Thay đổi chuỗi giá trị ngành xuất bản toàn cầu
Các tập đoàn xuất bản đa quốc gia có thể sẽ không in tập trung ở các công xưởng của thế giới như Trung Quốc và Ấn Độ. Covid-19 cho thấy cách vận hành như hiện nay là quá rủi ro.
Cộng với xu hướng bảo hộ thương mại, như chuyển các nhà in về “chính quốc” để tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa, mà tiên phong là các tập đoàn xuất bản Hoa Kỳ - vốn chiếm xấp xỉ 30% doanh thu của ngành công nghiệp xuất bản toàn cầu - thì giải pháp lâu dài của các tập đoàn là đa dạng nhà cung cấp và đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào in ấn. Print on demand - in theo nhu cầu - có thể sẽ trở nên phổ biến trong tương lai gần nếu các nhà xuất bản giải quyết được mâu thuẫn giữa bài toán lợi thế kinh tế trên quy mô và in số lượng tối thiểu
Covid 19 sẽ là một cú hích cho xuất bản số
Các giao dịch bản quyền trên nền tảng Zoom, Teams, Hang-out… đã đưa các nhà xuất bản xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Các hoạt động quảng bá của tác giả trên YouTube và trên các phần mềm họp trực tuyến đã giúp họ tiếp cận trực tiếp tới độc giả cuối cùng, cho dù tác giả có thể đang ở tâm dịch New York, còn độc giả là những đứa trẻ ở một tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam.
Covid-19 là “cơ hội” để thương mại điện tử, để tiếp thị số, sách điện tử, sách nói, quyền tiếp cận tài liệu mở và tài nguyên giáo dục miễn phí… phô diễn sức mạnh trước sách in, mô hình xuất bản và hệ thống phân phối cổ điển. Những tác động này sẽ dẫn tới hệ quả thứ ba.
Quyền tác giả, quyền liên quan trong thời đại nội dung số của kinh tế số
Không phải tới bây giờ vấn đề này mới được đặt ra. Cách đây 49 năm, khi thư viện trực tuyến đầu tiên - dự án Gutenberg - số hóa, lưu trữ và phân phối các tác phẩm hết thời hạn bản quyền từ 1971 – đã đặt ra những câu hỏi đầu tiên, thì 25 năm sau, năm 1996, Internet Archive – một tổ chức phi lợi nhuận – chuyên số hóa các xuất bản phẩm đã thật sự thách thức hệ thống Luật bản quyền đương đại.
Chưa dừng lại, sau tiến trình số hóa nêu trên, tự xuất bản điện tử với sự tham gia của hai trong số những tập đoàn lớn nhất thế giới - Google và Amazon - đã thật sự đặt ngành xuất bản truyền thống trước nguy cơ “tồn vong”. Năm 2000, CreateSpace, một dịch vụ tự xuất bản được thành lập. Năm 2004, Google phát triển công cụ Google Books: cho phép tìm một đoạn văn đầy đủ trong một cuốn sách do Google scan. Năm 2006, Goodreads, một trang web cho phép các cá nhân tự do tìm kiếm cơ sở dữ liệu sách ra đời. Năm 2008, Smashword, một nền tảng tự xuất bản điện tử chính thức hoạt động.
Và năm 2020, “lợi dụng” Covid-19, Internet Archive đã cho phép độc giả trên toàn thế giới tải về 1.4 triệu tựa sách, phần lớn trong số đó là những tựa sách còn thời hạn bảo hộ bản quyền. Hành động này, như ngài thượng nghị sĩ Thom Tillis, phụ trách tiểu ban sở hữu trí tuệ của Thượng viện đã viết, là một hành động “ngoài ranh giới của Luật bản quyền”.
Tuy nhiên, ông cũng nói, chúng ta cần phải cải tổ lại Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ để làm sao vừa bảo vệ quyền lợi của tác giả, của các nhà xuất bản và vừa thích nghi với thời đại nội dung số trong nền kinh tế số.
Ông Trịnh Minh Tuấn, Điều hành và sáng lập Công ty cổ phần xuất bản & giáo dục Quảng Văn. |
Covid-19 đã cho thấy tính bất toàn của chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành xuất bản. Các chuỗi cung ứng, từ bản quyền, in ấn, kho vận, phân phối… đã sụp đổ như những quân bài domino.
Tương lai nào chờ đón?
Vậy tương lai nào chờ đón những nhà xuất bản ở các nước thế giới thứ ba hậu Covid-19, khi những nguyên vật liệu đầu vào như máy in, giấy, mực, keo, chỉ… cho đến tác phẩm đều phải nhập khẩu? Khi các nhà xuất bản ở các nước thế giới thứ ba có quy mô vừa và nhỏ, vốn ít, thiếu nền tảng và kinh nghiệm quản trị?
Khi ngành xuất bản ở các nước thế giới thứ ba chưa hình thành chuỗi giá trị và hệ sinh thái? Thách thức sống còn này đòi hỏi ngành xuất bản ở các nước trên phải phát triển đội ngũ tác giả trong nước. Phải phát triển sức mua nội địa. Phải nhanh chóng rút ngắn đường cong kinh nghiệm học tập. Phải hình thành chuỗi giá trị và hệ sinh thái…
Vì, nếu chậm trưởng thành, không có nội lực vững vàng, các nhà xuất bản ở các nước thế giới thứ ba vẫn đơn giản là nhập khẩu, là gia công và hưởng chút lợi nhuận mỏng như dao cạo trong khi phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các đối thủ trong và ngoài ngành.
Thiếu sách mới do mọi công đoạn bị đình trệ. Đây là hệ quả của việc tạm dừng và hủy hàng loạt hội chợ giao dịch bản quyền quốc tế. Vì vậy, điểm sống còn cho các nhà xuất bản là quản lý danh mục sách tái bản. Nhà xuất bản nào có danh mục sách tái bản tốt, có vòng đời sản phẩm dài, nhà xuất bản đó sẽ có cơ hội sống sót nếu Covid-19 kéo dài tới cuối năm.
Nhà xuất bản nào chỉ trông chờ vào sách mới để làm đòn bẩy cho doanh số bán trong ngắn hạn sẽ thực sự khó khăn khi dịch không được kiềm chế. Khủng hoảng đã chứng minh chân lý: nội dung là vua.
Vì vậy, bất kỳ nhà xuất bản nào cũng phải thuộc lòng bài học cơ bản được dạy trong các trường đại học về xuất bản: Sản phẩm có nội dung tốt. Sau đó là tiếp thị tốt. Cuối cùng là bán hàng tốt. Nhưng để tiếp thị tốt và bán hàng tốt, bạn phải có nội dung tốt.