Bất đồng nổi lên trong nội bộ Taliban khi chính phủ mới đang gặp một loạt các thách thức, ngay sau khi lực lượng này đưa ra thông báo bổ nhiệm nội các lãnh đạo quốc gia.
Bên cạnh căng thẳng bùng phát với nước láng giềng Pakistan, cuộc khủng hoảng nhân đạo của Afghanistan đang ngày càng sâu sắc. Và cuộc đàn áp tàn bạo của các tay súng đối với những người chống đối làm xói mòn lòng tin của công chúng trước chính phủ mới, theo New York Times.
Căng thẳng tại biên giới với Pakistan
Trong lúc phải đối mặt với sự cô lập từ cộng đồng quốc tế, Taliban cũng vật lộn để đối phó với những căng thẳng kéo dài ở biên giới Afghanistan - Pakistan.
Quân đội Pakistan liên tục truy quét những chiến binh còn ẩn náu trong những ngày gần đây. Theo quan chức cấp cao Taliban, các cuộc tấn công bằng súng cối lẻ tẻ ở tỉnh Kunar ở đông bắc Afghanistan trong tuần qua đã khiến ít nhất 4 người bị thương, trong đó có một trẻ em.
Theo Financial Times, Pakistan từ lâu đã đóng một vai trò nghịch lý ở Afghanistan. Nước này là một đồng minh trên danh nghĩa của Mỹ trong "cuộc chiến chống khủng bố". Tuy nhiên, Pakistan cũng bị cáo buộc ngấm ngầm hậu thuẫn cho Taliban chống lại lực lượng đồng minh do Mỹ dẫn đầu nhiều năm qua.
Tuyên bố của Taliban về các nhà lãnh đạo mới nhằm mục đích thống nhất và chính thức hóa hoạt động của chính phủ. Động thái này đã làm dấy lên lo ngại ở phương Tây, khi mà những lời hứa trước đó của nhóm về tính toàn diện có thể không thành hiện thực.
Nội các mới thành lập dựa trên phần lớn cựu lãnh đạo từ chế độ của Taliban vào năm 1990 và không có sự xuất hiện của bất kỳ người phụ nữ nào. Điều này khiến nhiều người, cả trong và ngoài nước, lo sợ quá khứ cai trị của lực lượng này đang quay trở lại.
Các chiến binh Taliban tại Kabul vào tuần trước. Ảnh: New York Times. |
Phát biểu tại cuộc họp báo từ căn cứ không quân Mỹ ở Ramstein, Đức, Ngoại trưởng Antony J. Blinken nói rằng chính phủ mới của Taliban “không đáp ứng tính toàn diện”.
Tuy nhiên, tuyên bố của Taliban đã nhận được sự chấp thuận thận trọng từ Bắc Kinh. Wang Wenbin, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết nước này hoan nghênh ban lãnh đạo mới.
“Điều này chấm dứt hơn 3 tuần vô chính phủ ở Afghanistan, một bước đi cần thiết để Afghanistan khôi phục trật tự trong nước và tái thiết sau chiến tranh”, ông nói.
Ông cũng cho hay Trung Quốc kêu gọi thành lập một chính phủ Afghanistan “cởi mở và hòa nhập”, đồng thời tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Afghanistan.
Tiếp tục đàn áp người biểu tình
Ở trong nước, các nhà lãnh đạo mới của Afghanistan đang đối mặt với một loạt các cuộc khủng hoảng, bao gồm những người phản đối sự cai trị của nhóm, từ đó kích động phong trào trên toàn quốc.
Taliban đàn áp một số cuộc biểu tình quy mô nhỏ trên khắp đất nước vào ngày 8/9. Cuộc trấn áp diễn ra sau thông báo các cuộc biểu tình sẽ không được phép diễn ra nếu không có sự chấp thuận của chính phủ.
Hôm 7/9, Zabihullah Mujahid, quyền Thứ trưởng Văn hóa và Thông tin, thông báo tất cả cuộc biểu tình phải được Bộ Tư pháp thông qua trước.
“Hiện nay các cuộc biểu tình mang tính tự phát. Một số người tạo ra bạo động”, ông nói. Phóng viên không nên đưa tin về các cuộc biểu tình vì chúng là “bất hợp pháp”.
Tuy nhiên, một ngày sau cảnh báo mới, những người biểu tình lại một lần nữa xuống đường.
Taliban đôi khi đã phản ứng lại các cuộc biểu tình - ngay cả những cuộc biểu tình nhỏ và do phụ nữ lãnh đạo - bằng vũ lực.
Những người biểu tình chạy trốn khi lực lượng Taliban giải tán đám đông ở Kabul ngày 7/9. Ảnh: New York Times. |
Một số nhà báo Afghanistan cho biết họ đã bị bắt giữ và bị đánh đập khi đưa tin về cuộc biểu tình hôm 8/9 trước đồn cảnh sát ở thủ đô Kabul. Đây là một trong những vụ việc đầu tiên mà các nhà báo bị lạm dụng kể từ khi Taliban lên nắm quyền.
