Anh Nguyễn Văn Hưng và con dao (đao) đá cực lớn, dài 65cm, bản lưỡi dài 19cm, chỗ rộng nhất 14cm, chỗ dày nhất 3cm. |
Từ thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đến nhà anh Hưng ở làng Lân, xã Ia Kly là những đoạn đường dốc trơn trượt vì mưa. Nhà thưa, đường vắng, lại có nhiều ngã rẽ vào nương rẫy, nếu không có người dẫn đường thì không dễ tìm đến ngôi nhà của anh nằm khuất nơi rìa làng.
Một số công cụ đá với đủ hình dạng, kích cỡ, được làm từ nhiều loại đá khác nhau. |
Trong ngôi nhà tôn giống một căn trại dài có vách chắn, rộng chưa đầy 40m2, chứa đầy cổ vật. “Kiếm được đồng nào là mình bỏ ra mua cổ vật, chỉ chừa một ít để lo cho sắp nhỏ. May là có bà xã giúp lo chuyện rẫy nương”, người nông dân 43 tuổi, quê ở tỉnh Tuyên Quang, giải thích.
Giới thiệu lướt qua các loại cổ vật của nhiều thời kỳ, anh Hưng dừng lại ở bộ sưu tập đá, đồng thuộc giai đoạn tiền - sơ sử. Anh cho biết những đồ sành sứ, đồng thau này mua của người Gia Rai ở địa phương và cả người Kinh dưới đồng bằng, tốn khá nhiều tiền vì chúng rất quý, ai nhìn cũng thích. Nhưng quý hơn, có ý nghĩa hơn với anh là những đồ đá, đồ đồng thời tiền - sơ sử.
Không còn chỗ trong ngôi nhà tạm chật chội, một số rìu đá được đổ thành đống ngổn ngang. |
“Mình nhìn nó để biết con người cách đây mấy ngàn năm đã sống như thế nào. Chúng giúp các nhà khảo cổ tìm hiểu về người tiền sử ở xứ sở này. Để có hiện vật nghiên cứu, các nhà khảo cổ phải khai quật rất công phu, có khi chỉ thu được dăm bảy hiện vật họ vẫn vui mừng, cho là thành công. Vậy tại sao mình không cố sưu tập chúng?”, người chủ “bảo tàng” chỉ mới học xong lớp 7 nói.
Để qua một bên những chiếc rìu đồng, gương đồng, anh Hưng kéo ra hàng bao tải đựng những công cụ đá như rìu, cuốc, bàn mài, cưa, chày nghiền... với nhiều hình dạng, kích cỡ, được làm từ các loại đá khác nhau. Trong suốt 10 năm sưu tầm hiện vật đá ở Chư Prông, anh cho biết đã tìm thấy vài chục địa điểm có thể được xem là xưởng chế tác công cụ đá tiền sử bên những con suối trong vùng.
Đá đục lỗ giữa (hàng giữa đang được làm dang dở, hai cái ở hàng cuối bị vỡ). |
Để có cứ liệu giúp các nhà khảo cổ tiện nghiên cứu và cũng để người xem biết được việc chế tác công cụ, vật dụng đá của người tiền sử như thế nào, anh Hưng đã thu gom hàng bao tải mảnh tước, mảnh đá dăm bị tách ra trong quá trình đập đẽo, chế tác công cụ.
Vẫn tiếp tục công việc sưu tầm khi cho rằng Chư Prông và các vùng lân cận vẫn còn những xưởng chế tác đồ đá của người tiền sử, anh Hưng chỉ e rằng mình không đủ tài lực. Và các cổ vật ngàn năm tuổi này dễ bị vùi lấp vì thiên nhiên, con người trong các hoạt động sản xuất, xây dựng.
Dốc lòng cho việc sưu tầm cổ vật, bao năm qua gia đình anh Hưng vẫn còn sống chật vật, nợ nần. Mái nhà tôn tạm bợ của anh được nới dài ra dần để chứa cổ vật một phần nhờ sự giúp sức của các chủ mỏ đá trong vùng (anh làm thêm nghề đục đá xây dựng cho các chủ mỏ đá khi vào Chư Prông lập nghiệp năm 1998, rồi lập gia đình năm 2000).
“Mình mong có được sự hỗ trợ phần nào của Nhà nước để làm cái nhà ra gần đường trưng bày các cổ vật cho nhiều người xem. Mình tin sẽ có nhiều người đến với nhà trưng bày”, anh tâm sự.