Nhắc đến truyện đồng thoại, người ta thường nghĩ đến thể loại chỉ dành cho trẻ em. Nhưng thực tế, thể loại này có thể giúp tác giả nổi tiếng, cũng như gửi gắm được những vấn đề của thời đại.
Truyện tranh Dế mèn phiêu lưu ký do họa sĩ Tạ Huy Long chuyển thể từ tác phẩm của Tô Hoài. Ảnh: Y Nguyên/Sài Gòn Giải Phóng. |
Cất tiếng nói thời đại
Hay tin nhà văn người Chile Luis Sepúlveda mất vì Covid-19 hồi giữa tháng 4 năm nay, rất nhiều độc giả trong nước và trên thế giới bày tỏ sự tiếc thương.
Độc giả nhắc đến Chuyện con mèo dạy hải âu bay, một tác phẩm thuộc thể loại đồng thoại gửi gắm khéo léo thông điệp về tình yêu thương. Luis Sepúlveda còn có nhiều tác phẩm đặc sắc như: Chuyện con mèo và con chuột bạn thân của nó, Chuyện con ốc sên muốn biết vì sao nó chậm chạp và Chuyện chú chó tên là Trung Thành.
Một nhà văn đến từ Hàn Quốc cũng được độc giả Việt Nam biết đến với những tác phẩm văn học thuộc thể loại đồng thoại đặc sắc là Hwang Sun-mi. Xuất hiện lần đầu ở Việt Nam với Cô gà mái xổng chuồng, sau đó nữ nhà văn này dần trở nên quen thuộc.
Tác phẩm Cô gà mái xổng chuồng viết về hành trình theo đuổi ước mơ và đi tìm tự do, trở thành cuốn truyện được yêu thích nhất của hàng triệu thiếu nhi Hàn Quốc, được Bộ Giáo dục nước này khuyên đọc.
Tại Việt Nam, từng có một thế hệ hùng hậu các nhà văn viết truyện đồng thoại và đã có những thành tựu như: Tô Hoài, Võ Quảng, Trần Hoài Dương, Phạm Hổ, Trần Đức Tiến…
Đặc biệt, tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài không chỉ vang danh trong nước mà còn được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Hiện nay, một lớp tác giả trẻ kế cận theo đuổi thể loại đồng thoại và bắt đầu tạo được ấn tượng như: Nguyễn Thị Kim Hòa, Dy Duyên, Lê Quang Trạng, Phan Đức Lộc, Nguyễn Thị Thanh Bình…
Không chỉ giúp tác giả trở nên nổi tiếng, thể loại truyện đồng thoại cũng có thể cất lên tiếng nói của thời đại. Chẳng hạn, Chuyện con mèo dạy hải âu bay còn là lời cảnh báo về tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường biển.
Nhà văn Văn Thành Lê chỉ ra: “Có thể người viết chưa tiệm cận những thuật ngữ như sáng tác tự nhiên, văn học sinh thái hay ngôn ngữ xanh, nhưng vô hình trung, những trang văn sinh thái, rất nhẹ nhàng vẫn tràn ngập trong các sáng tác của Trần Đức Tiến và các tác giả khác, để các em ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của con người đối với tự nhiên, kêu gọi con người bảo vệ vạn vật trong tự nhiên và duy trì cân bằng sinh thái”.
Nhà văn Trần Đức Tiến (ngồi ghế) trong hoạt cảnh ra mắt tác phẩm Xóm bờ giậu. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng. |
Đầu tư công phu
Không thể phủ nhận sức sống của các tác phẩm đồng thoại, bằng chứng là các tác phẩm này vẫn được NXB Kim Đồng phát hành và tái bản mỗi năm.
Gần đây, đơn vị này còn chú trọng đến khâu mỹ thuật, đầu tư công phu phần tranh minh họa. Có thể kể đến Xóm bờ giậu của nhà văn Trần Đức Tiến, in lần đầu 2.000 cuốn và hiện đã tái bản thêm 2.000 cuốn. Năm 2019, tác phẩm này đoạt giải B Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ hai.
Dế Mèn phiêu lưu ký bản bìa cứng do họa sĩ Tạ Huy Long minh họa, tái bản lần thứ 16. Cái Tết của mèo con của nhà văn Nguyễn Đình Thi được minh họa lại, in màu, cũng tái bản lần 3, với khoảng 10.000 bản. Đây có thể xem là một gợi ý thiết thực cho các đơn vị xuất bản trong nước.
Sau những tác phẩm dành cho tuổi mới lớn xuất bản hàng chục năm trước, nhà văn - nhà báo Gia Bảo vừa trở lại văn đàn bằng tác phẩm đồng thoại Những ngôi làng trên triền dốc (NXB Trẻ), với phần minh họa dễ thương và sinh động của họa sĩ Duy K.A.T.
Nhà văn cho rằng: “Tôi thực sự ấn tượng với những ấn bản thật đẹp, từ nội dung đến hình thức, đầu tư đến phần thiết kế, chất lượng giấy ruột, bìa, kể cả quy cách sách, co chữ, phông chữ... Điều này cho thấy, các NXB đã nghiên cứu kỹ tâm lý bạn đọc, hết sức chăm chút và đúng nghĩa là lấy các em làm trung tâm”.
Nhà văn - TS Nguyễn Thụy Anh cũng cho rằng đó là một lựa chọn khôn ngoan và hợp lý của các NXB và cả các nhà văn.
Theo chị, xã hội dù có thay đổi chóng mặt đến đâu cùng sự phát triển của công nghệ, con người được cung cấp nhiều thông tin và trở nên tài giỏi, thông minh đến đâu thì trẻ em vẫn là đứa trẻ của thời sơ khởi với những tò mò, băn khoăn, khao khát tìm hiểu và hòa mình vào thế giới xung quanh.
“Với tư duy trực quan, trẻ dễ dàng nhận được ấn tượng mạnh mẽ từ những hình ảnh minh họa bắt mắt, hình bìa gợi nhiều mơ mộng, tưởng tượng lớn. Với truyện đồng thoại thời đại mới, nhà văn nên loại bỏ cả những định kiến, không nhất thiết cứ là cáo thì phải khôn ranh gian xảo; sói thì dữ tợn; kiến, ong thì chăm chỉ; lừa thì ngốc nghếch...
Thế giới đồng thoại mới, giống như những mèo, những hải âu trong truyện của nhà văn Chile Luis Sepúlveda, đầy những bất ngờ, vượt qua cả những tính cách mà loài người áp đặt cho loài vật”, nhà văn - TS Nguyễn Thụy Anh nói.