Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Khi viết tôi mệt, như đang review lại trải nghiệm nỗi đau của mình'

“Ta đừng quá nặng nề thơ ca phải thế này, phải thế khác. Nếu cứ định nghĩa thơ theo cách ta mong muốn thì ta đang tự giới hạn khả năng sáng tạo của mình”, Phong Việt nêu quan điểm.

Tham gia Hội sách trực tuyến quốc gia 2020, nhà thơ Nguyễn Phong Việt có buổi giao lưu với bạn đọc lúc 16h ngày 7/5. Các tập thơ của Phong Việt tạo nên hiện tượng xuất bản khi đã bán được hàng chục nghìn bản in, một điều rất hiếm thấy đối với thơ Việt Nam trong hàng thập kỷ trước đó.

Tho tre anh 1

Nhà thơ Phong Việt.

Thơ ca xoa dịu tâm hồn

Lâu nay, nhiều độc giả biết tới Phong Việt qua thơ ca, nhưng công việc chính của anh là làm báo, làm truyền thông. Ngoài viết những dòng thơ cảm xúc, anh còn là một người sáng tạo nội dung trong truyền thông số.

Anh quan niệm thơ ca là loại hình giải trí giống như ta xem phim, nghe nhạc, đọc sách. Nhưng thơ ca cô đọng về cảm xúc đôi khi chỉ một câu, một khổ thơ, mà người đọc cảm giác như tác giả đang kể câu chuyện, cuộc đời của họ chỉ bằng mấy câu từ ngắn gọn, súc tích. “Đôi khi bằng vài từ, câu chữ mà thơ ca nói lên tâm tư con người”, Phong Việt nói.

Đó là lý do khiến thơ ca đã làm bạn với con người từ bao đời. Đến nay, kỹ thuật số đã làm thay đổi đời sống, thói quen của biết bao người. Trong cuộc sống hôm nay, ta có quá nhiều mục tiêu, giá trị theo đuổi, cùng đó là sự bùng nổ của đa dạng loại hình giải trí gắn liền với phương tiện, công nghệ. Trước đây, thơ ca được yêu thích, nhà thơ được trọng thị; nhưng đến nay, nhiều người lo sợ thơ mất dần vị thế.

Nhà thơ Phong Việt cho rằng mỗi thời một khác song không vì ngày nay con người theo đuổi nhiều mục tiêu, phương tiện số bùng nổ mà lấn át văn chương nghệ thuật.

“Thơ ca là khoảng lặng giúp ta chậm rãi nhẹ nhàng nhìn thấu một phần nào đó suy nghĩ, nhận thức bản thân. Thơ ca như sự xoa dịu tâm hồn con người. Có người nhìn thấy ở thơ sự đau buồn, dằn vặt, hoặc được xoa dịu bản thân”, Phong Việt nói.

Với anh, những người yêu thơ là người có đời sống nội tâm phong phú. Đó là điểm khác biệt giữa người thích thơ với những người yêu thích các loại hình giải trí khác.

Trong đại dịch vừa qua, chúng ta chứng kiến nhiều bài thơ chống Covid-19 được chia sẻ, lan truyền qua mạng. Phong Việt cho rằng, trong hoàn cảnh ấy, thơ chống Covid là tiếng nói, tâm tư của những người trước một biến cố chung, nó có thể chân phương, mộc mạc, hoặc được diễn đạt trần trụi, khiến đôi khi người đọc cảm thấy không lãng mạn, thi vị hóa. Bởi vậy, có những người chê đó chỉ là “thơ phường”, không có gì cần tán thưởng.

“Về mặt bản chất, việc chúng ta diễn đạt suy nghĩ của ta dưới trang viết, đó là việc tốt. Ai có khả năng vốn từ, kỹ thuật thì diễn tả suôn sẻ, mượt mà, cảm xúc. Nhưng ai chưa có kỹ thuật, diễn đạt có thể ngô nghê. Bản chất họ muốn viết về cảm xúc của mình, nhưng chưa hay theo ý ai đó mà thôi. Đừng chê bai họ”, Phong Việt nói.

Tác giả Đi qua thương nhớ phân tích không phải lúc nào ta cũng mua được một cuốn sách hay. Có khi ra hiệu sách mua phải cuốn sách mà sau đó ta cảm thấy phí tiền, phí thời gian đọc. Nhưng đó cũng là kinh nghiệm để lần sau ta chọn sách tốt hơn.

