãnh sự cho công dân Mỹ ở nước ngoài gần như bị "đóng băng", do nhiều đại sứ quán Mỹ ngưng dịch vụ này trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành và cắt giảm nhân sự.

nguoi My o nuoc ngoai kho ve My anh 1

Vào tháng 7/2020, khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành, anh Yona Shemesh đặt vé từ Israel trở về Los Angeles để thăm ông bà vào tháng 6/2021. Anh sinh ra ở bang California, nhưng chuyển đến Israel cùng gia đình năm 9 tuổi.

Dù có gần một năm làm thủ tục, tám tháng sau, anh vẫn đang mòn mỏi chờ đợi Đại sứ quán Mỹ ở Jerusalem hỗ trợ gia hạn hộ chiếu.

Cũng trong hoàn cảnh như Shemesh, ước tính hơn 100.000 người Mỹ ở nước ngoài gặp khó trong các thủ tục quốc tịch để trở về Mỹ, theo New York Times.

nguoi My o nuoc ngoai kho ve My anh 2

Giống như nhiều người Mỹ khác, anh Yona Shemesh gặp khó khăn với hồ sơ quốc tịch ở nước ngoài. Ảnh: New York Times.

Đợi chờ "vô tận"

Dù Bộ Ngoại giao Mỹ đang nỗ lực giải quyết, nhiều trụ sở đại diện ngoại giao vẫn đóng cửa dịch vụ với công dân, trừ các trường hợp khẩn cấp.

Trên thực tế, các đại sứ quán và lãnh sự quán của Mỹ ở nước ngoài đang đối mặt với tình trạng cắt giảm nhân sự, cũng như nhiều hạn chế khác trong thời kỳ Covid-19. Do vậy, những người Mỹ sinh con ở nước ngoài hay bị hết hạn hộ chiếu trở nên lo lắng nhiều hơn về lịch hẹn với các sứ quán để được giải quyết vấn đề của mình.

Ông Michael Wildes, một chuyên gia về luật nhập cư, ước tính rằng số lượng người Mỹ mắc kẹt ở nước ngoài lên tới hàng trăm nghìn người.

Ông nói: “Chúng tôi nhận được ít nhất 1.200 cuộc gọi mỗi tuần về vấn đề này, nhiều hơn khoảng 50% so với năm ngoái. Tình hình nghiêm trọng hơn những gì mọi người nghĩ, đây không phải là cách xã hội thế kỷ 21 hoạt động".

Chỉ riêng tại Israel, Đại sứ quán Mỹ có 15.000 hồ sơ gia hạn hoặc xin cấp mới hộ chiếu tồn đọng, theo Jerusalem Post.

Một tổ chức vận động cho người Mỹ ở nước ngoài đã gửi yêu cầu chính thức đến Bộ Ngoại giao vào tháng 10/2020, đòi sự ưu tiên cho người Mỹ tiếp cận các dịch vụ lãnh sự ở nước ngoài. Dù vậy, “mọi người vẫn phải chịu sự chậm trễ”, cô Marylouise Serrato, giám đốc điều hành của tổ chức, cho biết.

nguoi My o nuoc ngoai kho ve My anh 3

Cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ đang đối mặt với tình trạng quá tải hồ sơ quốc tịch. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Czech.

Tại Mexico - quốc gia có nhiều người Mỹ hải ngoại nhất, một thống kê cho thấy không có cuộc tiếp xúc nào của cơ quan ngoại giao với công dân về dịch vụ hộ chiếu, ngay cả trong trường hợp khẩn cấp, kể từ tháng 7/2020.

Trong khi đó, các dịch vụ công dân tại Đại sứ quán Mỹ ở London, bao gồm gia hạn hộ chiếu và xin cấp hộ chiếu Mỹ cho con em sinh ra ở đây, giảm mạnh khi Anh áp dụng trở lại tình trạng phong tỏa xã hội từ mùa thu năm ngoái.

Cô Amanda Brill, một luật sư Mỹ ở London, nói rằng: “Điều này thật khó chịu và căng thẳng nếu bạn là một công dân Mỹ và bạn sinh con trong sáu tháng qua".

Đến đầu tháng 4, 75% lãnh sự quán Mỹ ở nước ngoài vẫn bị đóng cửa một phần. Dù Bộ Ngoại giao Mỹ không công bố số lượng công dân nước này chờ giải quyết vấn đề hộ chiếu, nhiều thách thức tiềm ẩn từ khối lượng lớn công việc tồn đọng vẫn chờ cơ quan này xúc tiến.

Khó khăn trước mắt

Bộ Ngoại giao Mỹ không nói rõ thời gian chờ đợi giải quyết dịch vụ hộ chiếu, nhưng cơ quan này lưu ý người Mỹ nên chuẩn bị cho sự chậm trễ khi nộp các hồ sơ không thuộc diện cấp bách.