Theo Nemat, phóng viên quay phim cho tờ báo địa phương Etilaat-e Roz, khi anh và đồng nghiệp vừa đến con phố có hàng chục phụ nữ tụ tập, giơ biểu ngữ và loa phóng thanh thì các tay súng Taliban từ đồn cảnh sát đã giật máy ảnh và bắt giữ anh.
“Tôi nói với họ rằng tôi là một nhà báo và cho họ xem thẻ căn cước của tôi, nhưng họ buộc tôi tội tổ chức các cuộc biểu tình”, Nemat nói. “Họ đưa tôi vào một căn phòng, trói tay tôi bằng một chiếc khăn quàng cổ và bắt đầu đánh tôi bằng dây cáp”.
Không rõ có bao nhiêu người biểu tình đang bị giam giữ. Tuy nhiên, các nhà báo địa phương đã tiết lộ tình hình của một nhà tù ở Kabul.
Khi ba đồng nghiệp của Nemat đến yêu cầu trả tự do cho anh, họ cũng bị bắt.
“Đồn cảnh sát đầy tù nhân”, Aber - một trong các phóng viên - nói. Anh cũng nhìn thấy một người biểu tình bê bết máu sau khi bị đánh đập dã man, đồng thời chứng kiến cảnh các chiến binh Taliban hành hạ tù nhân.
“Họ chế giễu chúng tôi: ‘Muốn tự do à? Tự do gì?’”, Aber kể lại.
Các nhà báo của tờ Etilaat-e Roz đã được thả vài giờ sau đó bởi một quan chức Taliban. Quan chức này cũng cảnh báo họ không được đưa tin về “các cuộc biểu tình bất hợp pháp”.
Phóng viên của tờ New York Times đã nhìn thấy những vết bầm tím trên cơ thể của họ, kết quả của những cú đánh từ dây cáp.
“Vụ việc này rất nghiêm trọng, lần đầu tiên liên quan tới các nhà báo ở Kabul. Nếu không sát cánh cùng nhau, những điều tồi tệ hơn có thể xảy ra”, Zaki Daryabi, nhà xuất bản của Etilaat-e Roz, cho biết. “Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ các quan chức Taliban, nhưng muốn biết làm sao để khiếu nại chuyện này”.
Taliban chưa bình luận về việc việc giam giữ và hành hung các nhà báo.
Sự đau khổ hiện diện khắp Afghanistan
Chính phủ mới cũng đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng sâu sắc.
Peter Maurer, chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế, đã đến Afghanistan trong những ngày gần đây để gặp gỡ lãnh đạo Taliban.
Trong khi Afghanistan đang dần trở lại cuộc sống bình thường khi nhiều cửa hàng mở cửa trở lại, mọi người quay lại với công việc hàng ngày, sự đau khổ đang hiện rõ ở khắp mọi nơi.
Có người vẫn đang tìm kiếm các thành viên gia đình mất tích, có người lại yêu cầu chăm sóc y tế khẩn cấp. Còn có nhiều người chỉ đơn giản là lo sợ cho tương lai.
Một khu chợ ở Kabul vào tháng 8. Ảnh: New York Times. |
Theo ông Maurer, vào thời điểm hiện tại, sự không tin tưởng và sợ hãi vẫn lan tràn trong xã hội Afghanistan.
“Tôi choáng khi thấy nhiều nghĩa địa mới dựng ven đường, là minh chứng cho những trận giao tranh dữ dội trong những tháng gần đây”, ông Maurer nói.
Ông cũng cho rằng gốc rễ các vấn đề của Afghanistan rất sâu sắc, kéo dài và nghiêm trọng đến mức cộng đồng quốc tế có trách nhiệm chung đưa ra sự hỗ trợ.
Tuy nhiên, hầu hết hỗ trợ quốc tế đều gắn liền với khả năng thực hiện lời hứa của Taliban trong việc không cung cấp nơi trú ẩn cho những kẻ khủng bố quốc tế. Điều này có thể phức tạp bởi vụ vượt ngục trước đó xảy ra trong quá trình Taliban nắm quyền kiểm soát vào tháng 8.
Khi Taliban tiến về thủ đô Afghanistan vào tháng 8, các tù nhân từ một trại giam tại Sân bay Bagram - cách Kabul khoảng 30 km về phía bắc - đã tìm cách chạy trốn với sự giúp đỡ từ những người lợi dụng tình hình hỗn loạn.
Ông Maurer cho biết Hội Chữ thập đỏ đang làm việc để “tìm hiểu kỹ càng” số lượng người bị giam giữ trong nước, đồng thời thừa nhận “rất nhiều tù nhân” đã trốn thoát.