Xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ năm 2014, xe ôm công nghệ đã thay đổi thói quen người dùng tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Người dân đã quen với các ứng dụng gọi xe trên di động như Vivu, Go-bike, UberMotor hay GrabBike…
Hình ảnh 2-3 tài xế xe ôm công nghệ túm tụm tại một chốt đèn tín hiệu giao thông ở ngã 3, ngã 4 hay nhóm đông hơn trước cổng bệnh viện, nhà ga... cũng không còn xa lạ.
Sắm smartphone, gắn mác tài xế công nghệ
Cùng với sự thay đổi thói quen của người dùng, xe ôm truyền thống cũng đang có dịch chuyển lớn. Đuối sức trong cuộc cạnh tranh trên chính "sân nhà" của mình, nhiều tài xế xe ôm truyền thống từ bỏ cách chạy xe cũ, sắm smartphone, khoác lên mình bộ đồ “công nghệ”.
Xe ôm truyền thống chính là lực lượng tham gia GrabBike đầu tiên. Không phải ai cũng ghét chúng tôi.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, CEO Grab Việt Nam
Anh Vũ Việt Hùng từng có nhiều năm chạy xe ôm tại khu vực quận 1, TP.HCM. "Trước đây, thích thì mình xách xe ra ngã 3, ngã 4 ngồi đón khách, trưa về ăn cơm với vợ con, ngủ đến chiều lại bắt đầu công việc. Khi xe ôm công nghệ xuất hiện, lượng khách ngày một ít. Thu nhập 500.000-700.000 đồng, thậm chí cả triệu đồng mỗi ngày nay chỉ còn là chuyện quá khứ", anh tâm sự.
Năm 2016, anh đầu tư điện thoại thông minh, đăng kí dịch vụ, đi học để trở thành tài xế công nghệ. “Bây giờ Grab và Uber cũng cạnh tranh lắm, một điểm đón có vô số người chờ rước khách. Cái gì kiếm tiền được thì người ta sẽ nhảy vào thôi”, anh Hùng nói.
“Không chỉ riêng tôi đổi sang chạy Grab đâu, hầu như cánh xe ôm tôi quen cũng chuyển sang chạy qua gần hết. Giờ tại TP.HCM, xe ôm kia chỉ có chạy ra chợ mà chờ khách thôi”, anh Hùng cho biết.
Xe ôm công nghệ bắt đầu chiếm lĩnh thị trường cổng bệnh viện bến xe. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang. |
Tại Hà Nội, theo chia sẻ của các tài xế xe ôm truyền thống, thị trường còn lại của họ chủ yếu chỉ là bến xe, cổng bệnh viện hay các khu ký túc xá sinh viên, trường học.
Tuy nhiên, theo khảo sát, ngay tại các bến xe, cổng bệnh viện lớn khu vực nội thành Hà Nội đã bắt đầu xuất hiện nhiều nhóm xe ôm công nghệ như UberMoto và GrabBike đứng đợi khách. Họ đi thành nhóm đông người và đợi trước cổng bến xe, bệnh viện vào đầu giờ sáng và đầu giờ chiều như những xe ôm truyền thống.
“Xe ôm truyền thống chính là lực lượng tham gia GrabBike đầu tiên. Không phải ai cũng ghét chúng tôi”, ông Nguyễn Tuấn Anh, CEO Grab Việt Nam cũng xác nhận. "Tuy nhiên, làm việc bên mình, tài xế phải chạy mười mấy chuyến một ngày. Còn ở bến xe, các xe ôm chỉ cần chạy một, hai chuyến vẫn ổn vì giá họ đưa ra rất đắt".
Hiện nay, theo thông tin phát ra từ các hãng, Grab có 50.000 tài xế xe hai bánh trong khi Uber có gần 20.000 người.
Không dễ chuyển sang làm xe ôm công nghệ
Anh Hoàng Tuấn (32 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã làm nghề xe ôm được hơn 5 năm. Kể từ khi xuất hiện xe ôm của Uber và Grab, số chuyến mỗi ngày của anh giảm quá nửa, thu nhập giảm còn mạnh hơn vì còn giảm giá để cạnh tranh với xe ôm công nghệ.
