Tranh vẽ việc khắc in mộc bản thuộc triển lãm “Mộc bản - Bảo vật hoàng triều” và “Thiên hùng ca sử Việt” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV thực hiện năm 2019. |
Để chứa sách, Toàn thư cho hay thời Lý có nhà Bát Giác, kho Đại Hưng, kho Trùng Hưng; thời Trần có kho phủ Thiên Trường; thời Lê có thư viện Bồng Lai, kho chứa ván in ở Thăng Long…
Ngoài sách in ấn của nhà nước, có cả sách chép tay trong nhân gian. Dành cho vua chúa lại có kim sách (sách vàng), ngân sách (sách bạc) khắc trên lá vàng, lá bạc, viết trên lụa tốt dùng vào dịp đặc biệt như ghi ngọc phả, tấn phong.
Sau khi có kỹ thuật in mộc bản, nhiều bản sách đã được khắc in, ban hành. Tỉ như năm Đinh Sửu (1697), bộ Đại Việt sử ký tục biên viết xong và khắc in, ban hành. Sách Ngũ kinh, Tứ thư, Chư sử, Thi lâm, Tự vựng khắc in năm Giáp Dần (1734). Tục biên cho biết năm Bính Thìn (1736), để tự chủ việc in ấn sách, nhà nước cho khắc in và ban hành sách kinh sử, đồng thời “cấm mua sách Trung Quốc”.
Tuy kỹ thuật khắc in mộc bản đã có, nhưng còn khan giấy. Đến nửa cuối thế kỷ XVII có nghề làm giấy ở phường Yên Thái, Thăng Long thì việc in ấn, xuất bản sách mới thịnh.
Nghề in mộc bản phát triển nhất là thời Nguyễn khi có cả Cục In sách của nhà nước. Nhiều bộ sách lớn, đồ sộ được soạn, được in tại kinh đô Huế như Hoàng Việt luật lệ, Đại Nam thực lục, Đại Nam hội điển sự lệ...
Khi tìm hiểu về Đại Việt, người nước ngoài như Samuel Baron chú ý tới giáo dục nơi đây, đã ghi chép về những bộ sách kinh điển của giáo dục Nho học Đàng Ngoài được sử dụng phổ biến nơi sách Mô tả vương quốc Đàng Ngoài (nguyên tác: A Description of the Kingdom of Tonqueen).
Sách này có đoạn chép: “Những cuốn sách này được tập hợp lại thành bộ Tứ thư. Bộ Tứ thư cùng với năm cuốn sách khác nữa mà trước đây tôi đã nhắc đến hợp thành bộ chín quyển”.
Phan Cẩm Thượng đã ghi trong Văn minh vật chất của người Việt về tình hình sách vở thời xưa: “Dẫu vậy, thì trong xã hội phong kiến Việt Nam, sách chép tay vẫn chiếm tới 70%, sách ấn loát vẫn chỉ 30% bởi nhiều lý do. Trước tiên là do thời đó không có nhà xuất bản, việc bán sách chưa thành một nghề kinh doanh đáng kể ở nước ta, nhiều người, nhất là các thầy thuốc và thợ thủ công không muốn phổ biến những gì mình biết mà chỉ độc truyền trong gia đình, do vậy mà hầu như không có sách thuốc hay sách khoa học công nghệ nào được in trước thế kỷ XIX.
Những sách được in chủ yếu là sách kinh nghĩa của Tam giáo - kinh Phật, sách Tứ thư, Ngũ kinh và sách bói. Những nhà nho làm thơ có tiền cũng muốn quảng bá cái tài văn bút của mình thì thuê in vài trăm bộ biếu cho bè bạn, dâng lên quan trên; nhà chùa muốn truyền bá đạo Phật thì cho in khắc vài bộ kinh, đều là không thường xuyên cả.
Các hiệu, đường là những nơi in khắc chuyên nghiệp, còn các chùa, quán, hội, đàn… là những nơi in khắc theo vụ việc, không thường xuyên. Mỗi bản khắc chỉ chứa đựng được 1 trang, nên sách có bao nhiêu trang cần khắc bấy nhiêu bản”.
Trên đây là nhận xét chung về tình hình xuất bản thời phong kiến, dù con số thống kê còn gây nhiều băn khoăn, nhưng rõ là lượng sách được in ấn bằng kỹ thuật mộc bản vẫn còn khiêm tốn khi mà kỹ thuật in nặng tính thủ công.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.