Khi chiến sự Ukraine nổ ra vào mùa xuân, giới chuyên gia năng lượng dự đoán giá dầu có thể lên tới 200 USD/thùng. Đây là mức giá cao ngất, đẩy chi phí vận chuyển và đi lại tăng mạnh, đồng thời có thể khiến nền kinh tế toàn cầu sụp đổ.
Tuy nhiên, bất chấp những dự báo tiêu cực, giá dầu hiện thấp hơn trước cả khi có xung đột, giảm hơn 30% trong chưa đầy 2 tháng.
Hôm 15/8, tin tức nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và nước này cắt giảm lãi suất khiến giá dầu giảm thêm, xuống mức dưới 90 USD/thùng với giá dầu WTI chuẩn Mỹ. Trong khi đó, giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu giảm xuống 93,3 USD/thùng, đánh dấu mức thấp nhất kể từ cuối tháng 2".
Giá xăng tại Mỹ cũng giảm mỗi ngày trong 9 tuần qua, xuống mốc trung bình dưới 4 USD. Giá nhiên liệu và dầu diesel cũng trên đà giảm, theo New York Times.
Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nước Mỹ ăn mừng. Giá năng lượng có thể dễ dàng tăng vọt, cũng giống như cách nó giảm mạnh bất ngờ và đột ngột.
Ông Ben Cahill - thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Ảnh: CSIS. |
Chia sẻ với Zing, Ben Cahill - thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) - nhận thấy 2 thách thức lớn mà Mỹ và thị trường toàn cầu phải đối mặt.
“Thứ nhất, nguồn dự trữ dầu chiến lược của Mỹ dự kiến kết thúc vào tháng 10. Điều này đồng nghĩa nhiều nguồn cung giúp hạ nhiệt thị trường kể từ mùa xuân năm nay sẽ không còn”, ông Cahill nhận định.
Ngoài ra, ông cũng chỉ ra lệnh trừng phạt của EU đối với dầu của Nga dự kiến có hiệu lực vào ngày 5/12 (đối với dầu thô) và ngày 5/2/2023 (đối với các sản phẩm dầu mỏ).
“Nếu nhu cầu mạnh hơn dự kiến, chẳng hạn nhu cầu dầu của Trung Quốc phục hồi, điều này sẽ gây áp lực rất lớn lên thị trường”, ông nhấn mạnh.
Khó đoán đà tăng giảm giá năng lượng
Theo Bernard Haykel - giám đốc Viện Nghiên cứu liên khu vực về Trung Đông, Bắc Phi và Trung Á tại Đại học Princeton, giá năng lượng trên thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.
“Suy giảm nhu cầu sử dụng do suy thoái kinh tế, chính sách Covid-19 tại Trung Quốc, sức sản xuất hạn chế tại các nhà máy lọc dầu và dầu Nga bị kiềm tỏa. Cho tới nay, sản lượng dầu Nga vẫn tiêu thụ mà chưa có quá nhiều hạn chế, mặc dù nhu cầu trong nước có giảm”, giáo sư Haykel nói với Zing.
Giới quan sát nhận định khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế Covid-19, nhu cầu chắc chắn sẽ tăng. Không chỉ vậy, hoạt động rút dầu từ Cục Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược Mỹ cũng sẽ kết thúc vào cuối năm nay.
Một sự kiện bất ngờ - chẳng hạn bão làm ngập kênh Houston Ship và khiến một số nhà máy lọc dầu ở Vịnh Mexico ngừng hoạt động trong nhiều tuần hoặc thậm chí vài tháng - có thể khiến giá nhiên liệu tăng vọt.
Những sự kiện này có thể trở thành làn sóng bao trùm nền kinh tế Mỹ, thậm chí là toàn cầu, khi giá năng lượng là yếu tố cơ bản quyết định giá vận chuyển và sản xuất.