Bên cạnh đó, thời gian hoạt động giữa các đại sứ quán cũng khác nhau, vì các biện pháp phòng dịch Covid-19 mỗi nơi quy định mỗi khác.

Ở Mỹ, người trưởng thành có thể xin gia hạn hộ chiếu qua đường bưu điện. Quy trình này kéo dài từ 10 đến 12 tuần.

Trong khi đó, tại một số nước, công dân Mỹ phải nộp hồ sơ trực tiếp, bao gồm giấy thông hành cho trẻ vị thành niên và người có hộ chiếu hết hạn trước 18 tuổi, tại đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Mỹ.

Luật sư Jessica Smith Bobadilla cho biết: “Sự kết hợp giữa các lệnh cấm du lịch thời chính quyền Donald Trump và các hạn chế Covid-19 vẫn còn được áp dụng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khung thời gian, thủ tục xử lý thị thực và hộ chiếu của Bộ Ngoại giao”.

Một hình thức kinh doanh mới?

Anh Shemesh tốn nhiều tháng để đăng nhập vào website của Đại sứ quán Mỹ ở nước này để chuẩn bị hồ sơ. Cuối cùng, khi thời điểm chuyến đi đến gần mà mãi vẫn chưa xong, anh được giới thiệu tới một người môi giới ở Israel. Người này hứa sẽ sắp xếp cho ông một cuộc hẹn trong vòng vài tuần với đại sứ quán, để đổi lấy 450 USD.

Dù Bộ Ngoại giao Mỹ nghiêm cấm các hành vi tương tự, vấn nạn này vẫn rất phổ biến.

David Alwadish, người sáng lập một dịch vụ cấp hộ chiếu và thị thực, cho biết nhiều công ty như của anh quá nhỏ nên rất khó để kiểm soát. “Vì có hệ thống đặt lịch hẹn trực tuyến, bất kỳ ai cũng có thể đăng nhập, đặt các cuộc hẹn này và bán lại. Ở Mỹ, chúng có thể được bán với giá 200-250 USD, nhưng ở nước ngoài, chi phí các cuộc hẹn cao hơn nhiều”, Alwadish nói.

Anh Shemesh bức xúc vì "cố gắng trong tám tháng để có được một cuộc hẹn, và điều đó thực sự vô ích". "Tiền làm thủ tục gia hạn hộ chiếu còn nhiều hơn tiền mua vé đến Los Angeles", anh nói.

Vì vậy, nhiều người Mỹ giống Shemesh đang cân giải pháp này, khi họ không thể chờ đợi các cơ quan ngoại giao ở nhiều nước khác lâu hơn nữa.

Trong khi đó, ngay tại Mỹ, các hồ sơ cấp hộ chiếu cũng đối mặt với tình trạng quá tải. Điều này tạo ra trải nghiệm khó chịu với những người như vợ chồng Dayna và Brian Lee gốc Canada. Họ đang sống ở New York, và vừa có hai bé gái sinh đôi vào đầu tháng 4.

nguoi My o nuoc ngoai kho ve My anh 4

Vợ chồng anh Lee phải rất khó khăn mới xin được quốc tịch cho hai con gái. Ảnh: New York Times.

Các con gái họ đủ điều kiện để có hai quốc tịch Mỹ và Canada nhưng vẫn chưa có hộ chiếu từ một trong hai quốc gia. Trong nhiều tuần sau khi con gái chào đời, vợ chồng anh Lee không thể đặt lịch tại bất kỳ văn phòng cấp hộ chiếu nào của Mỹ xung quanh thành phố New York.

Cuối cùng, họ phải tìm đến một luật sư nhập cư để được giúp đỡ. Anh Lee nói: “Đó là một cảm giác lẫn lộn, căng thẳng hòa với niềm vui sướng tột độ khi có thêm hai sinh mạng chào đời".

Trong khi đó, cô Elizabeth Goss, một luật sư ở Boston, cho rằng tình trạng chậm trễ chậm trễ trong khâu giải quyết hồ sơ thị thực và hộ chiếu Mỹ sẽ kéo dài thêm một năm nữa.

Tòa Tối cao Mỹ trao thắng lợi lớn cho người nhập cư

Phán quyết mới nhất của Toà án Tối cao liên bang Mỹ đã mang lại thêm cơ hội lưu trú cho những người nhập cư bất hợp pháp tại quốc gia này.

'Quay về Mỹ để tiêm vaccine, em làm vậy có đúng không?'

Thất vọng vào chương trình tiêm chủng chậm chạp và bấp bênh ở một số nơi, nhiều người Mỹ trên toàn thế giới đang trở về quê hương để được nhận những liều vaccine Covid-19 đầu tiên.

Phạm Ân

Bạn có thể quan tâm