“Vậy nên ta đừng quá nặng nề thơ ca phải thế này, phải thế khác. Nếu ta cứ định nghĩa thơ theo cách ta mong muốn thì ta đang tự giới hạn khả năng sáng tạo của mình”, Phong Việt nêu quan điểm.

Tho tre anh 2

Một số tập thơ của Phong Việt. Ảnh: Nicolas Phạm.

Độc giả đọc đau 1, tác giả viết đau 10

Từng phát hành nhiều tập thơ: Đi qua thương nhớ, Sinh ra để cô đơn, Sao phải đau đến như vậy?, Mình sẽ đi cuối đất cùng trời… Điểm chung trong các tác phẩm của Phong Việt đó là viết về những nỗi buồn, niềm đau.

Người đọc tìm đến thơ của anh như để chiêm nghiệm về cuộc sống, về bản thân mình để tìm lại những khoảng lặng dường như đã mất giữa cuộc sống xô bồ đầy bon chen.

Phong Việt chia sẻ những gì anh viết đều bắt nguồn từ trải nghiệm bản thân. “So với người khác Việt viết ít chứ không nhiều. Trong năm, lượng bài thơ được viết khoảng 60 bài”, Phong Việt cho biết.

Những câu chuyện, cảm xúc trong thơ chính là những gì mà tác giả đã trải qua. Anh viết về chính những nối buồn, niềm đau của mình. Khi viết anh tôn trọng cảm xúc bản thân, để câu chữ dẫn dắt mình.

Phong Việt nói anh không bắt buộc mình phải viết kiểu này kiểu kia, không thúc ép câu chữ. “Khi viết tôi mệt, giống như là đang review lại những trải nghiệm của mình”, Phong Việt chia sẻ.

Nếu độc giả đọc thơ Phong Việt mà cảm thấy đau, điều đó có nghĩa tác giả đau gấp nhiều lần như thế. Bởi khi viết, tác giả chiêm nghiệm lại nỗi đau của mình, suy nghĩ, đắn đo với từng chữ, từng tứ để diễn đạt nỗi đau ấy.

Tho tre anh 3

Truyện Kiều là tác phẩm truyền cảm hứng ngôn từ tới Phong Việt. Ảnh: Y Nguyên.

Khi được hỏi có bao giờ viết về cảm xúc của mình mà anh gặp khó trong diễn đạt, Phong Việt cho biết anh cũng nhiều lần bế tắc câu chữ. Từ năm 14-15 tuổi, Phong Việt cũng viết thơ niêm luật, nhưng anh gặp khó khăn khi gò cảm xúc mình lại trong những luật lệ chặt chẽ.

“Có câu chữ mình không muốn dùng, nhưng phải đưa vào vì nó vần với câu trước. Tôi cảm thấy viết như vậy không được thoải mái. Vậy nên viết tự do phù hợp với tôi hơn. Đó cũng là lý do tôi ngưỡng mộ các tác giả làm thơ theo thể, theo niêm luật”, Phong Việt nói.

Viết thơ hiện đại, tự do phóng khoáng nhưng Phong Việt bảo tác phẩm anh tâm đắc nhất là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Anh nói: “Với Việt, rất nhiều lần bế tắc câu chữ, Việt tìm thấy nhiều từ thú vị trong Truyện Kiều. Nếu có thời gian, bạn hãy tìm về Kiều, chắc chắn có thể tìm được vốn liếng ngôn ngữ trong đó”.

Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, Cục Xuất bản, In và Phát hành phối hợp các NXB, đơn vị phát hành sách thực hiện. Hội sách diễn ra tại địa chỉ book365.vn từ ngày 19/4 đến 20/5.

Chương trình giao lưu của hội sách được thực hiện trên nền tảng công nghệ 4.0 Vitranet24 sử dụng công nghệ tương tác giao tiếp trực tuyến mới nhất tương tự như các mạng xã hội: Call, chat, bình luận, like, videocall... giúp độc giả và diễn giả có không gian riêng để trò truyện, chia sẻ và giao lưu trực tuyến dễ dàng.

Đắm chìm vào công nghệ, chúng ta đang lãng quên sách?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng hiện nay giới trẻ tiếp nhận thông tin một cách nhanh, tiện lợi qua công nghệ; nhưng điều đó không có nghĩa sách mất đi vị thế.

Tần Tần

Bạn có thể quan tâm