Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phố nào được coi là phố sách trong 36 phố phường xưa?

Ít ai biết rằng, phố Hàng Gai xưa lại là phố in sách, bán sách, còn muốn mua dây gai, võng, thừng, chão… thì phải tìm lên phố Bát Đàn.

Trong cuốn Phố phường Hà Nội xưa, NXB Hà Nội (2017), tác giả, nhà giáo, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy (1900-1994), người sống gần trọn thế kỷ 20 và có nhiều trang viết sâu đậm về Hà Nội đã lý giải điều ông cho là “lạ” đó là trong các phố phường của mảnh đất văn vật lại không có nơi nào mang tên hàng sách. Phố Hàng Gai lại không bán dây gai mà lại bán sách vở, muốn dây gai thì lại phải lên phố Bát Đàn.

Tác giả cho biết, nghề in sách là một trong những nghề mới của Hà Nội. Thời chúa Trịnh Cương, Trịnh Giang, nghề in mới được mở mang. Trước đó, thì thường mua sách ngoài hay sao chép mà học, nên lắm chuyện “tam sao, thất bản”, sao đến ba lần là mất nguyên bản. Ông nghè Lương Như Hộc (1420-1501, là quan nhà Lê sơ) nhân dịp đi sứ (Trung Quốc), đã cố tìm tòi học lấy nghề in (khắc bản gỗ in). Để học được nghề này, ông phải đến trọ sát một nhà khắc bản in, rồi dùi vách, học lỏm nghề. Khi về quê ở Liễu Chàng (Gia Lộc, Hải Hưng) ông đem truyền nghề cho người làng. Đến giờ xem những cuốn sách nho in cũ nhất, thường thấy niên hiệu Lê Chính Hòa (niên hiệu thứ 2 thời vua Lê Hy Tông 1680-1705, niên hiệu trước đó là Vĩnh Trị 1676-1680).

Pho nao duoc coi la pho sach trong 36 pho phuong xua? anh 1
Phố Hàng Gai xưa. Ảnh Firmin-André Salles.

Tác giả cho rằng, các cửa hàng sách lớn nhất đã mở ở phố Hàng Gai, rồi đẩy các hàng dây gai, võng, thừng, chão lên phố Bát Đàn. Nghề bán sách được các cửa hàng ở Hàng Gai coi là một nghề có nghĩa lý. Ngày xưa, có ông cụ Trần Bình, là một nhà in nổi tiếng có nhiều sách nhất xưa kia; cụ coi nghề in sách là nghề cao quý, công việc in là công việc nghiêm cẩn. Nhà cụ lúc nào cũng rước nhiều thầy đồ hay chữ, để soát thật kỹ các bản in, không để sách in ra còn một lỗi nào, dù chỉ là thiếu một nét. Sách nhà cụ in không bao giờ có bản đính chính; sai sót là rất hiếm. Cụ có hai người con đỗ hương khoa, một cử nhân, một tú tài. Hàng phố bảo hai người đỗ là do ân đức của cụ Trần để lại.

Để in ra một cuốn sách, trước tiên phải viết, hay mượn người viết đúng như cách trình bày rồi sau đó nhắn người Liễu Chàng ra nhận về khắc (Thợ khắc là nam giới, in là nữ giới. Thợ khắc quanh năm ở làng, chỉ ra tỉnh trao bản in và sửa chữa). Loại gỗ dùng để khắc in thường là gỗ thị, gỗ này có ưu điểm mịn, bền và dẻo. Về khổ in, thường có hai khổ quen dùng là sách truyện 16x20cm (dùng giấy một tờ cắt làm ba) và sách học khổ khoảng 20x30cm (dùng một tờ giấy dọc đôi), những sách đặc biệt như Khâm định Việt sử, các kinh nhà Phật, thì khổ to hơn. Vào khoảng những năm 1908-1915, giá mỗi bản in khổ nhỏ là 7 hào, khổ lớn là 1 đồng, 2 hào. Nếu là bản khắc kỹ như tờ đầu sách giá khoảng 2 đồng hoặc hơn…

Pho nao duoc coi la pho sach trong 36 pho phuong xua? anh 2
Sách "Phố phường Hà Nội xưa".

