Thời trang nhanh (fast fashion) bắt đầu bùng nổ từ những năm 1960 để bắt kịp xu hướng trang phục rẻ tiền nhưng hợp mốt của giới trẻ. Thay vì chi trả hàng trăm đến hàng nghìn USD cho những món đồ từ các sàn diễn thời trang nổi tiếng, giờ đây người ta có thể dễ dàng sở hữu những bộ quần áo có thiết kế gần tương tự với mức giá phù hợp hơn.
Với khả năng chỉ cần 15 ngày để biến ý tưởng thiết kế thành các mẫu trang phục bày bán trên kệ, sự xuất hiện của Zara vào năm 1989 tại Mỹ đã mở đường cho sự bành trướng của nhiều thương hiệu thời trang nhanh trên thế giới, trong đó có H&M, Forever 21 và Topshop.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp thời trang bán lẻ đang đối mặt với những thách thức chưa từng thấy tại Mỹ và châu Âu. Sự trỗi dậy của các cửa hàng bán lẻ trực tuyến đang đe dọa sự tồn tại của không ít thương hiệu danh tiếng, từ Topshop, Gap cho đến Forever 21.
Thời trang nhanh (fast fashion) ám chỉ các sản phẩm thời trang hợp xu hướng được sản xuất hàng loạt với mức giá phải chăng. Ảnh: Fashion Compassion. |
Thời kỳ đen tối của thời trang nhanh
Tháng 5/2015, Delia’s chính thức đóng website sau đợt xả hàng lớn. Một năm sau, Aeropostale tuyên bố phá sản. Đến tháng 5/2017, Rue21 nộp đơn xin bảo hộ phá sản. 110 cửa hàng còn sót lại của American Apparel cũng đóng cửa trong năm này.
Nhưng chưa dừng lại tại đó, thị trường tiếp tục tỏ ra khắc nghiệt với những tên tuổi lớn khác là Gap, Old Navy, Banana Republic, Topshop và Forever 21 trong năm nay.
Theo Wall Street Journal, ngày 31/5 được xem là ngày đen tối của Gap - công ty sở hữu các thương hiệu Gap, Old Navy, Banana Republic - khi cổ phiếu rớt 9,6%, mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Hồi đầu năm, Gap tuyên bố đóng cửa 230 cửa hàng trong năm nay. Trong quý I, hãng đóng 15 cửa hàng tại thị trường Bắc Mỹ. CEO Art Peck của Gap thừa nhận quý đầu năm 2019 thực sự đầy thách thức đối với công ty.
Doanh số chuỗi cửa hàng Gap giảm 10%, Banana Republic giảm 3%. Thậm chí ngay cả Old Navy - thương hiệu bình dân vốn thành công nhất của công ty này - cũng giảm 1% doanh thu.
Giữa lúc đó, Arcadia Group - công ty mẹ của Topshop và Topman - cũng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ. Theo đó, toàn bộ 11 cửa hàng Topshop và Topman tại đây sẽ sớm đóng cửa. Ngay tại thị trường nội địa Anh quốc, Arcadia Group cũng sẽ đóng cửa 23 cửa hàng Topshop trong năm nay.
Hồi đầu năm, Gap tuyên bố đóng cửa 230 cửa hàng trong năm nay. Ảnh: Reuters. |
Theo báo cáo mới nhất, doanh thu của Arcadia Group giảm 5,6% xuống còn 1,9 tỷ bảng Anh (tương đương 2,4 tỷ USD) trong năm tài chính kể từ ngày 26/8/2017. Riêng tại Mỹ, tài sản của công ty chỉ còn 53 triệu USD trong khi số nợ lên đến 179 triệu USD.
Đầu tháng 6 vừa qua, CNBC cũng tiết lộ thông tin hãng thời trang nhanh Forever 21 đang đàm phán với hãng quản lý Apollo Global Management về khả năng nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Hiện công ty đang nghiên cứu kế hoạch tái cấu trúc để hoạt động hiệu quả hơn ở các thị trường.
Theo ghi nhận của Retail Metrics, doanh thu ngành bán lẻ thời trang Mỹ giảm 24% trong quý đầu năm 2019, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 26%. Hãng nghiên cứu này cho biết lần cuối cùng doanh số toàn ngành bán lẻ thời trang sụt giảm như thế là thời kỳ đại khủng hoảng (sụt 40% trong quý I năm 2008).
Thách thức của thương mại điện tử và xung đột Mỹ - Trung
Retail Metrics cho biết các hãng thời trang bán lẻ từ Gap, J.Jill, Canada Goose cho đến Abercrombie & Fitch đều công bố báo cáo tài chính không mấy khả quan hồi cuối tháng 5 vừa qua.
Nguyên nhân được những công ty này đưa ra là điều kiện kinh doanh thay đổi, lượng khách vào các trung tâm thương mại giảm dần, các chương trình khuyến mãi chưa phù hợp và những sai sót về sản phẩm nói chung.
Đối tượng khách hàng trẻ giờ ưa thích mua sắm qua mạng hơn là vào các trung tâm mua sắm lớn. Và những thương hiệu thời trang bán lẻ online như Asos, TJMaxx và Pretty Little Thing đã thu hút phần lớn lượng khách hàng này.
Thực tế, theo số liệu của Cục Điều tra thương mại Mỹ, ước tính doanh số thời trang bán lẻ trực tuyến quý I/2019 (sau điều chỉnh) đạt 137,7 tỷ USD, tăng 3,6% từ quý IV/2018 và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2018. Với những số liệu này, bán lẻ trực tuyến chiếm tỷ trọng 10,2% tổng doanh thu bán lẻ trên thị trường.
Chi phí thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại tăng quá cao. Ảnh: Alex Staniloff. |
Trong khi đó, chi phí thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại lại tăng cao hơn cả mức tăng trưởng của nền kinh tế. Ở New York (Mỹ), thống kê của Gulf News cho thấy chi phí thuê mặt bằng tăng khoảng 89% so với năm 2008, trong khi doanh thu bán lẻ chỉ tăng 32%. Xu hướng tương tự cũng diễn ra tại London (Anh) và Dubai (UAE).
Ngoài ra, CNBC cho rằng hậu quả của những xung đột gần đây giữa 2 nền kinh tế Mỹ - Trung với mức thuế tăng cao cũng khiến việc nhập khẩu hàng hóa thời trang gia công từ Trung Quốc gặp khó khăn.
Thời trang nhanh vốn được ưa chuộng bởi mức giá cạnh tranh so với các thương hiệu cao cấp, nhưng chi phí nhập khẩu cao đang khiến các ông lớn khó thoát khỏi tình trạng thua lỗ.