Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Kho tư liệu quý' về chủ quyền Hoàng Sa ở Quảng Ngãi

Sau nhiều năm lặn lội về các vùng quê, các nhà nghiên cứu sưu tầm gần 5.000 trang tài liệu Hán Nôm, trong đó có những tư liệu quý liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa.

Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Quảng Ngãi phối hợp với Đại học Phạm Văn Đồng vừa công bố kho tư liệu với 5.000 trang tài liệu Hán Nôm quý hiếm liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa.

Kho tư liệu này được hoàn thành sau nhiều năm các nhà nghiên cứu sưu tầm, dịch thuật để thực hiện đề tài khoa học "Tư liệu Hán Nôm ở Quảng Ngãi - Giá trị, thực trạng và giải pháp bảo tồn”.

Kho tu lieu quy Hoang Sa anh 1
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ (trái), Hiệu trưởng Đại học Phạm Văn Đồng tiếp nhận tờ lệnh quý liên quan trực tiếp đến chủ quyền Hoàng Sa từ gia đình ông Đặng Lên (huyện đảo Lý Sơn). Ảnh: Minh Hoàng.

Góp thêm luận chứng khẳng định chủ quyền Hoàng Sa

Các tư liệu dịch thuật phổ biến với các loại hoành phi, liễn đối, sắc phong, chế phong, cáo thị, bằng cấp, đơn từ, văn bia, hương ước, khế ước... trên các chất liệu giấy dó, gỗ, đá và kim loại.

Trao đổi với Zing.vn, TS Nguyễn Đăng Vũ, Hiệu trưởng Đại học Phạm Văn Đồng, cho hay kho tư liệu Hán Nôm gắn liền với quá trình người Việt đến khai phá, xây dựng vùng đất này trong suốt nhiều thế kỷ. Nhiều nhất vẫn là di sản Hán Nôm của thời nhà Nguyễn, từ Gia Long đến Bảo Đại.

Theo ông Vũ, nhiều dòng họ ở huyện đảo Lý Sơn lưu giữ văn bản cổ Hán Nôm quý giá lên đến hàng nghìn trang. Đặc biệt nhất là tộc họ Đặng (xã An Hải) gìn giữ nguyên vẹn văn bản cổ Hán Nôm in trên giấy dó trải qua 4 đời liên quan trực tiếp đến chủ quyền Hoàng Sa. 

Kho tu lieu quy Hoang Sa anh 2
Tờ lệnh Hoàng Sa do tộc họ Đặng ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) gìn giữ suốt bốn đời. Ảnh: Minh Hoàng. 

Văn bản này là công lệnh của quan tỉnh Quảng Ngãi, ghi rõ ngày 15/4 năm Minh Mạng thứ 15 (1834), phái đội thuyền 3 chiếc ra canh giữ đảo Hoàng Sa.

Trong đó, giao cho ông Đặng Văn Siểm (là tổ tiên của ông Đặng Lên) đảm trách việc dẫn đường, ông Võ Văn Công lo lương thực và ông Võ Văn Hùng tuyển chọn người đi biển giỏi...

Văn bản này còn xác thực thêm những thông tin ghi chép trong các bộ chính sử của triều Nguyễn về ông Võ Văn Hùng, một nhân vật vốn được ghi trong Đại Nam thực lục hoặc trong các bản tấu của Bộ Công, là người có công đi Hoàng Sa trong nhiều năm, đã đo vẽ được bốn hòn đảo tại quần đảo này.

Trong khi đó, TS Sử học Nguyễn Nhã, cho hay văn bản cổ này góp thêm luận chứng để Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Kho tu lieu quy Hoang Sa anh 3
Du khách đến tham quan trưng bày di sản Hán Nôm ở Đại học Phạm Văn Đồng. Ảnh: Minh Hoàng.

Ngoài ra, tài liệu này đã chứng minh cụ thể đã có rất nhiều tổ tiên người Việt Nam ra biển Đông để cắm bia khẳng định chủ quyền và bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Trong đó chỉ riêng đảo Lý Sơn đã có nhiều dòng họ như Phạm Văn, Phạm Quang, Võ, Nguyễn, Đặng... can trường tham gia hải đội Hoàng Sa.

Bảo tàng sống về lịch sử

Không chỉ có "tờ lệnh Hoàng Sa" được lưu giữ qua bốn đời tộc họ Đặng, ở huyện đảo Lý Sơn còn nhiều dòng họ lưu giữ những văn bản cổ Hán Nôm.

Như tại nhà thờ họ Nguyễn (xã An Hải) có tài liệu Hán Nôm về Văn khế bán đất của xã An Vĩnh cho vợ chồng Cai hợp Đằng Nguyệt Tử ở phường An Hải để lấy tiền cho đội Hoàng Sa thi hành công vụ và cho thủy quân quy vào đội Hoàng Sa vào năm Gia Long thứ 15 (1816).

TS Vũ cho rằng, huyện đảo Lý Sơn được ví như bảo tàng sống động về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Hệ thống nhà thờ đội hùng binh Hoàng Sa, các tư liệu quý Hán Nôm... còn in đậm hình ảnh về Hải đội Hoàng Sa.

Ông Vũ nhấn mạnh việc sưu tầm, công bố "kho tư liệu" này nhằm nhận diện, đánh giá đúng thực trạng, giá trị của từng loại hình di sản Hán Nôm.

Từ đó, Nhà nước, nhà nghiên cứu cùng các địa phương chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di sản giới thiệu rộng rãi đến du khách trong nước, quốc tế. 


Minh Hoàng

Bạn có thể quan tâm