Thông tư 24/2015/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 8/12/2015 quy định, từ 31/3, các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ, chuyển sang mua bán USD thuần túy.
Việc chấm dứt cho vay ngoại tệ này áp dụng đối với các DN có nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước, nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam.
Siết chặt cơ chế cho vay ngoại tệ của NHNN, từng bước ngăn chặn tình trạng đầu cơ đô kiếm lợi. |
Theo đó, khi được các NHTM xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn nói trên, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot).
Ông Nguyễn Văn Tiến, chủ một DN chuyên nhập khẩu phụ tùng ôtô tại Hà Nội cho biết, DN không bị ảnh hưởng gì vì quy định mới. DN của ông vẫn là đối tượng được vay USD nhưng điều quan trọng hơn là DN đã có sự chuẩn bị.
“Trước đây, các DN đều được vay, nhưng khi đến hạn phải mua USD của NH với giá cao để trả lại các khoản vay đó. Với các DN sản xuất kinh doanh trong nước và có nguồn thu ngoại tệ và khi tiền về họ không phải mua và sẽ trả NH bằng nguồn ngoại tệ đó. Tuy nhiên rủi ro vay là khá cao. Thực chất, nhiều DN vay là để hưởng lãi suất thấp nhưng có thể lợi bất cập hại”, ông Tiến chia sẻ.
Trên thực tế, Thông tư 24 quy định đối tượng vay ngoại tệ hẹp hơn nhưng vẫn cho phép 3 đối tượng được phép vay ngoại tệ, bao gồm: vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu; và vay để đầu tư ra nước ngoài...
Ông Nguyễn Trung Hoàng, GĐ một DN kinh doanh thiết bị phòng thí nghiệm cho biết, ông không thấy thị trường USD biến động gì nhiều trước thời điểm 31/3 nói trên.
Trong phiên giao dịch ngày 29/3, đồng USD lặng sóng. Các NH hầu như không thay đổi giá mua bán USD so với phiên liền trước, phổ biến “để” ở mức 22.280 đồng/USD (mua) và 22.340 đồng/USD (bán). NHNN giảm tỷ giá trung tâm 2 VND xuống còn 1 USD đổi 21.889 (biên độ +/-3%).
Kể từ đầu 2016, tỷ giá USD/VND diễn biến nằm ngoài tính toán của nhiều NH, DN và giới đầu cơ. Có thời điểm giá USD trên thị trường tự do còn thấp hơn ở các NH. Kỳ vọng tăng 1% trong quý I/2016 đã tiêu tan. Quyết định kéo lãi suất tiền gửi USD giảm còn 0% là một cú đánh mạnh vào giới đầu cơ USD. So với đầu năm, giá USD hiện tại thấp hơn khoảng 200 đồng.
Đánh giá về thị trường ngoại hối thời gian gần đây, ông Tiến khẳng định tỷ giá USD/VND khá ổn. Tuy nhiên, trên thực tế, DN của ông cũng không vay USD từ NH. Kể cả mấy năm trước kinh doanh tốt, nhập khẩu giá trị hàng lớn nhưng ông toàn mua USD từ NH, lúc nào cần thì mua, khi dư dả thì chọn thời điểm USD thấp để mua vào một ít trên thị trường tự do.
Động thái mới ở Thông tư 24 của NHNN cũng có mục đích không gì khác ngoài việc hướng tới việc chuyển dần quan hệ cho vay bằng ngoại tệ, sang mua bán USD thuần túy.
Siết chặt từng bước
Tại một hội thảo của UBGSTCQG, nguyên thống đốc NHNN Lê Đức Thúy cho rằng, thị trường ngoại tệ “có vấn đề” khi mà lãi suất USD trong nước xuống 0% mà NH vẫn phải vay nước ngoài. Khoản vay 200 triệu USD của VietinBank từ 18 NH nước ngoài đã được đưa ra làm ví dụ để bày tỏ sự lo ngại.
Câu hỏi được đặt ra là: tại sao vốn USD dư dả mà các NH lại phải đi vay. Trên thực tế, số liệu của NHNN cho thấy, huy động ngoại tệ của hệ thống NH có xu hướng giảm, trong khi cho vay đang tăng lên trong những tháng đầu năm.
Đại diện một NH cho biết, lãi suất thấp khiến nhiều DN không mặn mà găm giữ USD. Họ bán ngoại tệ để tìm kênh tiết kiệm VND dài hạn lãi suất cao. Khi cần DN có thể nhanh chóng thế chấp VND để vay USD ngắn hạn với lãi suất thấp hơn.
Bên cạnh đó, vì lãi suất tiền gửi USD = 0% cho nên đa phần các khoản gửi USD là không kỳ hạn. Việc sử dụng để cho vay ngắn, trung và dài hạn đều có rủi ro khá cao.
Không những thế, theo ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch UBGSTCQG, tỷ giá USD/VND vẫn đứng trước nhiều áp lực do khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất và Trung Quốc phá giá đồng NDT.
PGS. TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện nghiên Kinh tế Ngân hàng cho rằng, các chính sách thắt chặt tín dụng ngoại tệ trong vài năm gần dây đã giúp giảm bớt ảnh hưởng của đồng USD tới nền kinh tế trong nước.
Bà Nguyễn Thị Hồng, phó Thống đốc NHNN trong một cuộc họp đầu tháng 3 tái khẳng định chủ trương nhất quán của NHNN là: ổn định thị trường ngoại hối, nâng cao vị thế VND, gắn kết chủ trương chống đô-la hóa, từ quan hệ vay cho vay sang mua bán. Theo đánh giá của bà Hồng, vị thế của đồng VND nâng lên cao trong hai năm 2014 và 2015.
Có thể thấy, sau cú tấn công mạnh mẽ phá luật ngầm dân đầu cơ tỷ giá bằng cơ chế tỷ giá trung tâm và lãi suất USD về 0%, NHNN đang áp dụng một biện pháp bổ sung để nhất quán chủ trương chống đô-la hóa đồng thời giảm dần tình trạng cho vay ngoại tệ nhằm ổn định thị trường.
Với quy định này, các DN có nhu cầu USD thực sự cho hoạt động nhập khẩu và đầu tư ra nước ngoài vẫn được duy trì. Trong khi đó, các nhu cầu không thực sự cần thiết, vay ngoại tệ cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước sẽ không được đáp ứng. Giao dịch USD thấp hơn sẽ khiến thị trường ổn định và hiện tượng tâm lý bầy đàn, ảnh hưởng tới tỷ giá, có thể sẽ ngày càng ít đi.