Thế nhưng, anh Tuấn cho biết không dễ để chuyển qua chạy Grab, Uber. Nhiều thành viên trong nhóm xe ôm của anh từng thử đăng ký tham gia các hệ thống xe ôm công nghệ nhưng bị từ chối với nhiều lý do khác nhau.
Các tài xế của cả xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ đều đang bị giảm thu nhập vì thị trường ngày càng nhiều người chạy xe ôm. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang. |
Ông Văn Quỳnh (quê Thái Bình), tài xế xe ôm truyền thống tại Bến xe Mỹ Đình, cho biết đa số người chạy xe ôm truyền thống đều đã lớn tuổi.
"Nhiều người bọn chú ngại thay đổi vì đã gắn bó với công việc này từ rất lâu. Cũng có người không biết sử dụng điện thoại thông minh nên không thể chuyển sang chạy xe Uber và Grab được. Người khác muốn chuyển sang chạy xe ôm công nghệ nhưng lại không đủ đáp ứng điều kiện của công ty, đành yên phận chạy xe ôm truyền thống", ông Quỳnh nói.
Trong khi nhiều bạn sinh viên cho biết thủ tục đăng ký vô cùng đơn giản, chỉ mất khoảng 3h thì nhiều người lớn tuổi hơn đợi dài không được hãng chấp nhận đi làm.
Bên cạnh các giấy tờ yêu cầu với sinh viên, người đã đi làm sẽ cần cung cấp lý lịch thân nhân, giấy xác nhận lý lịch trong sạch không có tiền án tiền sự....
"Những người có tiền án tiền sự hay phạm tội trước đây sẽ bị loại ngay. Đây cũng là lý do mà nhiều cánh xe ôm truyền thống dù muốn cũng không thể chuyển sang chạy cho Uber hay Grab, vì lý lịch rất phức tạp", ông Văn Tín (60 tuổi, quê Hà Nam), một tài xế công nghệ, cho biết.
Bản thân ông năm 2016 đã phải về quê lấy xác nhận cơ quan công an về lý lịch tư pháp với mức phí 200.000 đồng để đăng ký trở thành đối tác của Grab.
Nhiều tài xế xe ôm truyền thống do không đủ điều kiện để trở thành xe ôm công nghệ nên không thể chuyển nghề. Ảnh minh họa: Lê Hiếu. |
Theo tìm hiểu của Zing.vn, muốn tham gia hệ thống UberMoto, tài xế phải đáp ứng yêu cầu về xe máy như phân khối từ 100-150cc.
Ngoài việc đủ 18 tuổi và có các giấy tờ chính chủ liên quan, tài xế bắt buộc phải có tài khoản ngân hàng và đặc biệt phải cung cấp giấy xác nhận hạnh kiểm của cơ quan chức năng, đối với sinh viên sẽ thay bằng giấy xác nhận sinh viên tại trường đại học. Và sử dụng điện thoại thông minh hệ điều hành Android 4.0 hoặc Iphone iOS 8 trở lên.
Trong khi đó, GrabBike chỉ giới hạn độ tuổi đối tác đến 58 tuổi, tài xế phải có điện thoại chạy hệ điều hành Android 4.1 hoặc iOS 8.1 trở lên. Nếu đối tác là sinh viên cần phải có CMND hoặc hộ chiếu thời hạn 10 năm, thẻ sinh viên, giấy đăng ký xe chính chủ, giấy phép lái xe hạng A1,A2 và bảo hiểm xe. Đối với người lao động phải có hộ khẩu thường trú và sơ yếu lý lịch có chứng nhận của UBND.
Anh Văn Cường (quê Nam Định), tài xế xe ôm truyền thống thường xuyên hoạt động tại khu vực Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, Hà Nội, cho biết anh đã từng thử đăng ký tham gia xe ôm công nghệ.
Tuy nhiên, do giấy tờ xe của anh không phải chính chủ nên hồ sơ đã không được chấp nhận. Trong nhóm xe ôm của anh có người trước đây vi phạm pháp luật nên khi đăng ký cả Uber và Grab đều bị từ chối.