Tờ New York Times hôm nay đưa tin, hoạt động tìm kiếm máy bay MH370 tập trung một lực lượng quốc tế lớn chưa từng có, với 26 nước tham gia. Mặc dù các nước đã nhiệt tình hợp tác (như mở vùng lãnh hải, không phận, đóng góp công nghệ quân sự và dữ liệu giám sát) để giúp đỡ việc tìm kiếm, nhưng họ cũng tỏ ra nghi ngờ lẫn nhau, đặc biệt các nước như Trung Quốc, Malaysia, Mỹ, Ấn Độ hay Thái Lan.
Bên trong khoang điều khiển một máy bay tuần tra biển. Ảnh: The West Australian. |
Các nước đều hạn chế cung cấp những thông tin nhạy cảm vì những lợi ích chiến lược riêng của mỗi nước. Họ muốn che giấu vì những phương tiện trong cuộc tìm kiếm - gồm các radar tân tiến, mạng lưới vệ tinh, nguồn thông tin tình báo, các tàu và máy bay giám sát – cũng đóng vai trò là công cụ do thám.
New York Times đưa ra dẫn chứng về việc giới chức Ấn Độ đã miễn cưỡng thảo luận về dữ liệu radar tại Vịnh Bengal, nơi có một trong những tuyến đường nhiều máy bay đi qua nhất. Điều này thực ra do Ấn Độ không có nhiều dữ liệu tại khu vực này, vì khu vực Vịnh Bengal là một điểm yếu trong hệ thống bao phủ radar của nước này.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, một quan chức quân sự cấp cao Ấn Độ cũng nói rằng, nước này không duy trì sự giám sát chặt chẽ ở đó, vì địa điểm này không phải là một khu vực căng thẳng, không giống như khu vực biên giới phía bắc với Pakistan.
“Các nước ở Đông Nam Á và những khu vực rộng lớn hơn chưa có diễn đàn quốc phòng giúp chia sẻ thông tin và năng lực liên quan đến sự việc có quy mô lớn như cuộc tìm kiếm MH370. Họ từng cố gắng thiết lập kênh liên lạc chung nhưng thất bại. Đó là bằng chứng của sự hoài nghi hoặc thiếu lòng tin giữa các nước”, Jon Grevatt, nhà phân tích châu Á – Thái Bình Dương của IHS Jane’s, một tổ chức tư vấn quốc phòng ở Bangkok, nhận định.