Về giấy in, hàng ngày có các ông từ làng Bưởi vác giấy đến bán. Hai loại giấy thông thường là giấy bản và giấy moi. Giấy bản trong, trắng, dùng để in sách học. Giấy moi có vết vỏ gió, để in các truyện thường. Khổ giấy độ 80x40cm. Giá giấy bản vào những năm 1908-1915 khoảng 2 hào 100 tờ.

Tên hiệu các cửa hàng sách thường hay dùng chữ “văn”: Quan Văn, Phú Văn, Tụ Văn Đường… Các hàng sách thường bày biện sách trên các tấm phên thưa đặt trên phản (là các tấm cửa lùa) một đầu đặt ngay bậu cửa, một đầu kê vào một chiếc mễ (đồ dùng để kê đỡ, làm bằng một phiến gỗ dài, hẹp, có chân ở hai đầu). Trên phên bày các sách truyện, dăm ba cái gỗ viết để trẻ nhỏ dùng bắt đầu tập viết... Giá thứ hai đặt bên trong cửa hàng bày các sách quý, sách ít người mua. Ngoài sách, các cửa hàng cũng bán ít giấy sắc rồng, dùng viết sắc cho thần hay quan to...

Bảng tên sách cũng rất phong phú. Các truyện dân gian như Lý Công, Phạm Công Cúc Hoa, Thạch Sanh, Lưu Bình Dương Lễ, Bướm hoa, Trê cóc, thơ, chèo… Góc truyện nước ngoài có Kiều, Nhị độ mai, Hoa Tiên, Phan Trần,… Có các bản văn như Chinh phụ ngâm, Cung oán… Riêng mục Kiều có Kim Vân Kiều truyện, Đoạn trường tân thanh, Kiều tự, Truyện Kiều, Kiều thơ, Kiều phú…

Đầu thế kỷ 20, do thay đổi nội dung các môn thi cử, bỏ kinh nghĩa, thơ, phú, chuyển sang văn sách, luận, thêm phần chữ quốc ngữ khiến cho một kho đồ sộ bản in những sách này xếp xó, làm củi không nỡ, để thì chật nhà.

Từ năm 1907-1908 đã có một số cuốn sách mới như quyển Việt sử Tân ước, các sách cho trẻ học như Tam Tự Kinh, Sơ học vấn tân vẫn dùng, quyển Bác vật tân biên đời Phạm Phú được đem in lại. Các tập luận và văn sách chọn lọc bán rất chạy, sách Hán tự tân thư in ở hiệu Tây bán rất nhiều. Chữ quốc ngữ truyền lan như vũ bão. Các bài ca của Đông kinh nghĩa thục in bằng chữ quốc ngữ. Ở phố Tràng Tiền có một nhà xuất bản của ta dịch và phát không bộ Tam quốc chí… Theo xu thế, chữ quốc ngữ cũng tràn lên phố Hàng Gai. Khoảng năm 1911, hiệu Quan Văn in quyển Quốc phong thi, tầng trên in chữ Hán, tầng dưới bằng chữ Quốc ngữ, rồi có quyển Phương ngôn tục ngữ, trên in bằng chữ Nôm dưới in bằng quốc ngữ, vẫn dùng bản gỗ in…

Tác giả cũng cho biết, ngoài nổi tiếng là phố sách, phố Hàng Gai còn có các hàng giấy, bán giấy mã, bán sơn, nhựa thông, vàng quỳ, để về sơn đồ thờ, câu đối, hoành phi. Phố cũng là nơi bán đồ chơi Trung thu, nhộn nhịp từ mùng một tháng tám (âm lịch). Vào những ngày này, tất cả các hàng trong phố đều biến ra những cửa hiệu bán hàng Trung thu bằng giấy, nhưng qua ngày rằm thì cả phố đâu lại vào đấy.

Hàng Gai thay đổi mạnh từ lúc chấm dứt chiến tranh thế giới thứ nhất. Người buôn Tây đến ở, các tiệm tạp hóa của ta lác đác mọc lên, hàng kính mũ đến. Giá nhà tăng lên, giá thuê cửa hàng đắt đỏ, các hàng sách làm nghề mấy đời, người thì về quê, người sang phố khác…



Minh Châu

Bạn có thể quan tâm