Theo tìm hiểu của PV báo Giao thông, tuyến kè biển Cẩm Nhượng được xây dựng từ năm 2003 với tổng chiều dài khoảng 1,2 km. Tuyến kè này có vai trò đặc biệt quan trọng, chắn sóng, bảo vệ cho khoảng 1.200 hộ dân với hơn 5.000 nhân khẩu tại các thôn Phúc Hải, Xuân Bắc, Xuân Nam, Hải Bắc, Hải Nam và thôn Chùa của xã Cẩm Nhượng.
Do đưa vào khai thác từ lâu nên tuyến kè có nhiều điểm sụt lún. |
Qua hàng chục năm chịu áp lực triều cường, kè biển Cẩm Nhượng đã xuống cấp và hư hỏng nhiều. Huyện Cẩm Xuyên đã nhiều lần sửa chữa nhưng do thiếu kinh phí nên chỉ “chắp vá”, hiện nay, xuất hiện nhiều điểm sạt lở.
Theo quan sát của PV, tuyến kè biển hư hỏng nặng nhất ở đoạn qua thôn Hải Nam. Đoạn này dài khoảng 200 m nhưng có đến hàng chục điểm sụt lún, sạt lở, sập, vỡ các cấu kiện, nhiều điểm bị sóng đánh khoét sâu vào chân kè...
Ngoài ra, trên tuyến này có những điểm sạt lở rộng khoảng 200 m2 và nằm sát chân kè, chỉ cần sóng mạnh cấp 5,6 là toàn tuyến kè bị cuốn trôi.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết, sau gần 20 năm chịu áp lực triều cường, kè biển Cẩm Nhượng đã xuống cấp và hư hỏng nhiều. Mặc dù được UBND huyện Cẩm Xuyên tu sửa nhiều lần nhưng do vốn ít, thi công kiểu “chắp vá” nên không hiệu quả.
Có nhiều đoạn các cấu kiện bê tông bị bào mòn, bị sóng đánh nằm xếp lớp lên nhau. |
Vào tháng 10/2021, sau khi bị triều cường làm hư hỏng kè biển ở thôn Hải Bắc và thôn Hải Nam, tỉnh Hà Tĩnh đã trích 2 tỷ đồng từ nguồn phòng chống thiên tai của tỉnh để sửa chữa, khắc phục điểm hư hỏng.
Thế nhưng, đầu tháng 4, đợt áp thấp nhiệt đới lại đánh hư hỏng nhiều điểm khác trên tuyến kè biển này.
Nhiều điểm bị sóng khoét sâu tận chân kè tạo nên các "hàm ếch" rỗng bên trong. |
Cũng theo ông Hùng, do lo sợ các đợt triều cường nên người dân đã tập kết sẵn đá và các khối bê tông để gia cố tạm thời những vị trí sạt lở. Tuy nhiên, về lâu dài, chính quyền và người dân Cẩm Nhượng mong muốn được tỉnh, Trung ương đầu tư kinh phí, khắc phục những điểm sạt lở để người dân an tâm khi mùa mưa bão cận kề.