Làn sóng tăng lãi suất huy động đã “dâng” đến kỳ thứ ba kể từ đầu năm tới nay khiến nhiều người có tiền gửi sốt ruột lo đi tìm ngân hàng lãi suất cao trong khi doanh nghiệp nhấp nhổm lo phải gánh mức tăng này.
Nhiều người dân đã chọn lãi suất cao để gửi tiền vào ngân hàng. |
Chọn lãi cao để gửi
Vừa bán một căn hộ chung cư, muốn đưa tiền vào gửi tiết kiệm chị Nguyễn Lan (quận Thanh Xuân) bèn vào tra cứu mục lãi suất tiền gửi các ngân hàng trên trang laisuat.vn. Theo lời chị, nếu so sánh thì đến lúc này, lãi suất cao ngân hàng Phương Đông (OCB) vẫn đứng đầu với mức lãi suất 8,2% cho kỳ hạn 36 tháng tức là cao hơn từ 1-1,5% so với mức lãi suất nhiều ngân hàng thương mại khác.
Cẩn thận gọi điện đến một vài ngân hàng cả to và nhỏ, chị còn được biết thêm nếu gửi với số tiền lớn từ 2 tỷ trở lên, chị sẽ được cộng thêm ít nhất 0,3-0,5% lãi suất nếu gửi kỳ hạn dài 3 năm. Tuy nhiên, sau khi tham vấn thêm một vài ngân hàng khác, chị quyết định gửi vào nhà băng có lãi tiền gửi thấp hơn OCB khoảng 0,3%/năm với lý do ngân hàng có người quen phải chịu một khoản khoán định mức tiền gửi.
Kết thúc tháng 3/2016, bức tranh tiền tệ đã rõ biến động lãi suất huy động. Đặc biệt, thay vì đứng im như hai đợt tăng lãi suất đầu tháng trước đến giờ này, trung tuần tháng 3, ngay cả các ông lớn như Vietcombank, VietinBank đều phải buộc nhảy vào.
Tại VietinBank sau khi kỳ hạn dài trên 36 tháng đã được đẩy lên mức 7%/năm vào đợt trước, các kỳ hạn từ 3-6 tháng ở mức 5,5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng lên tới 5,8%/năm…
Vietcombank vốn niêm yết lãi suất huy động ở mức khá thấp so với thị trường, cũng vừa nhập cuộc với, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài 12 - 60 tháng đang dao động trong khoảng từ 6,2%/năm lên 6,5%/năm.
Còn BIDV thì tăng lãi suất huy động tiền đồng lên tới 7 - 7,2%/năm. Tính chung từ đầu năm đến nay, lãi suất ngắn hạn tăng từ 0,1-0,2%, tối đa 0,3%. Đối với trung, dài hạn, các ngân hàng tăng tối đa 0,5%.
Theo giới phân tích, việc các ngân hàng thương mại quốc doanh điều chỉnh lãi suất đã khiến khoảng cách chênh lệch lãi suất huy động giữa khối ngân hàng cổ phần và quốc doanh thu hẹp đáng kể. Điều này sẽ gây áp lực cạnh tranh trong thu hút tiền gửi từ phía ngân hàng cổ phần, bởi mức chênh lệch chỉ từ 0,5%/năm sẽ không đủ hấp dẫn để người dân dịch chuyển khoản tiền tiết kiệm sang ngân hàng khác.
Cố ghìm!
Số liệu từ NHNN, hiện mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn. Các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn, từ 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.
“Mặc dù tăng lãi suất huy động nhưng cho vay ở 5 lĩnh vực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thì lãi suất không tăng. Lãi suất cho vay tăng ở một số đối tượng như cho vay chứng khoán tiêu dùng, tăng nhẹ từ 0,2 – 0,3%/một năm”, một đại diện NHNN nói.
Trước diễn biến này, GS Nguyễn Đức Độ, Học viện Tài chính phân tích: NHNN sẽ phải tìm cách để giữ ổn định lãi suất. Song sự “ổn định” với lãi suất kỳ hạn sẽ khó khăn, vì lãi suất này phụ thuộc vào khả năng huy động vốn tiền gửi dài hạn của người dân. “Nếu người dân chọn gửi kỳ hạn dài càng nhiều thì lãi suất dài hạn sẽ hạ. Phải lưu ý nếu lãi suất ngắn hạn giảm xuống thì khu vực thương mại có thể sẽ được hưởng lợi, còn nhà đầu tư dài hạn sẽ … lo sốt vó”, ông Độ cho biết.
Theo các chuyên gia tài chính-tiền tệ, cùng với tỷ giá, áp lực lạm phát năm 2016 sẽ tăng lên, từ đó sẽ gây áp lực nhất định đến lãi suất. Năm 2015, lạm phát của Việt Nam tính đến cuối năm là 5%. Đối với lãi suất, mặc dù Chính phủ và NHNN kỳ vọng lãi suất sẽ giảm thêm nữa, song theo HSBC, diễn biến lãi suất tiền đồng bắt đầu có chiều hướng tăng lên.
Theo tổ chức tín nhiệm Fitch Ratings, hệ thống ngân hàng đang có những dấu hiệu ổn định nhờ nền kinh tế đang dần hồi phục. Đồng nội tệ tương đối ổn định và lạm phát thấp sẽ giúp cho tính thanh khoản và nguồn vốn của hệ thống ngân hàng Việt Nam ở tình trạng tốt, làm giảm áp lực chất lượng tài sản. Tuy nhiên, lợi nhuận của các ngân hàng có xu hướng giảm do áp lực giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chi phí tín dụng cao hơn do áp dụng chặt chẽ các quy định mới của Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ xấu.
Lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ trong nửa sau tháng 3 khi nhu cầu thanh khoản của hệ thống ngân hàng giảm nhẹ. Thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn trong trạng thái căng thẳng phản ánh qua mức lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm duy trì ở mức cao.
Hiện, mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm. (nguồn: Bản tin thị trường nợ MBS)