Theo Ellen Macarthur Foundation, đến năm 2040, mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa có tiềm năng tạo ra nhiều kết quả tích cực. Đơn cử, mô hình có thể giúp cắt giảm 80% lượng nhựa thải ra đại dương hàng năm, giảm 25% lượng khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu, hay tiết kiệm lên đến 200 tỷ USD mỗi năm và tạo thêm 700.000 việc làm mới.
Một trong những yếu tố thúc đẩy mô hình này chính là thu gom và tái chế rác thải nhựa, biến rác thải nhựa trở thành nguồn tài nguyên cho các hoạt động kinh tế, không còn tồn tại ngoài môi trường gây ô nhiễm.
Ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam có nguồn nguyên liệu phong phú nhưng chưa phát triển với tỷ lệ tái chế nhựa chỉ đạt 33%. Bên cạnh đó việc phân loại và thu gom rác thải nhựa chưa thực sự đồng bộ, một nguyên nhân khác là nhu cầu về nhựa tái sinh (PCR) chưa cao khi việc sử dụng nhựa nguyên sinh luôn dễ dàng và chi phí thấp hơn.
Việc áp dụng PCR trong sản xuất bao bì mang lại một số thách thức nhất định. Chuyển sang vật liệu tái chế đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực đáng kể trong việc khôi phục chất lượng của nhựa đã qua sử dụng để đảm bảo về mặt thiết kế, màu sắc, hình dáng, chất lượng cho bao bì nhựa PCR.
Bên cạnh đó, một thách thức khác mà doanh nghiệp thường gặp phải là nguồn cung PCR ổn định. Đồng thời, việc chuyển sang nhựa PCR sẽ đòi hỏi các thông số kỹ thuật và tiêu chuẩn mới cần được thiết lập.
Nhiều sản phẩm từ Unilever Việt Nam áp dụng nhựa tái sinh trong bao bì. |
Thậm chí, những vấn đề tưởng như là tiểu tiết cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải nghiên cứu và phát triển các giải pháp phù hợp. “Keo dùng để dán nhãn vào chai PCR cũng cần thay đổi để đảm bảo độ kết dính, hay thùng đựng sản phẩm cũng cần được thiết kế để đảm bảo chai sản phẩm không bị vỡ”, bà Nguyễn Thị Mai - Giám đốc ngành hàng Chăm sóc Gia đình Unilever Việt Nam - chia sẻ.
Trước những thử thách này, công nghệ và đổi mới là chìa khóa giúp Unilever Việt Nam giải quyết các rào cản trong quá trình thúc đẩy sử dụng nhựa tái sinh trong sản xuất bao bì, góp phần giảm nhựa nguyên sinh và tăng cường vòng tuần hoàn của nhựa.
Đầu tiên, việc áp dụng khoa học công nghệ giúp doanh nghiệp phát triển khả năng có thể tái chế của bao bì. Do đó, bao bì sau khi đã qua sử dụng vẫn “sẵn sàng” cho quá trình tái chế về sau.
Tiếp đến, công nghệ giúp thúc đẩy sự đổi mới trong thiết kế bao bì - nâng cao hiệu suất và giúp giảm trọng lượng, cho phép Unilever Việt Nam cắt giảm lượng nhựa dư thừa không cần thiết.
Đồng thời, các phép đo và phương pháp phân tích mới cũng cần được phát triển nhờ công nghệ. Điều này giúp doanh nghiệp có thể kiểm tra chất lượng của bao bì được sản xuất từ nhựa tái sinh nhanh chóng và hiệu quả.
Công nghệ giúp Sunlight có bao bì từ nhựa tái sinh 100%. |
Bên cạnh công nghệ của bản thân doanh nghiệp, Unilever Việt Nam còn cần phối hợp, tận dụng thế mạnh chuyên môn và công nghệ của đối tác trong chuỗi giá trị. Trong đó, Tái Chế Duy Tân là đối tác đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển bao bì tái sinh của Unilever.
Là doanh nghiệp tái chế tiên phong tại Việt Nam, Tái Chế Duy Tân giúp Unilever xác định các giải pháp phù hợp để tái chế đầu - cuối. Cụ thể, nhà máy của Tái Chế Duy Tân hiện hoạt động theo các quy chuẩn quốc tế về chất lượng, môi trường, an toàn và sức khoẻ, với năng lực sản xuất lên đến 100.000 tấn/năm.
Công ty áp dụng công nghệ hiện đại “Bottles to Bottles” - từ chai nhựa đã qua sử dụng, công ty sẽ thực hiện nhiều khâu từ xử lý và sản xuất ra các hạt nhựa tái sinh đảm bảo đầy đủ điều kiện lý hóa về an toàn thực phẩm. Những hạt nhựa này có thể được thổi thành chai nhựa mới.
Lễ ký kết hợp tác giữa Unilever Việt Nam và Tái Chế Duy Tân. |
Đến nay, bao bì chai của sản phẩm từ nhiều nhãn hàng của Unilever Việt Nam đã áp dụng nhựa PCR. Điển hình trong đó có chai của các sản phẩm Sunlight, Lux và Love Beauty & Planet đạt 100% PCR; nhiều sản phẩm khác cũng áp dụng nhựa PCR trong bao bì như Dove, Lifebuoy, Sunsilk, Comfort, OMO...
Với những thế mạnh về công nghệ của hai doanh nghiệp, hợp tác giữa Unilever Việt Nam và Tái Chế Duy Tân sẽ tạo động lực to lớn giúp hoàn thiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa của Unilever. Đây cũng là cơ hội để truyền cảm hứng cho doanh nghiệp gia tăng sử dụng nhựa PCR trong sản xuất bao bì, đồng thời kỳ vọng có được sự hướng dẫn và hỗ trợ từ Chính phủ để mở ra thêm nhiều cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp tái chế.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM phát biểu tại lễ ký kết. |
“Tôi đánh giá cao các cam kết và nỗ lực bảo vệ môi trường của Unilever trong thời gian qua. Tôi tin tưởng đây sẽ là mở đầu cho nhiều dự án, hoạt động cụ thể, thiết thực, đồng thời tạo hiệu ứng góp phần nâng cao nhận thức, hình thành thói quen giảm thiểu, phân loại chất thải, thải bỏ đúng chất thải trong cộng đồng dân cư thành phố, phù hợp với định hướng và mục tiêu phát triển bền vững của TP.HCM cũng như Việt Nam và thế giới”, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM - chia sẻ.