Bên cạnh đó, cuộc chiến ở Ukraine vẫn là một biến số lớn trong triển vọng nguồn cung toàn thế giới vì Nga là nhà cung cấp nhiên liệu lớn.
Kể từ khi chiến sự nổ ra, xuất khẩu dầu Nga giảm khoảng 580.000 thùng/ngày. Khi các biện pháp trừng phạt thắt chặt hơn vào tháng 2/2023, con số này có thể cộng thêm 600.000 thùng/ngày.
Và khi Nga siết chặt bán khí đốt tự nhiên cho châu Âu, lục địa này buộc phải dùng dầu để thay thế phần nào khí đốt.
Giá West Texas Intermediate từ năm 2014-2022. West Texas Intermediate là loại dầu thô được sử dụng làm mức chuẩn trong giá dầu. Dù giảm so với mức đỉnh gần đây, giá dầu vẫn ở mức cao. Đồ họa: New York Times. |
OPEC+ không cần lấy lòng Mỹ
Hiện tại, nguồn cung toàn cầu dần tăng do sản xuất mở rộng ở Guyana, Brazil và Mỹ. Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh Ba Tư cũng vậy, nhưng không theo số lượng mà chính quyền ông Biden kỳ vọng.
OPEC và các đối tác, trong đó có Nga, cam kết tăng sản lượng lên 600.000 thùng/ngày trong tháng 7 và 8. Đầu tháng 8, OPEC+ công bố thỏa thuận tăng thêm chỉ 100.000 thùng/ngày.
Theo ông Ben Cahill, mức tăng 100.000 thùng/ngày rất nhỏ so với mức cần thiết.
“Trên thực tế, điều này chỉ ra rằng OPEC+ không cảm thấy cần tăng sản lượng vào lúc này. Chuyến thăm của ông Biden đến Saudi Arabia đã không thể thay đổi quan điểm của OPEC+ về cách quản lý thị trường dầu mỏ”, chuyên gia tại CSIS nói với Zing.
Đây cũng là quan điểm mà giáo sư Haykel đồng tình khi ông cho rằng số lượng OPEC+ công bố không đủ để tạo ra sự khác biệt, tác động tới thị trường thế giới.
Lý giải nguyên nhân OPEC+ không tăng sản lượng như Mỹ mong đợi, giáo sư Haykel cho rằng OPEC và các đối tác không cần “lấy lòng” tổng thống Mỹ vì mục đích chính trị.
Bernard Haykel - giám đốc Viện Nghiên cứu Xuyên miền về Trung Đông Đương đại, Bắc Phi và Trung Á tại Đại học Princeton. Ảnh: Đại học Princeton. |
Ông Haykel nhận định ông Biden muốn giảm giá dầu trước cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ vào tháng 11 tới, bởi giá năng lượng tăng cao sẽ ảnh hưởng tới triển vọng chiến thắng của đảng Dân chủ.
“Saudi Arabia không có mối quan hệ tích cực với đảng này, và có thể không muốn giúp đỡ. Không chỉ vậy, Saudi Arabia không tăng hoặc giảm sản lượng chỉ vì mục đích chính trị. Họ đưa ra quyết định dựa trên nhu cầu thị trường, chẳng hạn sự thiếu hụt nguồn cung - và họ chưa nhận thấy điều này”, ông Haykel nhấn mạnh với Zing.
Còn theo ông Cahill, rõ ràng châu Âu và Mỹ đang đối mặt nguy cơ suy giảm kinh tế vào mùa thu này. Do đó, OPEC+ không cho rằng thị trường cần thêm dầu vào lúc này và thực sự họ cũng không có khả năng sản xuất nhiều hơn.
Bên cạnh đó, chuyên gia CSIS cho biết OPEC+ có khả năng dự trữ rất hạn chế và phải quản lý một cách cẩn thận.
“Với khả năng dự trữ thấp, việc bổ sung thêm nguồn cung vào thị trường có thể phản tác dụng, dẫn đến lo ngại không còn khả năng ứng phó với các sự kiện như chiến tranh hoặc mất điện do thời tiết”, ông Cahill nói.
“Gáo nước lạnh” với chính quyền Mỹ
Dù nguyên nhân OPEC+ không đáp ứng mong đợi của Mỹ là gì, quyết định tăng sản lượng khiêm tốn của tổ chức này vẫn khiến nhiều người hoài nghi về sức ảnh hưởng của Tổng thống Joe Biden ở Trung Đông.
Một số người thậm chí mô tả động thái này của OPEC+ tín hiệu không mấy tốt đẹp khi ông Biden đã trực tiếp tới thăm Saudi Arabia - nhà lãnh đạo trên thực tế của tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ.
"Đó là gáo nước lạnh với chính quyền Biden. Chuyến đi và cuộc gặp với Thái tử Mohammed bin Salman không có kết quả", Matt Smith, nhà phân tích dầu mỏ hàng đầu của Mỹ tại Kpler, bình luận trên CNN.
Cái cụng tay gây nhiều tranh cãi giữa ông Biden và Thái tử Mohammed bin Salman trong chuyến thăm của tổng thống Mỹ tới Trung Đông. Ảnh: Reuters. |
Tương tự, Robert Yawger, phó chủ tịch phụ trách hợp đồng năng lượng tại Mizuho Securities, mô tả quyết định của OPEC+ là "một cái bạt tai".
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders cũng chỉ trích quyết định của chính quyền ông Biden, lưu ý rằng họ có những lựa chọn khác để giảm giá dầu mà không cần làm ăn với Saudi Arabia. Thay vào đó, ông đề xuất áp "thuế lợi tức" đối với các công ty dầu mỏ mà theo ông "đang bóc lột người dân Mỹ".
Trước động thái tăng nguồn cung khiêm tốn của tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ, chuyên gia dự đoán chính phủ Mỹ sẽ phải tìm kiếm các giải pháp thay thế trong thời gian tới khi không thể phụ thuộc vào Trung Đông.
Giáo sư Haykel nói với Zing rằng Mỹ cần khuyến khích các nhà sản xuất trong nước tăng sản lượng: “Do các yếu tố hành chính, kinh tế và tài chính, chính quyền ông Biden đã không thể thúc đẩy phương án này (trước đây). Tuy nhiên, tôi cho rằng các nhà sản xuất nội địa Mỹ sẽ tăng tốc trong năm tới để đáp ứng giá dầu tăng mạnh”.
“Ông Biden cũng có thể khởi động lại hoạt động của đường ống dẫn dầu từ Mỹ tới Canada. Ông Biden sẽ cần thay đổi chính sách năng lượng trong ngắn hạn, cho phép công ty trong nước sản xuất nhiều hơn”, vị giáo sư nói.
Chia sẻ quan điểm này, ông Cahill cũng nhận định Mỹ sẽ tiếp tục cân nhắc tối đa hóa kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của mình.
“Chính phủ nên tập trung vào việc bổ sung thêm nguồn cung dầu. Điều này chủ yếu nằm trong tay các công ty tư nhân, nhưng chính phủ có thể tác động thông qua việc tiếp tục cho thuê và cho phép khai thác trên các khu đất công, đồng thời đẩy nhanh các chính sách giảm nhu cầu dầu”, ông nói với Zing.
Giáo sư Haykel cho biết thêm rằng trong trường hợp OPEC tiếp tục giữ nguyên sản lượng trong thời gian tới, nếu nhu cầu năng lượng tăng cao sau khi nới lỏng chính sách phòng dịch Covid-19, và những nhà sản xuất nằm ngoài OPEC không tăng sản lượng, giá dầu sẽ tăng rất cao.
“Khả năng tăng sản lượng của Saudi Arabia và UAE cũng có giới hạn, khi thực tế cả 2 nước chỉ có thể kết hợp sản xuất 1 triệu thùng và không thể tăng thêm”, ông nói.